05/03/2019 06:30 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi nghĩ V-League không thể bán được với giá cao, nếu tình hình không được cải thiện. BTC và các CLB cũng đừng kỳ vọng vào tiền bản quyền truyền hình, bởi đá thế thì ai xem, ai mua thuê bao mà trả tiền? Chất lượng các trận đấu thấp, bị xé lẻ và thời gian bóng trong cuộc cũng không nhiều. Theo tôi được biết, bóng động chỉ chưa đầy 50 phút/trận đấu 90 phút. Người xem đâu trả tiền thuê bao truyền hình để xem cầu thủ ăn vạ, chiêu trò câu giờ và đá láo”, đấy là chia sẻ của một cựu bình luận viên bóng đá trên truyền hình, sau 2 lượt trận đầu tiên Wake-up 247 V-League 2019.
Trong khoảng 6-7 mùa giải gần đây, V-League thiếu hẳn những ngôi sao có thể tạo sức hút lớn với khán giả, hay tốt hơn là các CĐV. Vào thời điểm hiện tại, đáng ra giải đấu số 1 Việt Nam phải được thừa hưởng hiệu ứng tích cực của các đội tuyển quốc gia đã tạo được tiếng vang lớn trong năm 2018, nhưng thực tế không đáng kể. Hầu hết các ngôi sao, những người đương thời, đều đang trong trạng thái quá tải và chưa vào phom, sau thời gian dài thi đấu triền miên ở nhiều cấp độ giải đấu, cũng như cấp độ đội tuyển khác nhau.
VIDEO: Nhận định HAGL vs Sài Gòn (17h, 5/3), vòng 3 V-League 2019. Trực tiếp BĐTV, FPT Play, FPT TH
Các ngôi sao bóng đá luôn tạo được sức hút kỳ diệu. La Liga đã giảm thiểu rất nhiều sự quan tâm, khi Ronaldo đầu quân cho Juventus, để vực dậy sự lôi cuốn của Seria A và trước đó, Neymar cũng gia nhập PSG ở Ligue 1.
Tại Việt Nam, chính sách mua sắm của các CLB lúc này phần lớn không còn những bản hợp đồng bom tấn như trước đây nữa. Và việc phát triển các Hội - nhóm CĐV, giờ gần như chỉ còn CLB Hà Nội, HAGL và tân binh Viettel còn thiết tha, kiểu như của nhà trồng được. Chúng tôi đem vấn đề này hỏi một khán giả, một người yêu bóng đá cuồng nhiệt và không vụ lợi hàng chục năm qua.
“Hội CĐV của CLB mùa này có gì mới không anh?”, người viết hỏi một CĐV có thâm niên của bóng đá Việt Nam và một CLB thuộc TP.HCM.
“Vẫn ổn định về mặt số lượng, đầu mùa 50 Hội viên, cuối mùa còn 48. Thế còn đỡ hơn nhiều đội bóng khai cả chục ngàn, nhưng trên thực tế chỉ có vài trăm chính thức”, CĐV này trả lời.
“Các Hội - nhóm CĐV cũng phức tạp, thuở hàn vi thì chân phương, cổ động hết mình, nhưng một khi có quyền lợi vào là sinh biến ngay. Không bền, bởi chính V-League cũng như tuổi thọ của các CLB, cũng không bền thì khó đòi hỏi được. Một đội bóng lay lắt, liệu có thể thuyết phục được CĐV trung thành với CLB không?”, vị này nói tiếp.
Nếu nhà tổ chức, cũng như các đội bóng không lắng nghe, mà bỏ ngoài tai những “chân thành”, thì V-League sẽ còn tiếp tục trượt giá nữa, giải đấu sẽ còn xa người xem hơn nữa, dù công nghệ truyền hình đã và đang phát triển như vũ bão trong công cuộc đồng hành với bóng đá Việt Nam.
Tập thói quen đến sân hoặc ít nhất theo dõi các trận đấu qua truyền hình cho khán giả, không hề đơn giản, mà nó là công cuộc trường kỳ. Chúng ta đều biết là, bóng đá không có khán giả sẽ chết vì héo mòn. Lúc ấy, trình diễn cho nhau xem?
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất