Bi kịch trên truyền hình thực tế đã bão hòa

28/07/2011 08:05 GMT+7 | Truyền hình thực tế

Một đài truyền hình Hàn bị phạt khi giấu việc thí sinh Choi Sung Bong của Korea’s Got Talent từng học thanh nhạc và tăng mức độ bi kịch về quá khứ của anh. Thực tế, công chúng đã bắt đầu chán những câu chuyện lấy nước mắt.

“Trong thế giới vô cảm và khắc nghiệt này, những câu chuyện xúc động giúp chúng ta có thêm ước mơ và cảm hứng sống. Tuy nhiên, những hành động bóp méo sự thật không thể được cho phép”, cây bút bình xã luận Kim Jin của tờ JoongAng nói về trường hợp của Choi Sung Bong - chàng trai mồ côi hát hay của Hàn Quốc vừa trở nên nổi tiếng khắp thế giới - trong bài báo “Sức hấp dẫn của sự bóp méo và bỏ sót” hôm 26/7.

Choi Sung Bong, 22 tuổi, là thí sinh Korea’s Got Talent, một chương trình truyền hình thực tế ở Hàn Quốc. Trong buổi thi đầu tiên vào ngày 4/6, anh đã khoe giọng ca điêu luyện với ca khúc Nella Fantasia và kể câu chuyện cảm động về tuổi thơ vô gia cư của mình. Choi Sung Bung bị bỏ rơi từ năm 3 tuổi, phải tự kiếm sống bằng cách đi bán kẹo cao su và rất yêu ca hát. Anh được gọi là Susan Boyle của Hàn Quốc. Câu chuyện này không chỉ khiến Choi nổi tiếng mà cả chương trình Korea’s Got Talent, dù mới lên sóng tập đầu tiên, đã thu hút được sự chú ý của công chúng.


Choi Sung Bong, thí sinh nổi tiếng nhất của Korea’s Got Talent. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, có một chi tiết mập mờ trong câu chuyện của Choi Sung Bong, đó là việc anh từng tốt nghiệp một trường đào tạo nghệ thuật, điều mà sau này đài truyền hình cho biết Choi đã kể nhưng bị biên tập cắt đi để đảm bảo thời lượng chương trình. Sau đó Choi Sung Bong lên báo thừa nhận anh quả thực đã học thanh nhạc tại trường trung học nghệ thuật Daejeon. Cây bút của tờ JoongAng cho rằng đài truyền hình cắt phần Choi Sung Bong kể về chuyện theo học trường nghệ thuật là để câu chuyện của anh thêm phần bi kịch.

Theo JoongAng, Choi Sung Bong không chịu nhiều thiệt thòi như anh nói hay như phóng sự của cuộc thi phản ánh. Ba năm học tại trường trung học Daejeon cũng không phải là một quãng thời gian khổ ải. Tại ngôi trường này, anh được phát triển tài năng ca hát trong một môi trường nghệ thuật đầy tính khích lệ, dù bản thân vẫn gặp khó khăn về tài chính.

Thời gian được đào tạo ở trường trung học của Choi Sung Bong là một chi tiết quan trọng mà theo tờ báo, đài truyền hình không nên giấu đi. Tất nhiên, nỗ lực đấu tranh với cuộc sống và quá khứ khó khăn của chàng trai vẫn là những điều đáng ghi nhận. Nếu Choi Sung Bong không thể đến trường, anh có thể tự luyện hát bởi như anh nói, ca hát là niềm đam mê, lẽ sống của anh. Nhưng việc che giấu chuyện được học hành bài bản khiến nỗi khổ của Choi được phóng đại. Màn biểu diễn của anh ấn tượng nhưng có thể sẽ không gây tiếng vang đến thế nếu không có câu chuyện cảm động đi kèm.

Thêm vào đó, các thí sinh ở Korea’s Got Talent được xếp hạng dựa trên bình chọn của khán giả qua điện thoại di động, vì thế khán giả có quyền được biết thông tin đầy đủ về thí sinh để có nhận định đúng đắn. Khán giả ở trường quay và giám khảo đều chứng kiến việc đó, nhưng khán giả màn ảnh nhỏ và công chúng toàn thế giới thì không thể biết.

Vì chuyện này, Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc đã buộc đài truyền hình phải xin lỗi và chịu khiển trách.


Paul Potts, một trong những ngôi sao của Britain's Got Talent, cũng từng gặp rắc rối vì che giấu chuyện quá khứ. Ảnh: AP.

Câu chuyện của Choi Sung Bong không phải là một trường hợp hiếm có tại các cuộc thi tài năng. Trước khi trở thành một ca sĩ opera được thế giới công nhận, Paul Potts của Britain's Got Talent đã làm việc cho một cửa hàng điện thoại di động. Còn Susan Boyle là một phụ nữ trung niên đến từ một thị trấn nhỏ của Scotland, người “chưa từng lấy chồng và chưa từng được hôn”. Bên cạnh đó, còn có Lưu Vĩ, chàng trai Trung Quốc chơi piano bằng chân vì mất tay sau một tai nạn hồi bé. Nếu Choi Sung Bong chiến thắng Korea’s Got Talent, anh sẽ tạo nên một “câu chuyện Lọ Lem” khác.

Một sự trùng hợp là chính Paul Potts cũng từng gặp rắc rối vì bị phát hiện đã tham gia một buổi hòa nhạc opera và hợp tác với một số hãng sản xuất opera nghiệp dư trước khi dự thi Britain's Got Talent, chứ không phải chưa từng làm gì liên quan đến âm nhạc như người ta nghĩ. Nam ca sĩ này sau đó giải thích anh không hề nói mình là người hoàn toàn ngoại đạo với opera.

Câu chuyện của Choi Sung Bong đã được truyền tải rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin quốc tế. Hôm 20/7, sự việc còn lên cả kênh truyền hình và báo điện tử CNN của Mỹ. Bài báo của CNN không nói rõ về quá trình đào tạo của Choi, nhiều độc giả của trang này vẫn nhầm lẫn và ca ngợi anh vì không qua trường lớp mà vẫn sở hữu giọng hát như một “Pavarotti mới”. Cũng trong tuần qua, clip phóng sự và biểu diễn của anh trong Korea’s Got Talent cũng vượt mức 10 triệu lượt xem.


Đến nay, Susan Boyle vẫn là người nổi tiếng và thành công nhất xuất thân từ bệ phóng là một cuộc thi "Got Talent". Ảnh: AFP.

Choi Sung Bong vẫn là một con người đáng ca ngợi bởi anh có tài và có ước mơ, tương tự Paul Potts hay Susan Boyle. Tuy nhiên, bất cứ sự bóp méo hay bỏ sót nào cũng có thể khiến niềm tin của công chúng bị dao động, bởi nhiều người vốn đã mất niềm tin vào các chương trình thực tế. Họ muốn biết đến những tấm gương sáng và có tính nhân văn nhưng cũng không muốn bị lừa.

Bên cạnh đó, nhà bình luận văn hóa Ha Jae Keun của Hàn Quốc cho rằng công chúng phần nào có tâm lý chán chường khi các chương trình truyền hình thực tế không ngừng nỗ lực lấy nước mắt của họ. “Khán giả như đã miễn dịch với những câu chuyện buồn và cảm động trên truyền hình”, ông nói.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm