24/09/2021 17:29 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Hội chứng "COVID kéo dài" (long COVID) đang là vấn đề khiến giới chức y tế các nước đau đầu khi hàng triệu bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn không thể thoát khỏi các triệu chứng suy nhược nhiều tháng sau khi nhiễm bệnh.
Các bác sĩ ở bang California của Mỹ đang sử dụng công nghệ chụp phổi 4 chiều tân tiến nhất để hiểu rõ hơn về hội chứng này.
Trao đổi với báo giới, ông Andreas Fouras, người sáng lập công ty công nghệ y khoa 4DMedical (Australia) cho biết công nghệ tân tiến này cho phép các bác sĩ xác định vị trí bất thường trong lưu thông khí ở phổi kết hợp với sử dụng các thiết bị y tế có sẵn tại bệnh viện. Yếu tố "4D" chỉ khả năng chụp quét để đánh giá nhịp hít thở không khí vào và ra khỏi phổi.
Ông Fouras mô tả phương pháp này là ghi một đoạn video ngắn khoảng 20 giây nhịp hô hấp bình thường của bệnh nhân. Từ đoạn video này có thể tính toán chính xác chuyển động và lưu thông không khí xung quanh phổi.
Bệnh viện St. Joseph ở Orange của bang California là một trong những cơ sở y tế tại Mỹ đang thử nghiệm công nghệ này. Bác sĩ chuyên khoa phổi Ray Casciari của bệnh viện St. Joseph, đồng thời là cố vấn lâm sàng của 4DMedical, cho biết hình ảnh 4 chiều cho phép quan sát được phần phổi bị tổn thương mà qua chụp cắt lớp vi tính (CT) hay chụp X-quang không thể thấy.
Dẫn chứng hình ảnh phổi của một bệnh nhân mắc COVID-19 gặp triệu chứng khó thở, ông Casciari chỉ ra khu vực màu xanh lá cây tương ứng với khu vực không khí lưu thông bình thường, còn màu đỏ biểu hiện lưu thông kém hoặc không có không khí.
Công nghệ này sử dụng thuật toán và mô hình toán học để chuyển đổi ảnh chụp X-quang thành dữ liệu để có thể phân tích và đánh giá. Theo ông Foudras, công nghệ này rất hữu dụng đối với bệnh nhân mắc hội chứng "COVID kéo dài" bị tổn thương phổi.
"COVID kéo dài", còn được gọi là hội chứng sau mắc COVID-19 hoặc di chứng sau giai đoạn mắc COVID-19 cấp tính, chỉ các triệu chứng của bệnh tồn tại hơn 4 tuần kể từ khi phát hiện mắc bệnh. Báo cáo chuyên đề về "COVID kéo dài" được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố trong năm nay cho thấy COVID-19 có thể khiến sức khoẻ con người bị suy giảm kéo dài.
Khoảng 20% số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 1 tháng, 10% trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể rất suy nhược. "COVID kéo dài" có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc COVID-19, họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
WHO kêu gọi các nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ giải quyết vấn đề sức khoẻ do "COVID kéo dài" gây ra như phát triển các quy trình chăm sóc mới và các hướng dẫn cho nhân viên y tế theo các bệnh cảnh lâm sàng; tạo ra các dịch vụ thích hợp, bao gồm cả phục hồi chức năng và các công cụ hỗ trợ người bệnh trực tuyến; có những hành động để giải quyết những hậu quả lớn hơn của "COVID kéo dài" bao gồm quan tâm đến việc làm, chính sách trả lương khi ốm đau, và tiếp cận với các gói phúc lợi dành cho người khuyết tật; quản lý người bệnh bị "COVID kéo dài" và hình thành các hệ thống giám sát khác....
Hoàng Châu/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất