17/08/2018 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Phim Kfc (sản xuất năm 2016, 69 phút) với kinh phí gần 1 tỷ đồng được Lê Bình Giang làm để tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Theo thông lệ quốc tế, với thời lượng trên 60 phút đã là phim dài. Thế nhưng, vì tự biết phim không dành cho số đông, nên Lê Bình Giang chọn con đường khác, chu du qua gần 25 liên hoan phim quốc tế và tổ chức những suất chiếu lẻ, dạng “du kích”.
Đầu tháng 8, Kfc đã có 2 suất chiếu ở hệ thống rạp CGV ở TP.HCM. Tiền thu được (dù gián tiếp) từ dự liên hoan, bán các chợ phim, bán DVD và chiếu các suất lẻ… cũng đã thu hồi được vốn. Lê Bình Giang có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Chu du qua gần 25 liên hoan phim quốc tế, nhận về một số giải thưởng, vì sao Giang không tìm cách để phim của mình được công chiếu rộng rãi hơn?
- Khi làm phim này, tôi đã xác định đối tượng khán giả sẽ rất hẹp, nên không có nhiều băn khoăn trong việc tìm cách chiếu theo dạng thương mại.
Phim cũng không có công thức của dạng phim thương mại, nên không có cấu trúc 3 hồi, không có diễn viên đẹp hoặc nổi tiếng, không chú trọng kết thúc đẹp hoặc có hậu, không có kinh phí cho truyền thông, quảng cá…
Cuối cùng, do may mắn, tôi đã xin đủ kinh phí từ nhiều nguồn để làm Kfc, mà không có áp lực nào về việc trả lại vốn. Chính vì vậy, tôi càng cảm thấy thoải mái khi chọn các suất chiếu quy mô nhỏ, với những khán giả thật sự quan tâm đến phim.
* Khi chiếu tại các liên hoan phim quốc tế, ngoài mối quan tâm về chuyện “bếp núc” trong cách làm phim, Giang có gặp các câu hỏi về khía cạnh bạo lực và tính hiện thực của phim này không?
- Về khía cạnh bạo lực thì có rất nhiều câu hỏi, còn hiện thực thì không. Có vẻ như ở các nước đó phim chỉ là phim mà thôi, nên khán giả đã biết đó là kết quả của một quá trình hư cấu, không cần hỏi. Nhưng họ cũng thường quan tâm đến tính mục đích hoặc thông điệp của phim. Tôi chỉ trả lời đơn giản rằng khi làm phim chủ đề nào thì hãy cố gắng chân thực và đi tận cùng với chủ đề ấy.
* Về tên gọi, “Kfc” là gì? Nó mang chở thông điệp ra sao?
- Đây không phải là tên viết tắt của bất kỳ nhãn hiệu thức ăn nhanh nào, tôi chỉ muốn gợi tưởng về thời mà thức ăn công nghiệp đang ngự trị, nên cái gì cũng quá nhanh. Tôi sợ rằng với tốc độ này, đến một lúc nào đó trái đất sẽ không còn gì để ăn.
Nhìn ở khía cạnh biểu tượng hoặc tâm lý, thế giới ngày nay nhiều người đang tìm cách để “ăn thịt” lẫn nhau đó thôi. Đáng lý phải ăn chậm, uống chậm, sống chậm…, nhưng cuộc sống đang làm ngược lại.
* Bạo lực và nặng nề về tâm lý có phải là phong cách mà Giang định lựa chọn cho mình để làm các phim kế tiếp hay không?
- Tôi mới bắt đầu nên chưa thể nói gì về phong cách định hình của mình.
* Vậy thì các kịch bản mà Giang đam ôm ấp theo thể loại nào?
- Tôi đang có 4-5 kịch bản, với các tông màu, chủ đề và phong cách khác nhau, chứ không chỉ có bạo lực hoặc nặng nề tâm lý. Có thể một trong những kịch bản này sẽ thành phim, có khi cũng không, còn tùy vào may mắn và sự đồng cảm của các nhà đầu tư.
Tôi vẫn liên tục viết kịch bản để tự trau dồi và tự học hỏi, vì mỗi kịch bản - dù do chính mình viết - vẫn luôn là một bất ngờ với chính mình, từ ý tưởng sơ khai cho đến hoàn thành quá khác nhau.
* Phim tốt nghiệp mà đầu tư gần 1 tỷ đồng, không hề nhỏ, vì mấy phim dạng này thường chỉ chiếu một vài suất tại trường rồi cất kho. Rất may “Kfc” lại hòa vốn, thậm chí đạo diễn “lãi” gấp đôi, do các nhà đầu tư không lấy lại vốn. Nhờ cho lời khuyên với các bạn mới bước chân vào làm phim, chắc Giang sẽ khó đồng ý. Nhưng nếu có một gợi ý nào đó, Giang sẽ nói gì?
- Có lẽ nên xác định phải làm đúng ngay từ đầu. Đầu tiên là phải tập đi xin kinh phí, nhiều ít không quan trọng, nhưng phải có, để từ nguồn kinh phí mà ta làm phim. Có phim ngắn tôi làm chưa hết 1 triệu đồng, vậy thì việc xin 1 triệu đồng chắc sẽ không khó.
Tiếp đến, nên thiết lập cho được ê-kíp lành nghề và có đam mê giống mình để cùng xả thân. Cuối cùng là nên cố gắng đạt chuẩn về âm thanh và hình ảnh chiếu rạp, có phụ đề tiếng Anh tốt, không vi phạm bản quyền âm nhạc… để có thể gởi tham dự các liên hoan phim phù hợp. Nếu họ nhận phim, mình sẽ có cơ hội được mời đi dự, hoặc được trả tiền chiếu phim, được tiếp xúc với các nhà phát hành “du kích” ở các chợ phim…
Nói chung, nên nghĩ đến phim trong một quan hệ rộng lớn với môi trường phim ảnh, chứ không chỉ là một vài suất chiếu cụ thể, ngay cả đó là phim tốt nghiệp.
* Cảm ơn về cuộc trò chuyện này. Chúc Lê Bình Giang sẽ thành công nhiều hơn với các phim tiếp theo của mình.
Lê Bình Giang sinh năm 1990 tại Nha Trang, hiện sống tại TP.HCM. Trước khi làm phim Kfc, Giang đã làm vài phim ngắn như Những vết đen trên màu áo trắng (2007), Lỗ thủng (2011), Nhật ký trong chuồng (2015)… Phim Kfc từng tham dự các liên hoan phim quốc tế tại Hà Lan, Ba Lan, Đan Mạch, Đức, Pháp, Mỹ, Argentina, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia… |
Như Hà (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất