Tôi sẽ gọi đây là vở ballet đương đại Việt Nam!

13/03/2010 10:13 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Một sự kiện rất đáng chú ý đối với nền nghệ thuật ballet còn non trẻ của Việt Nam: Ngày 17/3/ 2010 tới đây, vở ballet kinh điển Carmen (âm nhạc Bizet, dựa theo tác phẩm của nhà văn Merime) sẽ được công diễn tại Hà Nội.

“Dựng Carmen, tôi chưa bao giờ thấy khó. Có lẽ vì tôi quá yêu câu chuyện này, đến mức cứ nhắm mắt vào cũng thấy gương mặt và tính cách của từng nhân vật. Cũng như khi đứng trên bục giảng, tôi luôn nói với sinh viên: đã là biên đạo múa thì đừng tự đánh đố mình, đừng sáng tác những đề tài, những tác phẩm mà mình không có cảm xúc gì hoặc chưa yêu nó từ tận trái tim... “- tổng đạo diễn kiêm biên đạo múa Tuyết Minh cho biết.

* Được biết năm 2003, chị đã từng dàn dựng vở ballet Carmen theo phong cách cổ điển. Còn bản dựng lần này với sự tham gia của đoàn múa Khám phá sẽ mang đậm dấu ấn của nghệ thuật ballet hiện đại. Vậy, điểm khác nhau giữa hai bản dựng này là gì?

- Carmen 2010, xin tạm gọi như vậy, là một sáng tác hoàn toàn mới so với Carmen 2003. Cũng giống như cùng một tác phẩm, ở mỗi thời điểm người ta vẫn có thể nhìn nó với những dáng dấp hoàn toàn khác nhau, phụ thuộc vào nhận thức, điều kiện, môi trường,cảm hứng...

Nói thêm một chút, ballet hiện đại cũng bắt nguồn từ cái gốc cổ điển. Ballet cổ điển hay ballet hiện đại chỉ là vấn đề của ngôn ngữ múa, quan trọng tôi là người Việt Nam và tôi đang dựa theo tác phẩm văn học của nhà văn Merime để biên đạo một vở ballet với tâm hồn, cách hiểu, cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt của người Việt Nam. Nếu phải dùng một từ đúng nhất cho ngôn ngữ múa của vở ballet Carmen lần này, tôi sẽ gọi đó là “Ballet đương đại Việt Nam”.

* Vậy, so với việc dàn dựng Carmen cách đây 6 năm, công việc của chị có gì thuận lợi hơn?

- Tôi rất hi vọng vào những diễn viên trẻ tài năng của lần dàn dựng này. Rất lâu rồi, tôi mới lại gặp được một dàn diễn viên yêu nghề và tâm huyết với ballet như vậy.Có thể kể tên những solist như: Hương Giang, Văn Nam, Quỳnh Liên, Diễm Quỳnh, Hoàng Anh... Đặc biệt tôi thật may mắn có những người bạn như ngôi sao ballet Cao Chí Thành. Thành đã từng là một đôi múa rất ăn ý trong nhiều tác phẩm khi tôi còn biểu diễn. Và hiện, cậu ấy cũng đang hỗ trợ cho tôi rất nhiều. Nói chung, ballet là thể loại múa rất khó, yêu cầu kỹ thuật và kỹ xảo cao. Với với số lượng cũng như trình độ của diễn viên ballet Việt Nam hiện nay thì vừa dựng vở tôi và Thành gần như đều phải vừa huấn luyện, tập huấn nâng cao cho các em.

* Năm 2003, Carmen của chị được dư luận đánh giá khá cao.Từ đó đến giờ, tư duy đạo diễn của chị thay đổi như thế nào?

- Tôi cảm thấy mình chín chắn hơn, cho dù đó không phải là yếu tố đủ đảm bảo cho thành công của vở diễn lần này. Thực ra, sau Carmen năm 2003, tôi đã tiếp tục sáng tác nhiều vở diễn khác như kịch múa Quan Âm Thị Kính năm 2004, vở múa đương đại Bên trong và bên ngoài năm 2005 và gần đây nhất là ballet Chiến thắng mùa hoa đào. Thực tiễn ấy đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm, có thể coi đó là những bài học không ai cho được, không trường lớp nào dạy được.

Có lẽ, điều quan trọng nhất trong số đó là việc tôi phần nào cảm nhận được nhu cầu, khao khát của khán giả khi xem một vở diễn. Và còn một điều khác là sự tự tin. Thậm chí, một số người trong nghề đánh giá tôi là “hơi tự tin quá” (cười)


Buổi tập vở Carmen của các nghệ sĩ trước khi công diễn vào 17/3 tới
* Được biết, toàn bộ kinh phí để dàn dựng vở ballet Carmen lần này là do chị tự đảm trách. Lý do của điều ấy là...?

-Tôi muốn niềm đam mê của mình được thực hiện và con đường nghệ thuật mà mình đã chọn sẽ được nối dài hơn. Ngoài ra, tôi cũng may mắn được bố mẹ, nhất là chồng tôi luôn ủng hộ và trân trọng những điều tôi đang làm. Trước hết đó là đam mê của tôi và nếu nói xa hơn nữa, đó là vì tương lai của những thế hệ nghệ sỹ múa sau tôi muốn chọn đi theo nghệ thuật ballet.

* Một chút nhận xét riêng của chị về thị hiếu của khán giả đối với nghệ thuật ballet hiện nay?

- Qua các vở diễn của mình, tôi phải thừa nhận rằng khách nước ngoài đi xem ballet là chủ yếu, mà khán giả Việt Nam ở Hà Nội chưa quan tâm nhiều. Sự thật là nhiều người có thể bỏ ra 2-3 triệu để mua vé xem ca nhạc, hài kịch, chứ không sẵn lòng bỏ ra 2-3 trăm nghìn để mua vé xem ballet. Có lẽ cũng phải dành cho những khán giả tiềm năng thời gian để họ làm quen và cảm nhận được cái hay, cái đẹp mà nghệ thuật ballet mang lại.

Nhưng, tôi không tin là trong số gần 8 triệu người đang sống và làm việc tại Hà Nội lại không có được 500 người sẵn lòng mua vé đi xem ballet ở Nhà hát Lớn vào tối 17/3 này - nếu tính tỉ lệ thì chỉ là 1/10.000, thực sự là quá nhỏ. Khi vẫn có những người chia sẻ và lắng nghe, giống như công việc mà nhà báo các bạn đang làm với chúng tôi, thì không có lý gì khán giả lại không biết được câu chuyện của chúng ta...

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm