18/07/2014 07:31 GMT+7 | Văn hoá
Hội Mỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức lễ kỉ niệm 90 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên (1924 - 1988). Sinh thời ông được xếp vào nhóm "tứ trụ" của hội họa Việt Nam: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái. Trong số 4 danh họa, Dương Bích Liên sáng tác không nhiều, cả đời ông chỉ vẽ khoảng 79 bức tranh. Và hiện nay người giữ được nhiều tranh của ông nhất là người bạn thân của ông, ông Nguyễn Hào Hải.
Trao đổi với TT&VH, họa sĩ Lê Trí Dũng, người đã từng có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với họa sĩ Dương Bích Liên, cho biết: "Ông ấy không còn bất cứ một người thân thích nào đến nhận giải, không vợ con, cha mẹ, anh chị em, và lớp con cháu dưới đều qua đời cả rồi".
Tất cả những nhà phê bình, nhà nghiên cứu, những người quen biết Dương Bích Liên đều đánh giá ông là một người khép kín. Ông sống một mình trong căn nhà nhỏ sơ sài tại phố Bà Triệu. Ông ít khi tiếp ai, với những người ông không muốn gặp, ông thò đầu ra khỏi cửa nói "tôi đi vắng rồi".
Tuy nhiên ẩn sau vẻ ngoài đơn độc đó là một nội tâm mãnh liệt, luôn khao khát đi tìm vẻ đẹp của hội họa. Dương Bích Liên đặc biệt khắc nghiệt trong sáng tác. Có những bức vẽ ông nghiền ngẫm ý tưởng rất lâu. Ông được gặp và sống cạnh Bác Hồ từ năm 1954, nhưng phải đến năm 1980 ông mới vẽ bức Bác hồ đi công tác ở Việt Bắc. Bức này đoạt Huy chương vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980. Có một câu chuyện mà sau này giới họa sĩ vẫn nhớ, là vào năm 1980 khi Hội Mỹ thuật Việt Nam có lời mời tứ trụ Sáng, Nghiêm, Liên, Phái tổ chức triển lãm cá nhân, chỉ có Dương Bích Liên không tham gia với lý do "chưa hài lòng với những tác phẩm mình có".
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông Trần Khánh Chương tôn vinh Dương Bích Liên: "Là một nhân cách sống chân thành, tự kỷ, kiên định, thân phận nghệ sĩ cô đơn khao khát đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật tạo hình".
Những tác phẩm nổi tiếng của Dương Bích Liên thời kì chiến tranh: Bác hồ đi công tác ở Việt Bắc, Chiều vàng, Hành quân đêm, Hào... Sau giải phóng, ông sáng tác nhiều tranh chân dung: Chân dung cô Xuân, Chân dung cô Tuyết... và tập trung vào các tác phẩm sơn dầu và sơn mài có kích thước lớn như: Mùa xuân và thiếu nữ, Chiều quê, Cô gái bên hồ. Tác phẩm cuối cùng ông vẽ năm 1987 là bức sơn dầu Ngõ cụt. |
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất