05/12/2017 07:12 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Trần Lực nói rằng anh chọn cái tên LucTeam cho đoàn kịch của mình bởi khi đọc lên, cái tên ấy nghe như LuckyTeam (Lucky: may mắn). Quả thật, ở bối cảnh của sân khấu bây giờ, việc thành lập một đoàn kịch tư nhân xem ra cũng cần sự… dũng cảm.
1. Nếu không kể tới buổi diễn phục vụ báo giới trước đó, đêm công diễn Cơn ghen của Lọ Lem (tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội) vào tối 2/12 vừa qua có thể coi là buổi ra mắt chính thức của LucTeam.
Sân khấu được tinh giản tới mức tối đa. Nửa đầu vở diễn, không gian ấy chỉ là một tấm phông nền xanh xám, cộng thêm “đạo cụ” là một chiếc xe máy mini. Nửa sau vở, có thêm một cánh cửa tượng trưng bằng gỗ. Và hết.
Trên cái nền ấy, lần lượt, 7 diễn viên trẻ bước ra và nhập cuộc với những trang phục khác nhau. Có người mặc trang phục theo kiểu Châu Âu vào thế kỷ XVII. Có người mặc đồ hiện đại. Có người để mặt “mộc”, và cũng có những diễn viên sử dụng hình thức vẽ ‘mặt nạ” như thường thấy trên sân khấu tuồng truyền thống.
Và, bên cạnh vai trò đạo diễn kiêm biên kịch, Trần Lực cũng nhập cuộc đầy hào hứng trên sân khấu. Anh giống như một người kể chuyện, cầm micro lĩnh xướng phần vũ đạo mở đầu vở diễn – để rồi cuối buổi lại bước ra giải thíchtrước các khán giả đang ngơ ngác: “Bà con ơi, hết… kịch rồi”
Khán giả ngơ ngác, bởi Cơn ghen của Lọ Lem là một vở diễn lạ so với cách xem, cũng như cách diễn thông thường. Không có cao trào, không giải quyết triệt để những tình huống kịch đã mở ra, kịch bản của vở được Trần Lực biên tập, và làm mới rất nhiều, so với nguyên tác đượcMoliere viết ra từ 500 năm trước.
Một người chồng có tên Lọ Lem, gia trưởng và ghen tuông. Một cô vợ Garlic trăng hoa, phù phiếm và luôn mơ về một tình yêu vĩnh cữu. Một vị Tiến sĩ rỗng tuếch và háo danh, được trông đợi là người hòa giải xung đột gia đình. Dưới bàn tay của Trần Lực, 3 nhân vật chính ấy được "hiện đại hóa" để trở thành những con người của chính cuộc sống hôm nay. Họ cùng giận hờn, ghen tuông, cùng mặc cả và thương thuyết để đưa người xem từ lớp kịch này sang lớp khác.
Rồi, như để thêm phần "hiện đại", chất liệu từ những sự kiện thời sự nóng nhất cũng được đưa vào lời thoại của vở, với những "cải tiến chữ viết", "mua lại Hãng phim truyện" hay " sang Tàu, nhập tơ về Hàng Gai bán"...
2. Trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), Trần Lực bảo anh muốn khán giả nhận ra rằng sân khấu vẫn có những giá trị riêng so với điện ảnh hay truyền hình. Bởi thế, thay vì cách dàn dựng "tả thực" – như hàng chục vở diễn vẫn được thực hiện bấy lâu nay – LucTeam muốn hướng tới phong cách của sân khấu ước lệ, với một cách kể truyện mới. Mới mà thật ra lại là cũ – khi ước lệ vốn là đặc trưng quan trọng nhất của sân khấu truyền thống như tuồng và chèo.
Cha là đạo diễn chèo NSND Trần Bảng, mẹ là cố nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân, Trần Lực từng có 7 năm theo học đạo diễn sân khấu tại Bulgaria. Rồi như lời anh, khi về nước năm 1991, thực tế của cuộc sống đã bắt anh "rẽ bước" sang điện ảnh. Mãi đến giờ, sau 26 năm, vị đạo diễn ở tuổi 54 này mới có thể thực hiện được giấc mơ của mình: lập một đoàn kịch riêng, với phong cách chủ đạo là nghệ thuật ước lệ như sân khấu chèo.
"Bạn bè ngăn cũng nhiều, nhưng LucTeam vẫn ra đời. Đơn giản là tôi tin vào sức hấp dẫn vốn có của sân khấu" – anh nói – "Không thu hút được khán giả thì chỉ có thể giải thích là chúng tôi làm chưa hay, chưa để họ thấy được rằng sân khấu có những giá trị riêng so với điện ảnh hay truyền hình."
Thực tế, hỏi Cơn ghen của Lọ Lem có lạ không, chắc chắn khán giả sẽ gật. Còn với câu hỏi có hay không, hẳn câu trả lời sẽ lại phụ thuộc vào sở thích của mỗi người. Đêm diễn vào tối 2/12 vừa qua, vở được đón nhận khá nồng nhiệt. Nhưng, khán giả hôm ấy đa phần vẫn là đồng nghiệp và những người trong giới sân khấu. Còn lại, việc bán vé trong thời gian tới hẳn vẫn là một bài toán phức tạp cho Cơn ghen của Lọ Lem.
"Tôi hiểu những gì đang chờ mình. LucTeam chọn một cách diễn khác, một con đường khác so với mặt bằng chung của sân khấu bây giờ. Dù thế giới đã làm nhiều, nhưng để khán giả của chúng ta chấp nhận, mọi thứ vẫn cần phải có thời gian" – anh nói – "Chúng tôi xác định là vở sẽ lỗ trong thời gian đầu, nhưng chắc chắn cũng không vì thế mà dừng lại."
Trần Lực bảo, khi thành lập, đoàn của anh đã tính tới những cái tên như Sao Phương Đông, hay Factory (công xưởng). Thế nhưng, cái tên thứ nhất nghe ra có vẻ quá mơ màng, còn cái tên thứ hai lại không chuyển tải đủ những gì anh muốn – bởi đoàn kịch có khát vọng thật sự chứ không đơn thuần là một "công xưởng" sản xuất ra những vở kịch. Bởi thế, LucTeam được chọn - khi mà đọc lên, cụm từ ấy nghe na ná như "LuckyTeam".
Chắc chắn, không chỉ bạn bè, giới sân khấu cũng hi vọng mong may mắn sẽ đến với anh, một người bạo gan lập đoàn kịch tư nhân trong bối cảnh bây giờ.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất