Đại hội Thể thao bãi biển châu Á ABG5: Như mang SEA Games ra biển

09/10/2016 05:59 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Với tư cách chủ nhà ở Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5) vừa kết thúc, Việt Nam đã thống trị trên bảng xếp hạng khi bỏ xa đoàn xếp thứ 2 là Thái Lan tới 16 HCV. Một thành tích cho thấy sân chơi châu lục này mang tính thể thao giải trí hơn là thành tích cao.

ABG5 gợi “ký ức” SEA Games 22

Ngoại trừ Olympic hay Asian Games, các nước chủ nhà bị hạn chế chuyện đưa ồ ạt các môn có thế mạnh vào để tạo lợi thế thì ở các đại hội mang tầm châu lục và khu vực khác như Indoor Games, Asia Beach Games hay SEA Games, tận dụng là đơn vị chủ nhà, nhiều nước đưa các môn mình có thế mạnh để tăng thêm khả năng cạnh tranh.

Đại hội thể thao bãi biển lần này có hai môn thể thao thế mạnh của Việt Nam là đá cầu và cầu mây

Đó cũng là điều hiển nhiên và đã được minh chứng cụ thể tại ABG 4 kỳ trước. 3/4 kỳ đã được tổ chức thì ngôi vị số 1 thuộc về các nước chủ nhà. Ở kỳ thứ 4 tổ chức tại Phuket, Thái Lan đã vượt trội đứng đầu với 56 HCV, bỏ xa đoàn thứ 2 là Trung Quốc tới 40 HCV.

Tận dụng ưu thế đó, Việt Nam cũng đã đưa vào ABG5 này rất nhiều môn có thế mạnh như đá cầu, võ cổ truyền, vovinam, muay, kurash… Bên cạnh đó, những môn thể thao dưới nước không phải thế mạnh của Việt Nam như mô tô nước, thể thao mạo hiểm, thuyền buồm, lướt ván, dù lượn, 3 môn phối hợp không có trong “menu” các môn thi đấu càng giúp cho chủ nhà chiếm nhiều ưu thế.

Và với những ưu thế ngay từ đầu đó, một kỳ ABG5 đã có kết thúc chẳng khác nào SEA Games 22 tổ chức năm 2003: Ở những kỳ đại hội trước đó, Việt Nam chỉ kha khá song đã có sự đột phá nhất định để vươn lên vị trí đầu tiên nhờ ưu thế chủ nhàMột kỳ đại hội thành công về mặt thành tích là điều được dự báo trước song trước ngưỡng vượt xa chỉ tiêu tới hơn 2,5 lần, chính Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia, Hoàng Vĩnh Giang cũng phải ngạc nhiên. “52 HCV thì nhiều quá. Đây là điều mà chúng ta không hề nghĩ trước đó”, ông Giang chia sẻ.

Thế nhưng, dù bất ngờ với thành tích vượt xa mong đợi của đoàn chủ nhà song ông Giang có những phân tích để nêu bật thành quả đó. “Bất kể một nước chủ nhà nào, khi tổ chức một kỳ đại hội, điều đầu tiên họ nhắm tới là phải có sự chuẩn bị đầu tư chu đáo về mặt chuyên môn để thể hiện hình ảnh của một đất nước. Các trưởng bộ môn cũng đã làm việc cật lực và cân đong đo đếm kĩ càng để làm sao có thành tích tốt khi thi đấu trên sân nhà. Hơn thế, các đoàn thể thao mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc thì họ chú trọng nhiều hơn đến đấu trường Olympic hay Asian Games. Đối với thể thao bãi biển, họ chỉ đầu tư vào những môn có thế mạnh, năng lực còn những môn còn lại chủ yếu học hỏi. Trong khi các nước Tây Á và Nam Á lại lệch múi giờ khiến họ không thể thích nghi với điều kiện ở mình, nhất là khi họ chỉ đến trước Đại hội 2 hay 3 ngày. Hơn thế, thể thao Việt Nam đang theo đồ thị đi lên khi những thành công ở Olympic gần đây đã tạo động lực cho ngành thể thao”, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia cho hay.

Dẫu vậy, với một kỳ ABG được tổ chức trên sân nhà vượt xa ngưỡng mong đợi, vẫn chưa thể khẳng định thể thao Việt Nam đã được nâng tầm, nhất là ở đại hội thể thao bãi biển, nơi mà sân chơi chưa được thừa nhận là mang tầm thể thao thành tích cao.

Tiếng nói từ CĐV

Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, công tác tổ chức ở ABG5 lần này rất được các đoàn quốc tế đánh giá cao bất chấp Việt Nam đã phải trải qua những khó khăn nhất định. Trong khi đó, với việc tổ chức thêm các hoạt động phụ trợ như ngày hội miền biển, không gian văn hóa cộng đồng, giao lưu giữa thanh niên Đà Nẵng với các vận động viên ABG5, biểu diễn bài chòi, vũ hội đường phố,… hình ảnh của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung gần hơn với bạn bè quốc tế. “Thông qua các hoạt động phụ trợ, chúng ta đã để lại ấn tượng sâu sắc và giới thiệu một Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn cho bạn bè quốc tế”, Phó chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng khẳng định.

Quả thật, trong khoảng thời gian diễn ra ABG5, Đà Nẵng đã thu hút đáng kể lượng người xem. Đó là thước đo chính xác nhất cho sự thành công một phần nào đó về mặt tổ chức.

Qua các địa điểm thi đấu, duy nhất chỉ có Bãi tắm Sơn Thủy, nơi cách xa trung tâm thành phố cũng như chỉ tổ chức hai môn điền kinh và bóng gỗ ít người thì ở 3 địa điểm Công viên Biển Đông, Khu Phương Trang và Bãi biển Mỹ Khê đón một lượng lớn khán giả đến xem. Thậm chí, ở các môn võ mang tính đối kháng như muay, vovinam, võ cổ truyền, ju-jitsu,… 4 khán đài luôn chật kín, rất nhiều cổ động viên không có chỗ đứng phải leo lên lan can các sân đấu. Cũng chính vì không khí quá cuồng nhiệt mà bóng đá nam đã bị tâm lý và thất bại trước Li băng ở loạt penalty tại vòng tứ kết.

ABG 5: Việt Nam nhất nhờ quyết tâm và tận dụng tốt lợi thế

ABG 5: Việt Nam nhất nhờ quyết tâm và tận dụng tốt lợi thế

Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự các Đại hội thể thao cấp châu lục, đoàn Việt Nam giành ngôi vị số 1, thậm chí còn tạo nên một khoảng cách “vời vợi” so với các đoàn còn lại...

Ấn tượng nhất là hình ảnh các CĐV leo dàn đèn để chứng kiến trận chung kết bóng ném nữ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Một hình ảnh xúc cảm và biết nói. Nó có thể giúp chúng ta quên đi một kỳ đại hội thể thao bãi biển mà nếu hệ thống lại thì khán giả truyền hình có thể ít nhìn thấy biển, thấy nước hay những bãi biển cát trắng trải dài, hay nói khác đi là một SEA Games tầm cỡ châu lục, mà nhận ra rằng Đà Nẵng có tiềm năng để biến các sự kiện thể thao thành lễ hội.

Đoàn Việt Nam đã giành được 52 HCV, hơn 5.2 lần tổng số HCV ở 4 kỳ đại hội trước đó.

Trong 52 HCV, pencak silat là môn đóng góp nhiều nhất với 9HCV. Tiếp đó là đá cầu (7), điền kinh (6), võ cổ truyền (5), thể hình (4), Kurash (4), Muay (4), Vovinam (3), bóng gỗ (3), vật (2), bóng ném (1), Ju-Jitsu (1), Bi sắt (1), Sambo (1), cầu mây (1).


Nam Giao
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm