Chuyện những diễn viên không biết nói: Gấu khổng lồ thành "sao"

14/06/2012 14:12 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Đưa thú dữ lên màn ảnh không phải là chuyện hiếm trong điện ảnh, nhưng đó chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Đạo diễn Pháp nổi tiếng Jean-Jacques Annaud (người đã từng tới Việt Nam để thực hiện bộ phim Người tình) đã chọn thử thách khó nhất để làm: Cho một con thú dữ làm ngôi sao chính xuyên suốt trong bộ phim sản xuất năm 1988, The Bear (Con gấu) 


Phát hiện người khá giống…thú

Sau thành công về thương mại từ các bộ phim trước của Jean-Jacques Annaud: Black and White in Color (1976) và Quest for Fire (1981), nhà sản xuất Claude Berri ngỏ lời sản xuất dự án kế tiếp của Annaud, bất kể kinh phí bao nhiêu. Trong quá trình thực hiện bộ phim Quest of Fire (Cuộc chiến giành lửa), đạo diễn Annaud đã nảy ra ý tưởng làm một bộ phim mà loài vật sẽ là ngôi sao của bộ phim.

Annaud nói: “Khi làm bộ phim Quest of Fire tôi đã suy nghĩ và cố gắng tìm hiểu tất cả những điều có liên quan đến hành vi của con người, và cách mà con người có thể giao tiếp qua thái độ, cử chỉ mà không cần sử dụng đến ngôn ngữ. Sau đó tôi phát hiện ra một điều, giao tiếp của con người khá giống với các loài động vật có vú. Chúng cũng có những phản ứng giận dữ, cảm giác sợ hãi, tình cảm yêu thương như con người vậy”. Đồng thời Annaud cũng rất ngạc nhiên vì chưa thấy có bộ phim nào đề cập đến đề tài này. Ông quyết định làm một bộ phim phiêu lưu giải trí với nhân vật chính là động vật hoang dã.

Annaud đi du lịch và tới tham quan các vườn bách thú để nghiên cứu hành vi động vật. Ban đầu ông say mê loài hổ, nhưng sau đó chuyển sang gấu, “Vì con gấu thường đứng thẳng bằng hai chân như con người, nên khán giả cũng dễ dàng nhận ra nó hơn các động vật hoang dã khác”. Annaud thảo luận ý tưởng này với cộng sự lâu năm của mình là nhà biên kịch Gerard Brach. Vài ngày sau Brach gửi cho Annaud cuốn The Grizzly King (Vua gấu xám), một câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm của nhà tự nhiên học James Oliver Curwood xuất bản năm 1916. 


Truyện ngắn Vua gấu xám chủ yếu kể về tình bạn giữa gấu con và gấu xám, nhưng có một chi tiết có thật trong cuộc đời của Curwood khi ông còn là thợ săn ở British Columbia. Trong một lần đi săn, ông bắn bị thương một con gấu, nhưng lại đánh rơi khẩu súng trường của mình xuống vách đá. Con gấu quay lại, đối diện với Curwood và làm ông sợ chết khiếp trước khi bỏ đi. Curwood không hiểu vì lý do gì mà nó đã tha mạng mình, nhưng ngay sau khi cuốn truyện được xuất bản, Curwood – từng là một thợ săn lạnh lùng – đã trở thành một người ủng hộ việc bảo tồn động vật hoang dã… Bị mê hoặc với câu chuyện này, Annaud đề nghị Gerard Brach chuyển thể nó thành kịch bản phim Con gấu.

Kịch bản được Brach viết vào cuối năm 1981 và bản hoàn chỉnh được trao cho nhà sản xuất Claude Berri vào đầu năm 1983. Brach và Annaud quyết định lấy bối cảnh cho bộ phim vào cuối thế kỷ thứ 19 để tạo ra cảm giác rằng thế giới hoang dã trong phim là xác thực, đặc biệt là đối với các nhân vật người. Kịch bản phim là một câu chuyện cảm động về một chú gấu con mất mẹ, tình cờ gặp và đồng hành với một chú gấu đực trưởng thành hung dữ trong vùng đồi núi hoang vu. Bám theo chúng là những người thợ săn. Vài chủ đề được nêu lên trong câu chuyện gồm cảnh mồ côi, sự bảo vệ tính mạng của loài thú trong thế giới hoang dã, và lòng khoan dung cho một người thợ săn hướng thiện. 


Ngôi sao gấu trên trường quay

Trong khi Gerard Brach đang thực hiện kịch bản chuyển thể, Annaud đã tiếp xúc với nhà tâm lý động vật học kiêm huấn luyện thú dữ lừng danh, Doug Seus, để biết chắc rằng loài gấu có thể diễn những cảnh nguy hiểm như đòi hỏi trong phim.

Theo Doug Seus, có thể huấn luyện cho loài gấu làm được hầu hết mọi thứ, nhưng ông cho rằng tình bạn giữa con gấu nâu khổng lồ và chú gấu con mồ côi là không thể, bởi khuynh hướng ăn thịt đồng loại vốn có của chúng. Do đó, để cho ăn chắc, đạo diễn Annaud đã phải liên hệ với công ty chế tạo rối Jim Henson lừng danh của Mỹ thiết kế những con gấu giả được điều khiển từ xa, để sử dụng cho những cảnh quay có tính nguy hiểm cao.

Một cuộc tuyển chọn gấu đóng phim từ các đoàn xiếc thú nổi tiếng đã diễn ra. Cuối cùng đã chọn ra được Bart – thủ vai chú gấu nâu khổng lồ, và Youk – thủ vai chú gấu con mồ côi mẹ. Thời gian tìm và huấn luyện thú phải mất tới 3 năm. Và cuối cùng thật đáng kinh ngạc khi chuyên gia Doug Seus đã huấn luyện 2 con gấu có thể sinh hoạt chung với nhau, cũng như thực hiện những động tác khó như: đi khập khiễng, lội nước, cầm cá bằng chân, leo dốc nghiêng…



Chú gấu con diễn viên tên Youk mới 5 tháng tuổi, rất đáng yêu, thông minh và tinh nghịch. Chú đúng là một ngôi sao và thực hiện công việc của mình rất xuất sắc. Tất nhiên là cả đoàn làm phim cũng gặp phải những khó khăn rắc rối như tất cà những ai đã từng làm phim với một ngôi sao điện ảnh 4 chân, bởi chỉ sau một vài tuần, chú gấu Youk nhận thức được rằng cả đoàn làm phim phải phụ thuộc vào chú. Khi Youk muốn chơi thì mọi người phải chơi với nó, còn khi chú diễn thì mọi người cũng làm việc theo. Do đó, Youk trở thành nhân vật tối quan trọng. Đôi lúc nó còn dở chứng chạy trốn vào trong núi khiến cho 200 con người phải cuống cuồng đuổi theo.

Bart là một chú gấu xiếc nặng tới gần 1 tấn và cao tới 2,7m. Chú gấu khổng lồ này khiến cho khán giả hình dung rằng loài gấu cũng giống như con người, cũng có những anh chàng to xác nhưng hiền lành tốt bụng, và có thể trở thành những người bạn đáng tin cậy. Các đạo diễn thường phải làm việc với đủ loại diễn viên có tính khí khác nhau. Nhưng khi diễn viên chính của bộ phim nặng tới 1 tấn thì cần phải có một đối sách đặc biệt.

Trong phim có cảnh Bart bị những người thợ săn bắn trọng thương. Nhưng đạo diễn Annaud thì không muốn làm đau chú gấu của mình. Ông muốn làm gương cho mọi người thấy về cách làm một bộ phim về loài vật mà không cần phải dồn ép hay làm chúng phải đau đớn. Cùng với Doug Seus, Annaud chủ yếu dùng những yếu tố tâm lý để chỉ đạo diễn xuất cho chúng. “Thông thường thì những trạng thái tình thần của loài vật cũng giống như con người, vì vậy tôi cố gắng khai thác những bản năng và cảm xúc thuần khiết nhất của chúng”, Annaud nói.

Trong quá trình sản xuất, một ngày nọ, gấu Bart đã làm đạo diễn Annaud bị thương trong khi ông và con gấu đang làm dáng để các nhiếp ảnh gia chụp ảnh. Vết cào trên mông của Annaud phải được làm khô bằng một ống shunt trong hai tháng.


Và những diễn viên quần chúng đặc biệt

Phần lớn các bộ phim đều đòi hỏi phải có nhiều sự chuẩn bị, nhưng khi diễn viên chính không phải con người thì việc đó trở thành một thách thức lớn hơn rất nhiều. Phải mất một năm để hoàn thành kịch bản hình ảnh (storyboard). Nó giống như một bản hướng dẫn cho từng thành viên trong đoàn làm phim. Vẽ lại từng cảnh một của câu chuyện, cùng vài dòng giải thích ghi bên cạnh, là cách duy nhất để có thể thống nhất công việc với một đoàn phim đông đảo lên đến 200 người.

Bộ phim sẽ không thể hoàn hảo nếu thiếu sự góp mặt của hàng ngàn diễn viên quần chúng đặc biệt. Trong cảnh quay mở đầu, 900.000 chú ong mật đã được chuyển từ nước Đức sang. Thoạt đầu mọi việc đều diễn ra chính xác như dự tính nhưng rồi lũ ong bỗng nổi loạn làm đoàn làm phim phải chịu một phen điêu đứng. Không chỉ có ong, đoàn làm phim còn phải làm việc với những con vật khác, tuy chúng xuất hiện không nhiều trong phim như: chó, ngựa, ếch, chim đại bàng, sóc, vài con gấu đóng thế… Tất cả đếu phải có những chuyên gia riêng của từng loài. Tổng cộng có 3 nhân viên huấn luyện thú làm việc với gấu Bart (gồm cả chủ của nó là Doug Seus), 11 nhân viên huấn luyện thú làm việc với các gấu con, còn chó và ngựa mỗi loài có 3 nhân viên.

Cảnh quay đáng nhớ nhất là cảnh con báo hung hãn đuổi bắt chú gấu con trên một dòng suối đang chảy xiết. Những người huấn luyện biết rằng họ phải điều khiển không chỉ là một con thú hoang mà là một con thú cực kỳ nguy hiểm có thể giết chết người như bỡn. Yêu cầu của đoạn này là con báo phải nhảy đúng vào 1 trong 3 hòn đá để xuất hiện trước ống kính máy quay đúng lúc chú gấu con trôi từ từ đến tầm với của nó. Sau những thử thách cực kỳ kiên nhẫn và tốn không biết bao nhiêu là mét phim, cảnh phim cũng hoàn tất.

Với 95% là ngoại cảnh, bộ phim quay gần như hoàn toàn tại các vùng của nước Ý và Áo trên dãy Dolomites. Vài cảnh bổ sung cũng được bấm máy trong một vườn bách thú ở Bỉ. Bộ phim bấm máy từ 18/5 đến 21/9/1987 thì kết thúc. Phim ra mắt tại Pháp ngày 19/10/1988 và sau đó chiếu rộng rãi trên toàn cầu. Với kinh phí sản xuất 24 triệu USD, bộ phim đã đạt doanh thu hơn 31,7 triệu USD và được nhiều giải thưởng quốc tế. Tờ Time đã khen ngợi: “Phim Con gấu chính là một Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) của thể loại phim về thiên nhiên”.

Khi được phát hành tại Mỹ, bộ phim sử dụng một trong những câu nói nổi tiếng của Curwood làm tagline (câu khẩu hiệu quảng bá) cho bộ phim – “Thú vui lớn nhất không phải là giết chóc mà là để sự sống tồn tại” – và bộ phim được tán dương bởi cả Hiệp hội nhân đạo Mỹ và Quỹ động vật hoang dã thế giới.

Bá Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm