01/07/2022 21:28 GMT+7 | Tin tức 24h
Chiều 1/7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước; báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ”.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung và Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa đồng chủ trì cuộc họp báo.
Giảm 28 cuộc kiểm toán năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, tại cuộc họp báo, Kiểm toán Nhà nước tổ chức công khai kết quả kiểm toán đối với 2 nội dung: Báo cáo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước; Báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID -19 và các chính sách hỗ trợ”.
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức thực hiện kiểm toán với 234 báo cáo kiểm toán, trong đó thực hiện kiểm toán tại 18 Bộ, cơ quan Trung ương; 45 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; 4 chủ đề kiểm toán hoạt động; 21 chuyên đề; 43 dự án đầu tư; Ngân hàng Nhà nước và 22 , tổ chức Tài chính Ngân hàng; 22 đầu mối lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các cơ quan đảng và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Việc thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ, ảnh hưởng nặng nề tới hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Tổng Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành kịp thời để điều chỉnh phương án tổ chức kiểm toán đảm bảo ưu tiên tối đa cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh giảm 28 cuộc kiểm toán tương ứng với 38 Đoàn kiểm toán; giảm thời gian kiểm toán và đầu mối đơn vị được kiểm toán. “Được sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán, với sự cố gắng nỗ lực của toàn Ngành, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành kế hoạch kiểm toán năm 2021” - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, trong kế hoạch kiểm toán 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ”. Đây là cuộc kiểm toán chưa có tiền lệ, được Kiểm toán Nhà nước tập trung nguồn lực để kiểm toán ngay từ đầu năm triển khai trên phạm vi toàn Ngành với quy mô lớn, thực hiện kiểm toán tại 9 Bộ, cơ quan Trung ương và 32 tỉnh, thành.
Qua kết quả kiểm toán cho thấy: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, về cơ bản các Bộ, ngành, địa phương và người dân đã tổ chức triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả, do đó đến nay đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, còn tồn tại, hạn chế trong việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống dịch và các chính sách hỗ trợ, công tác huy động, lập, phân bổ, quản lý, sử dụng vắc xin; quản lý, sử dụng máy móc, trang thiết bị y tế; tiếp nhận và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ và công tác thu dịch vụ xét nghiệm…
Kiến nghị xử lý tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước trên 25.000 tỷ đồng đối với niên độ ngân sách năm 2020
Trình bày tóm tắt báo cáo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết, tổng hợp kết quả kiểm toán từ 234 Báo cáo kiểm toán của 177 cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2021 đối với niên độ ngân sách năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước 25.396,3 tỷ đồng, xử lý khác 41.567,4 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 198 văn bản.
Trình bày tóm tắt Báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID -19 và các chính sách hỗ trợ” (Chuyên đề), Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Chuyên nghành III Lê Tùng Lâm cho biết, thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, Kiểm toán Nhà nước xác định cuộc kiểm toán Chuyên đề là nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện nên đã tập trung nguồn lực để tổ chức kiểm toán ngay từ đầu năm. Cuộc kiểm toán được triển khai trên phạm vi toàn Ngành với quy mô lớn, thực hiện kiểm toán tại 9 Bộ, cơ quan Trung ương và 32 tỉnh, thành. Báo cáo kiểm toán Chuyên đề này đã được gửi kịp thời đến Quốc hội, các Đại biểu quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, tổng nguồn lực đã huy động cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 đến 31/12/2021 là 376.217 tỷ đồng, ngoài ra ngân sách Nhà nước còn hỗ trợ các địa phương 142.017,3 tấn gạo; tổng số phân bổ, sử dụng giai đoạn 2020-2021 là 351.177 tỷ đồng. Cơ bản nguồn lực toàn xã hội (chủ đạo là nguồn lực Nhà nước) đã được phân bổ, các đơn vị quản lý, sử dụng kịp thời, phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch. Các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, cơ bản phù hợp thực tiễn trong từng giai đoạn, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động gây sốc, tiêu cực của đại dịch, đảm bảo an sinh xã hội.
Về chính sách thuế, kiểm toán đã gia hạn, giảm thu từ các gói hỗ trợ chính sách thuế năm 2020 là 111.080 tỷ đồng, năm 2021 là 72.116 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ từ lĩnh vực hải quan không thu là 201 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng 193 tỷ đồng, thuế nhập khẩu 7,9 tỷ đồng); miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng phục vụ phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp 63,3 tỷ đồng.
Về chính sách tín dụng, đến cuối năm 2021, tổng giá trị nợ lũy kế đã miễn, giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ là 91.400 tỷ đồng, trong đó tiền lãi đã miễn, giảm giữ nguyên nhóm nợ là 1.108 tỷ đồng/469.159 khách hàng, tương đương mức miễn giảm lãi bình quân 2.361.673 đồng/khách hàng; giảm lãi suất cho vay 57.724 tỷ đồng, trong đó giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 36.811 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi kinh tế đã giải ngân từ nguồn ngân sách nhà nước: Năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 14.023 tỷ đồng; năm 2021 thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP đã hỗ trợ người dân 13.964,6 tỷ đồng.
Hỗ trợ từ nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP bằng tiền cho 12.868.602 lao động với tổng số 30.834,6 tỷ đồng, thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm xã hội cho 346.664 đơn vị, tương ứng 11.393.272 lao động với số tiền giảm 2.149,9 tỷ đồng.
Về công tác huy động, phân bổ nguồn lực, có cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ quy định trong việc huy động các nguồn kinh phí, việc tổng hợp số liệu huy động chưa đầy đủ, số báo cáo giữa các đơn vị tại một số nơi chưa đồng nhất. Một số đơn vị lập dự toán chưa đầy đủ cơ sở, căn cứ; phân bổ, giao dự toán chưa kịp thời, chưa sát thực tế, chưa đúng nhu cầu hoặc giao kinh phí phòng chống dịch khi chưa sử dụng hết nguồn kinh phí kết dư dự phòng; nguồn lực huy động bằng tiền, bằng hàng hóa được thực hiện trong thời gian ngắn, chưa có hướng dẫn, tiêu thức, phương án phân bổ phù hợp...
Công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch còn một số vấn đề: Việc xây dựng kế hoạch tiêm chủng tại một số địa phương chưa sát thực tế, chưa ưu tiên sử dụng các lô vắc xin cận hạn; chưa bao quát đầy đủ đối tượng được ưu tiên; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo kết quả, số lượng, hồ sơ tiêm chủng định kỳ và cập nhật số mũi tiêm lên hệ thống nền tảng quản lý tiêm chủng.
Việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ bằng tiền chưa đầy đủ, chặt chẽ, sử dụng kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch chưa kịp thời; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp chưa phân phối, sử dụng kịp thời các khoản hỗ trợ dẫn đến tồn quỹ cuối năm lớn; một số nội dung chi chưa có văn bản trao đổi, thống nhất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương; chi chưa đúng nội dung và đối tượng hỗ trợ theo quy định; được phân bổ kinh phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế hoặc hỗ trợ cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch nhưng còn sử dụng sang việc khác; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc một số tỉnh chưa nộp về Trung ương...
Đánh giá về các chính sách hỗ trợ, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống dịch và các chính sách hỗ trợ còn chưa đầy đủ, kịp thời, sát thực tiễn, chưa dự báo hết được diễn biến khó lường, phức tạp của dịch bệnh nên chưa bao quát và theo kịp với diễn biến dịch… gây khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ. Có chính sách sử dụng hết số kinh phí dự kiến, thậm chí có chính sách phải chờ bổ sung nguồn để chi song cũng có những chính sách thực hiện đạt rất thấp so với dự kiến.
Thông qua công tác kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong điều kiện đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật đối với những sai phạm đã được KTNN chỉ ra trong Báo cáo kiểm toán tổng hợp và trong Báo cáo kiểm toán Chuyên đề tại từng Bộ, ngành, địa phương được kiểm toán; đồng thời nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách còn bất cập và rút ra những bài học kinh nghiệm, trong đó: Xử lý tài chính với tổng số tiền trên 3.431 tỷ đồng; Xử lý tài chính khác với tổng số tiền trên 3.358 tỷ đồng; chấn chỉnh công tác huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch; xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngọc Bích/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất