30/04/2011 16:23 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến
(TT&VH Cuối tuần) - Giá vé từ 1 triệu tới 1,5 triệu đồng, hạng VIP tới 3 triệu đồng/vé nhưng toàn bộ đã bán hết từ lâu trước giờ mở màn. Một chương trình “hoàn hảo” từ sân khấu, nghệ sĩ đến khán giả. Hiếm khi Hà Nội có một chương trình biểu diễn ca nhạc lý tưởng như thế cho cả nghệ thuật và kinh doanh nghệ thuật. Liệu Dương & Lý - chương trình số 1 mở màn cho series Không gian âm nhạc diễn ra hàng tháng tại khán phòng Ngụy Như Kon Tum (Hà Nội) hôm 23, 24/4 vừa rồi có thực sự tìm được lời giải đúng cho bài toán khó của showbiz Việt lâu nay?
5 đúng?
Có thể thấy Không gian âm nhạc - chương trình số 1 thành công bởi “5 đúng”.
Cái đúng thứ nhất của chương trình này là Đúng thời điểm. Không sớm, không muộn khi Hà Nội sau những show diễn thập cẩm đủ loại mang nặng tính tạp kỹ và cả cũ kỹ, Không gian âm nhạc ra mắt như một luồng gió mát làm đã cơn nóng đang âm ỉ sâu xa bấy lâu nay: muốn kiếm một không gian để thưởng thức âm nhạc đích thực tại Hà Nội, nơi được tiếng là có lớp khán giả kén chọn với gu thưởng thức cao gần như là không thể. Và chuyện người ta tán thưởng Dương & Lý, chương trình mở màn cho Không gian âm nhạc một cách nồng nhiệt trước tiên xuất phát từ chính nhu cầu đã được thỏa mãn đó.
Cái đúng thứ hai là Đúng không gian. Âm nhạc phải đưa vào đúng không gian của nó. Chọn khán phòng Ngụy Như Kon Tum (19 Lê Thánh Tông) làm sân khấu là cả một bài toán đặt ra cho ê-kíp. Bởi hiện tại ở Hà Nội chỉ có duy nhất Nhà hát Lớn là đủ sang trọng để làm sân khấu cho một không gian âm nhạc mang tính sang trọng. Nhưng, vị trí đắc địa này thì không phải là dễ thuê và cũng chẳng phải ai cũng đủ tiền thuê, đây là thừa nhận của nhà sản xuất chương trình này. Hơn nữa, một không gian vừa nhỏ với 274 chỗ ngồi như khán phòng Ngụy Như Kon Tum được xem là lý tưởng cho những show diễn của Không gian âm nhạc theo phong cách unplugged - không sử dụng các thiết bị tăng âm của nhạc cụ điện tử, cũng như vừa đủ “gần” giữa khán giả và nghệ sĩ - điều mà các show diễn lớn trong nhà hát không thể thực hiện được.
Giá vé từ 1 triệu đến 3 triệu đồng nhưng bộ đôi nghệ sĩ Tùng Dương và Lê Cát Trọng Lý vẫn kéo được khán giả đến ngồi kín khán phòng. Ảnh: Lương Trần |
Đúng phong cách là điểm cộng thứ tư của chương trình. Khi showbiz đầy rẫy nhưng màn múa may quay cuồng phụ trợ còn cuồng nhiệt hơn cả những màn hát hò chính trên sân khấu thì việc Không gian âm nhạc chọn lựa một hình thức mộc nhất để giới thiệu tới công chúng các nghệ sĩ và âm nhạc của họ. Unplugged được lựa chọn là phong cách xuyên suốt các chương trình của series Không gian âm nhạc. Phong cách này, như mong ước của những người làm chương trình, để tạo không gian cho các nhạc công thể hiện tài năng và tạo cơ hội để khán giả thưởng thức âm nhạc trình diễn đích thực. Không chỉ âm nhạc mà phong cách unplugged còn được thống nhất trong thiết kế sân khấu, với sự tiết chế tối đa các kỹ xảo sân khấu, để tập trung cho nghệ sĩ và âm nhạc.
Và điểm đúng sau cùng, nhưng cũng là đầu tiên của một show diễn, Dương & Lý đã đúng, là Đúng giá trị. Hai đêm diễn bán hết sạch vé từ trước khi mở màn cho thấy mức giá mà những người làm chương trình đưa ra không phải “trời ơi” như một số lo lắng trước đó. Quan trọng hơn, khi ra về, khán giả không cảm thấy tiếc món tiền họ đã bỏ ra…
Nhưng đó chỉ mới là hai đêm diễn đầu tiên. Đi đường dài lại là một câu chuyện khác. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, hầu hết các chương trình khởi đầu rất tốt nhưng đã không thể sống lâu với một thị trường luôn… bất ổn.
Miễn phí sẽ không bền vững!
Đạo diễn Việt Tú, một nhân vật trụ cột của series Không gian âm nhạc, từng là người khởi xướng và thực hiện những show thành công nhất của chương trình Con đường âm nhạc và rồi cũng là người chia tay Con đường âm nhạc sớm nhất. Một trong những điểm khác biệt lớn giữa Con đường âm nhạc và Không gian âm nhạc là một hoàn toàn miễn phí còn một thì ngược lại, vé bán giá cao. Ngay sau hai đêm diễn đầu tiên thành công vang dội, TT&VH đã gặp lại đạo diễn Việt Tú, hiện nay trong vai trò Giám đốc sản xuất của series Không gian âm nhạc.
* Chia tay sân khấu ca nhạc đã 5, 6 năm, điều gì khiến anh quyết định trở lại với Không gian âm nhạc?
- Tôi nghĩ chẳng có lý do cụ thể nào cả, mọi việc đến một cách tự nhiên. Thời điểm đến thì mình tự nhiên nghĩ cần phải làm một chương trình như thế và nó thành. Giống như ca sĩ, 4-5 năm mới ra được một album thì đạo diễn cũng phải lâu lâu mới cho ra một show tử tế.
* Làm show tử tế bao giờ cũng khó, nhất là thời điểm kinh tế khó khăn này…
- Thực ra cái khó không đến từ khán giả mà đến từ chính chúng tôi, những nhà tổ chức. Liệu nhà tổ chức có làm được một thứ đàng hoàng đủ sức thuyết phục mọi người đến xem hay không. Đây cũng là một thách thức cho chúng tôi. Nhưng không thử thì không biết được. Việc làm một chương trình mang tính dài hơi là kết quả của cả một quá trình điều chỉnh. Ngay cả chuyện người ta thắc mắc giá vé của chương trình cao quá, sau chương trình số 1 này nếu thấy cao thật thì chúng tôi sẽ điều chính cho phù hợp. Miễn sao mình làm một việc đúng và trong khả năng cho phép của mình. Tôi nghĩ mình cứ làm đi. Mang đến cho khán giả một không gian âm nhạc đích thực thì rồi mọi người cũng sẽ ủng hộ.
* Với anh, một không gian âm nhạc đích thực là một không gian âm nhạc như thế nào?
- Đó phải là không gian thực sự dành cho nghệ sĩ. Không gian ấy phải nhỏ để đảm bảo nó gần với khán giả và đảm bảo thứ âm nhạc ở đây sẽ được tập tành tử tế, có ban nhạc đánh kèm, không phải bật đĩa lên. Và đối tượng khán giả đến xem phải là đối tượng thực sự thích nghệ sĩ ấy. Đó là lý do tại sao chúng tôi làm cả một trang web riêng (khonggianamnhac.com) để hỗ trợ cho chương trình, qua đây khán giả có thể biết nội dung từng tháng của chương trình, chủ động lựa chọn, đặt vé xem chương trình họ thích. Quan điểm của tôi là làm gì cũng phải có hệ thống. Chương trình hay, ý tưởng độc đáo, nhưng nếu ít người biết thì chẳng ai đến xem và như thế là phí phạm. Cần phải có truyền thông, có hệ thống bán vé và mạng lưới phân phối…, cần rất nhiều thứ để tạo nên một chương trình hay.
* Khán giả hiện đã quên mất thói quen bỏ tiền ra mua vé, chứ chưa nói đến việc phải bỏ rất nhiều tiền ra mua vé xem Không gian âm nhạc...
- Khi bắt tay vào dự án này, chúng tôi mong muốn tạo ra một không gian âm nhạc, tất nhiên là không phải làm miễn phí rồi vì tất cả các thứ miễn phí đều không mang tính bền vững. Tạo ra một thị trường âm nhạc đích thực mà ở đó mọi người bỏ tiền ra mua vé để ủng hộ nhà tổ chức, ủng hộ nghệ sĩ để khi người ta có lãi thì lần sau người ta có niềm tin làm một chương trình hoành tráng hơn. Cũng giống như người ta làm một cái đĩa hay sản xuất một bộ phim Hollywood. Tại sao lại có nền công nghiệp âm nhạc và điện ảnh của thế giới như ngày hôm nay, tại sao lại có giải thưởng Grammy, Oscar,... bởi đấy là một thế giới văn minh nơi mà người ta bỏ tiền ra trả cho các chương trình nghệ thuật. Và nghệ sĩ khi làm nghệ thuật sẽ được hưởng lợi từ món tiền ấy để làm cho cuộc sống tốt lên. Người nghệ sĩ có lòng tin rằng cái gì làm tử tế thì sẽ được trả công xứng đáng. Khi có lòng tin thì sẽ ít hát phòng trà đi, bớt phải lo cơm áo gạo tiền, mà tập trung cho lao động nghệ thuật, cho giữ gìn danh tiếng... Khi ấy những người làm nghệ thuật sẽ có thời gian để hưởng thụ cuộc sống và dành năng lượng tập trung vào việc nghĩ ra những dự án hay ho hơn cho xã hội. Đó là một thứ vòng tròn rất logic. Và điều tôi mong muốn là tạo ra vòng tròn ấy ở Việt Nam. Tôi chưa biết mình có làm được điều đó hay không, nhưng ít ra, ở chương trình Không gian âm nhạc, đến giờ đã có khán giả quan tâm đặt vé tới số tháng 6, chương trình Quốc Trung - Thanh Lam rồi.
Việt Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất