04/02/2015 13:55 GMT+7 | Trong nước
Chuyện không tin nổi
... đã thực sự xảy ra vào rạng sáng 20/12/1983 tại Rio De Janeiro: kẻ trộm mò lên tầng 9 trong ngôi nhà mang tên João Havelange ở số 70 phố Rua da Alfandega, trụ sở Liên đoàn Bóng đá Brazil (CBF), và nẫng khỏi phòng truyền thống niềm tự hào của dân tộc đam mê bóng đá nhất hành tinh. Cả Brazil lên cơn sốt. Ai cũng bàng hoàng ngơ ngác. Báo viết bình luận và phỏng đoán dài cả trang, radio và ti-vi ngừng chương trình để mỗi giờ một lần đưa tin nóng trong diễn biến của “vụ trộm thế kỷ“.
Hãng bảo hiểm xuất ngay số tiền hứa thưởng cho ai cung cấp thông tin về thủ phạm, Chủ tịch CBF Giulite Couthinho cùng Roberto Rivellino, cầu thủ trong đội quán quân thế giới 1970, nghẹn ngào lên sóng kêu gọi lũ đạo chích trả lại cho đất nước Brazil niềm tự hào vô hạn đó. Cựu đội trưởng Hideraldo Bellini của quán quân 1958 nói như trầm uất: “Chúng ta đã chiến đấu 28 năm để giành chiếc cúp vàng đó, chẳng lẽ tất cả vô ích?”.
Ít nhất thì mọi lời cầu khẩn hay kêu gọi tinh thần yêu nước đều vô nghĩa. Dù bọn trộm sa lưới không lâu sau đó, chiếc cúp vàng mang tên Coupe Jules Rimet không bao giờ trở lại. 5 tên cướp khai với cảnh sát là ngay hôm sau đã nung chảy nó cùng một số đồ trang sức khác - một kỷ vật thiêng liêng của quốc gia đã vĩnh viễn ra đi. Dấu kết thảm hại cho một chiến lợi phẩm từng hơn nửa thế kỷ được người hâm mộ túc cầu cả thế giới coi là tác phẩm nghệ thuật danh giá nhất và duy nhất.
Vụ trộm táo tợn ấy
... là phút hạ màn của một tấn kịch nhiều hồi lắm cảnh đi liền với chiếc cúp, với khởi đầu ở Paris hồi thập niên 1920. Nhà tạc tượng Abel Lafleur được Chủ tịch FIFA Jules Rimet trao nhiệm vụ sáng tác phần thưởng vô giá cho các nghệ sĩ bóng tròn. Cao 35 cm, nặng gần 4 cân, mang hình Nữ thần chiến thắng Nike của thần thoại Hy Lạp trên đế lam ngọc hình vuông lấp lánh - chiếc Cúp Thế giới (Coupe Du Monde) sau Thế chiến II được đổi tên thành Coupe Jules Rimet để tưởng nhớ người lập ra giải bóng đá thế giới. Ở giải World Cup đầu tiên (1930) nó được Jules Rimet cho vào va-li, đem lên tàu hơi nước từ châu Âu qua Uruguay. Chiếc tàu Italy mang tên Conte Verde cưỡi sóng gần hai tuần mới cập bến Montevideo ở Rio De La Plata, vào sân cỏ Centenario lẫy lừng để chứng kiến trận chung kết bão táp giữa nước chủ nhà và Argentina (tỷ số 4-2). Đội trưởng Jose Nasazzi không nhận cúp, rốt cuộc Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Uruguay Raúl Jude phải thế chân để đón Coupe Jules Rimet từ tay ông sếp cùng tên.
4 năm sau, chiếc cúp lại về châu Âu. Đội Italy giật được nó tại sân nhà, và sau đó 4 năm Squadra Azzurra lại bảo vệ danh hiệu để được giữ Coupe Jules Rimet. Khi Thế chiến II bùng nổ, Phó chủ tịch FIFA Ottorino Barassi, người Italy, đã bí mật lôi chiếc cúp khỏi két sắt ngân hàng để cất giấu trước bàn tay phát xít của Mussolini và Hitler. Nữ thần chiến thắng bằng vàng ròng ngủ kỹ nhiều năm trong một hộp bìa đựng giày dưới gầm giường bụi bặm của ông Barassi.
... sau 12 năm tạm nghỉ vì bom đạn, để được quyền tổ chức World Cup 1950. Chủ nhà bị Uruguay hạ gục trong trận chung kết 2-1. Thế là Coupe Jules Rimet bắt đầu “đánh võng“ giữa Nam Mỹ và châu Âu. Ở Thụy Sĩ 1954, Uruguay phải trao lại cúp cho “xe tăng“ Đức. 4 năm sau, tại Thụy Điển, cúp rơi vào tay một cầu thủ trẻ măng mới nổi, tên Pele. Để rồi cầu thủ thiên tài này tái lập kỳ tích ấy vào 1962 ở Chile.
Trước thềm World Cup 1966, Brazil cho Liên đoàn Bóng đá Anh mượn Coupe Jules Rimet để phát động chiến dịch quảng cáo. Một sáng kiến rất tối: Công ty Stanley Gibbons trưng bày nó ở Westminster Central Hall (London) để nâng giá trị triển lãm “Thể thao và tem thư“. Hôm bế mạc vào Chủ nhật 20/3, nhóm nhân viên bảo vệ cùng nhau đi ăn trưa và khi quay về thì báu vật đã mất tăm. Tính riêng giá vật liệu thì chiếc cúp có giá trị chừng 3.000 bảng, trong khi những bộ tem ở triển lãm ước chừng 3 triệu thì vẫn không suy suyển, đủ thấy tinh thần thể thao trong thế giới ngầm cũng cao vời vợi!
Vụ trộm ngay gần tổng hành dinh của Scotland Yard khiến nước Anh bẽ mặt. Sẽ có giải Cúp thế giới đầu tiên không cúp, chính giữa đất mẹ của môn túc cầu? Abrain Tebel từ CBF bĩu môi trên tờ Times: “Chuyện này ở Brazil thì không thể. Không kẻ trộm nào dám chạm vào một kỷ vật thiêng liêng nhường ấy của dân tộc”. Và như ta đã biết, 17 năm sau ông Tebel chỉ còn nước độn thổ.
Scotland Yard vào cuộc
… và chẳng bao lâu đã tóm được Edward Betchley, một gã 47 tuổi, dân bốc xếp ở cảng. Gã đòi 15.000 bảng tiền chuộc và bị tóm khi nhận tiền, nhưng kiên quyết không khai nơi giấu. Một tuần sau, một người ở quận Upper Norwood (London) hay đúng hơn là chú chó Pickles trở thành anh hùng dân tộc: Pickles đang được dắt đi dạo, đột nhiên giật xích, lao vào bới tung một góc vườn cạnh đường, để lộ một vật gói giấy báo khắc hàng chữ “Đức, Uruguay, Brazil”…
Pickles đã cứu World Cup 1966 và thanh danh Anh quốc. Chủ của nó nhận được hàng tấn đồ ăn cho chó và quà tặng từ bưu điện, chưa kể 3.000 bảng tiền thưởng (khoảng 4 năm lương, hay gấp 3 số tiền thưởng cho mỗi cầu thủ của đội thắng trận sau đó - đội Anh!) Pickles được mời dự trận khai mạc ở phòng VIP trong sân Wembley, ngồi cạnh thành viên Hoàng gia và Chính phủ, dĩ nhiên được dự cả liên hoan khai mạc.
FIFA rút kinh nghiệm: Tại World Cup 1970 ở Mexico, chiếc cúp vàng được cất ở Ngân hàng Banco Commercio, dưới hầm sâu 17 mét, trong một phòng kim loại và sau cánh cửa thép dày 40 cm, nặng 12,5 tấn!
Pele hạ gục Italy 4-1, và sau 3 lần vô địch, theo lệ cũ của FIFA, đội Brazil được giữ cúp vĩnh viễn (dù là “vĩnh viễn” ở đây chỉ dài 13 năm).
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất