Đấu giá loạt thư “gạ gẫm” trai trẻ của Oscar Wilde

18/09/2010 14:35 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Oscar Wilde (16/10/1854-30/11/1900) đã để mắt tới một nhà báo trẻ trung nhiều năm trước khi ông có mối quan hệ đầy bất hạnh với Huân tước Alfred Douglas và điều này được chứng thực trong một serie các bức thư viết tay mà nhà soạn kịch viết từ năm 1885 đến năm 1887.


Oscar Wilde (trái) và Huân tước Alfred Douglas - bạn tình đồng giới   
Một bộ sưu tập các bức thư mà Oscar Wilde thất tình đã viết trong thời đỉnh cao danh tiếng và gửi người đàn ông trẻ tên là Alsager Richard Vian lần đầu tiên đã được công bố. Nhiều khả năng bộ sưu tập kích thích sự tò mò này sẽ đạt giá 10.000 bảng khi được đấu giá tại hãng Bamfords vào ngày 24/9 tới.

Những bức thư gạ gẫm “mang danh nghĩa” trao đổi công việc

 Những bức thư mà Oscar Wilde viết bằng tay đó bộc lộ những cảm nghĩ về tình dục đồng giới của nhà thơ, nhà biên kịch Ireland vĩ đại này vào thời điểm mà những ai bị “bắt quả tang” đều phải ngồi tù.

 Có vẻ là những bức thư công việc, khi thời điểm đó Wilde đảm trách việc viết bài cho tờ Court & Society Review, còn Vian là người biên tập. Trong một bức thư, phần đầu là những trao đổi công việc, nhưng đoạn sau lại là một sự “gạ gẫm”. Wilde mời Vian tới ăn tối, uống rượu tại một nhà hàng ở London, gợi ý sau bữa ăn tối hai người về ngủ tại nhà của Vian. Hay trong một bức thư, Wilde phàn nàn về việc bị làm việc quá sức trước lời rủ rê: “Sẽ ở nhà vào chiều mai – vì vậy sẽ vô cùng vui khi anh tới uống trà”. Những lá thư khác cũng vậy và thường kết thúc với những lời mời gặp gỡ.

Không có tư liệu nào cho hay Vian đã phản ứng thế nào trước lời mời cùng ăn tối, uống rượu và hút thuốc của Wilde trong bức thư viết năm 1887 – bức thư cuối cùng của nhà soạn kịch gửi cho người đàn ông này. Năm 1885, vào thời điểm khi Wilde viết bức thư đầu tiên trong bộ sưu tập thư nói trên thì Vian là một chàng trai 22 tuổi đã tốt nghiệp trường đại học Balliol, Oxford, còn Wilde đã ngoài 30 tuổi.

Trắng tay vì kiện cáo

 Nhưng khi cuộc sống của Wilde trở nên chìm ngập trong scandal vào năm 1895, thì Vian đã là một người đàn ông có gia đình và là cha của một cậu bé tên là Phillip. Là nhà soạn kịch nổi tiếng nhất trong thế hệ của mình, sự nghiệp của Wilde bắt đầu xuống dốc sau khi Hầu tước Queensbury - cha của Huân tước Alfred Douglas, người tình của Wilde đã buộc tội nhà văn làm hư hỏng con trai ông.


Một bức thư mà Oscar Wilde gửi cho chàng trai trẻ Alsager Richard Vian
Thời điểm đó, bị buộc tội là một trọng tội, Wilde đã kiện nhưng thua khi tòa án tuyên bố rằng lời buộc tội của Hầu tước Queensbury là đúng. Liền sau đó, Wilde đã phải trở lại tòa án vì tội quan hệ tình dục đồng giới.

Tù tội và qua đời trong nghèo túng

Oscar Fingal O'Flahertie Wills Wilde sinh năm 1854 và sau khi rời khỏi trường đại học Oxford Magdalene dường như ông thiếu phương hướng trong sự nghiệp của mình. Từ năm 1886-89, Wilde viết và biên tập cho các tạp chí. Nhưng đầu những năm 1890, Wilde đã cho ra đời 4 hài kịch mang tính xã hội và nhờ đó ông đã trở thành một trong những nhà soạn kịch thành công nhất ở London thời cuối triều đại Nữ hoàng Victoria. Năm 1895, ông còn tung ra kiệt tác The Importance of Being Earnest.

Trong triều đại Nữ hoàng Victoria (1837-1901), quan hệ đồng giới bị coi là phạm pháp. 8 năm sau khi gạ gẫm Vian bằng thư từ, Wilde đã bị tù giam 2 năm sau khi một thẩm phán phát hiện ra ông có quan hệ tình dục bất chính với một người đàn ông khác - Alfred Taylor, chủ một nhà chứa nam. Tuy nhiên, trong thời gian ngồi tù, Wilde đã viết De Profundis, một bức thư dài đề cập đến hành trình tinh thần qua các vụ xét xử, trái hẳn với với tâm trạng bình thản trước đó của mình.

Sau khi mãn hạn tù, ông lập tức tới Pháp và không hề trở lại Ireland hay Anh. Ở đây, Wilde đã viết tác phẩm cuối cùng - The Ballard of Reading Gaol, một bài thơ dài nhớ đến những năm tháng khắc nghiệt của cuộc sống tù tội. Ông qua đời trong nghèo túng ở Paris ở tuổi 46. Cho đến nay, các vở kịch của ông vẫn được trình diễn, Wilde vẫn được nhớ đến với nhiều bài thơ trào phúng cùng bi kịch tù tội và cái chết sớm của ông.

                           VIỆT LÂM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm