Giải thưởng Trần Văn Giàu (Bài 2): Vì sao chưa có giải "Lịch sử tư tưởng"?

14/09/2009 10:31 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Xung quanh giải thưởng Trần Văn Giàu - trong 4 lần trao giải không có giải cho lĩnh vực lịch sử tư tưởng cũng như ngày càng ít tác phẩm dự giải - TT&VH đã có cuộc trò chuyện với PGS - TS Nguyễn Văn Lịch, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu.  

“Lịch sử tư tưởng” không chỉ có trong triết học



* Ai cũng thấy nghiên cứu lịch sử tư tưởng rất khó, ông có thể lý giải điều này thông qua 4 kỳ giải thưởng Trần Văn Giàu. Có phải vì trường ĐH đào tạo người nghiên cứu khoa học chưa hiệu quả?


- Lâu nay, nói đến tư tưởng hay lịch sử tư tưởng đều nghĩ rằng đó là triết học Mác - Lênin. Trong nhà trường ĐH cũng giảng dạy triết học Mác - Lênin là chính. Gần đây, đã có môn lịch sử triết học và cũng đã có các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ về những nền tư tưởng khác như tư tưởng triết học phương Đông chẳng hạn. Đó là một vấn đề của lịch sử mà chúng ta đang tháo gỡ. Còn sinh viên các trường ĐH đều học trong tư thế có cái bằng để sau này ra làm chuyên viên hay công chức mà chưa có ý thức nghiên cứu khoa học thật sự. Nói thế để hình dung là người nghiên cứu lĩnh vực lịch sử tư tưởng không nhiều cho giải thưởng. Nhưng hy vọng tương lai sẽ khác.


 PGS - TS Nguyễn Văn Lịch
* Nếu chỉ hy vọng vào tương lai sao không để sau này hãy tính, nghĩa là có thể tạm gác lại giải dành cho lĩnh vực lịch sử tư tưởng?


- Ý cụ Trần Văn Giàu đã quyết thì khó mà thay đổi được. Cụ Trần Văn Giàu có công trình nghiên cứu Lịch sử tư tưởng Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1945. Cụ cho rằng, công trình đó của mình mới chỉ “vỡ ra” chứ chưa khám phá sâu vào nhiều lĩnh vực lịch sử tư tưởng khác đã hình thành ở nước ta nói chung và Nam bộ nói riêng. Quan điểm của giải Trần Văn Giàu về lịch sử tư tưởng rất rộng chứ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực triết học. Các nhà nghiên cứu Tây phương cho rằng Việt Nam không có một nền triết học của riêng mình mà chỉ có những nhà minh triết. Chính vì những nhận định như thế cộng với điều lệ giải chưa được phổ biến rộng rãi nên nhiều người ngại nghiên cứu lịch sử tư tưởng Nam bộ.

* Xin ông nói rõ hơn lịch sử tư tưởng của giải Trần Văn Giàu bao gồm những lĩnh vực nào nữa ngoài triết học?

- Chúng tôi đã có hẳn một “gợi ý” khá cụ thể về những vấn đề tư tưởng cần nghiên cứu. Chẳng hạn như việc Nho giáo vào Nam bộ như thế nào, có biến đổi gì so với tư tưởng Nho giáo “gốc” và có thể so sánh với các vùng miền khác ở nước ta. Hoặc có thể nghiên cứu lịch sử hình thành tư tưởng của một danh nhân Nam bộ... Có nghĩa là lĩnh vực lịch sử tư tưởng không phải là cái gì đó quá trừu tượng, mà nhiều khi nằm trong những sự việc hết sức cụ thể, có thể là việc hình thành một tín ngưỡng dân gian hay một ngày hội cổ truyền của người Nam bộ.

Áy náy vì đã xài tiền nhưng không tìm được giải



* Sau 4 lần trao giải, toàn những “cây đa cây đề” nhận giải, theo ông có phải vì điều này mà những nhà nghiên cứu trẻ thấy “khớp” không dám tham gia?


 - Lần đầu trao cho nhà nghiên cứu Thái Hồng nay đã quá cố, lần hai trao cho cụ Nguyễn Đình Đầu nay cũng đã 90 tuổi, lần ba trao cho một nhóm các nhà cách mạng lão thành, lần thứ tư này anh Phạm Đức Mạnh cũng đã ngoài 50 tuổi. Đúng là nhìn vào tên tuổi các vị đã nhận giải thấy cũng “khớp” thật, vì công trình nhận giải nào hình như cũng là tâm huyết một đời. Nhưng chúng tôi cũng đã bàn với nhau, sẽ hỗ trợ những đề tài hay nếu tác giả khó khăn về kinh tế hoặc tác giả trẻ thiếu kinh nghiệm.

* Vậy sẽ hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

- Về kinh tế, chắc chắn không nhiều vì giải thưởng này không phải tài trợ làm đề tài kiểu như cấp Nhà nước. Còn về chuyên môn, chúng tôi đã gợi ý một số vấn đề để những ai quan tâm có thể tham gia. Khi tham gia, còn vướng điều gì chúng tôi sẽ giải đáp giúp hoặc nhờ những chuyên gia đầu ngành trả lời.


GS Trần Văn Giàu (phải), người lập giải thưởng
rất quan tâm đến giải "Lịch sử tư tưởng"

* Hỗ trợ các tác giả trẻ, người gặp khó khăn nghĩ cũng rất thiết thực, nhưng nếu giải thưởng còn có các giải khác, biết đâu sẽ đông vui hơn?


- Điều này chúng tôi đã bàn với nhau khá nhiều, thậm chí tôi còn nhờ các GS Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm và anh Dương Trung Quốc tác động với cụ Trần Văn Giàu. Nhưng ý cụ kiên trung lắm, cụ nói: Làm vậy thì cũng giống mấy giải thưởng khác thôi, cũng có nhất, nhì, ba... rồi cùng cười à?! Chúng tôi phải theo tâm ý cụ thôi. Nhưng ngẫm kỹ, cụ quyết tâm một giải duy nhất rất có lý, vì rằng đã là công trình khoa học thực sự, tâm huyết đời người sao có thể phân hạng như hàng hóa được.

* Thế còn những tác phẩm nghiên cứu về những vấn đề hay nhân vật lịch sử còn đang gây tranh cãi, giải thưởng có ủng hộ?

- Ủng hộ chứ, miễn là phải khoa học. Nếu có luận cứ thuyết phục, hàm lượng khoa học cao thì giải thưởng vẫn đón nhận.

* Khi không có tác phẩm để trao giải trong năm, tâm trạng của ông như thế nào?

 - Chúng tôi rất ấy náy vì đã xài tiền nhưng không có kết quả. Mỗi tháng ít nhất một lần tôi đều đến nhà thăm cụ Trần Văn Giàu để báo cáo công việc. Cụ có nói: Không có tác phẩm thì trao cho ai, các anh cứ xài tiền đúng điều lệ thì không việc gì phải ngại. Khuyết điểm của chúng tôi hiện nay là tuyên truyền cho giải thưởng chưa được đúng tầm, nên nhiều người còn không hiểu điều lệ giải ra sao.

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Kiều (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm