'Cơn điên' giá tranh bao giờ ngừng lại?

15/05/2015 06:55 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bức tranh Women Of Algiers, Version 0) (Những người phụ nữ Algiers, Phiên bản 0, 1954-1955) của Pablo Picasso vừa được bán với mức giá kỷ lục 179 triệu USD tại New York. Sự kiện đã khiến không ít người băn khoăn, rằng vì sao người ta lại có thể bỏ ra số tiền khổng lồ như thế cho một bức tranh?

Tuy nhiên việc bức Women Of Algiers đạt giá kỷ lục trong buổi đấu giá của hãng Christie's không gây nhiều ngạc nhiên.

Đầu tư vào tranh vẽ để bảo toàn tài sản

Trong bầu không khí hừng hực của những giây phút cuối cùng tại buổi đấu giá, nơi các tỷ phú và đại gia sẵn sàng bỏ ra 100 triệu USD có lẻ để sở hữu một chiếc cúp bình thường, mức giá của bức tranh dường như trở nên vô nghĩa.

Nghệ thuật sẽ trở nên vô giá trị nếu người ta chỉ nhìn nhận một tác phẩm dưới khía cạnh vật chất, ngay cả khi nó được làm bằng vàng, thậm chí bằng bạch kim và kim cương như tác phẩm For The Love Of God (Vì tình yêu của Chúa) của Damien Hirst. Tác phẩm đó được bán với giá 100 triệu USD. Nhưng nếu buộc phải xem xét bằng cán cân đồng tiền, giá trị vật chất của một tác phẩm lại được đo bằng những gì người ta sẵn sàng bỏ ra để sở hữu nó.


Bức Women Of Algiers (Version 0) vừa lập kỷ lục, khi được bán với giá 179 triệu USD

Câu hỏi vì sao người ta sẵn sàng bỏ ra một món tiền lớn để mua một tác phẩm nghệ thuật vẫn là một trong những điều khó lý giải nhất trong cuộc sống. Rõ ràng, người ta không thể ăn tác phẩm, sống trong nó hay mặc nó lên người. Và theo suy luận logic thông thường, giá trị của một tác phẩm nghệ thuật rất gần với những thứ chẳng có giá trị gì cả.

Thế nhưng thiên hạ vẫn vung tiền tấn để mua tác phẩm nghệ thuật. Như Francis Bacon, chủ nhân bộ tranh Three Studies Of Lucian Freud (Ba nghiên cứu của Lucian Freud) từng được bán với giá 142,2 triệu USD hồi năm 2013. Bộ tranh giữ kỷ lục tác phẩm nghệ thuật có giá đắt nhất được bán tại một cuộc đấu giá, trước khi Những người phụ nữ Algiers xuất hiện.

Trên thị trường nghệ thuật quốc tế, các tác phẩm của Picasso được đặt ngang hàng với tranh của Gauguin, Cezanne, Pollock, De Kooning, Klimt, Van Gogh, Bacon và Renoir. Đây là những nghệ sĩ với tài năng được nhiều người ghi nhận.

Tên tuổi của họ đã trở thành thương hiệu ăn khách và những tác phẩm có tên họ ở dưới luôn có giá trên trời. Nói cách khác, nếu coi các nghệ sĩ này là đại diện của lăng kính nghệ thuật phương Tây, và giá trị văn hóa, nghệ thuật trong các tác phẩm của họ luôn được bảo đảm bởi các bảo tàng lớn trên thế giới, thì việc mua chúng chính là một sự đầu tư vững chắc, giúp bảo toàn tài sản của nhà đầu tư.

Buổi trưng bày những món đồ gắn với cuộc đời của Picasso gần đây đã chứng minh một điều rằng danh họa người Tây Ban Nha sáng tác khá nhiều, với các tác phẩm mang nhiều chất lượng khác nhau. Trong bối cảnh đó, việc chi tiền vào tác phẩm thời kỳ cuối sự nghiệp của ông như Women Of Algiers có lẽ là một sự đầu tư tốt.

Sẽ có lúc tranh vẽ có giá bằng doanh thu phim bom tấn

Việc chi ra một số tiền lớn vào tác phẩm nghệ thuật chắc chắn ít nhiều sẽ vướng vào tranh cãi, không phải về văn hóa mà về giá trị khi dùng đồng tiền. Ví dụ, trong lúc thế giới phải đối phó với nạn nghèo đói toàn cầu và các mối đe dọa về thảm họa sinh thái, chi tiêu 179 triệu USD cho các mục đích từ thiện có phải là tốt hơn không?

Câu trả lời có thể là có. Tuy nhiên, đổ tiền vào các tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị văn hóa sâu sắc như tranh vẽ, cũng không hề hoang phí. Các hoạt động đầu tư như thế sẽ giúp gìn giữ nhiều giá trị chung cho các thế hệ tương lai.

Thời gian trước mắt, Women Of Algiers (Version 0) có thể sẽ nằm yên trong một bộ sưu tập hoặc két sắt an toàn nào đó, trong hàng thập kỷ. Đây là một trong những thực tế đáng buồn của thế giới hiện đại. Giống như rất nhiều kiệt tác khác trên thế giới, bức tranh hiện là tài sản cá nhân của giới siêu giàu.

Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác cho thấy tất cả những tác phẩm này, sớm hay muộn, cuối cùng cũng sẽ trở lại thị trường. Nếu may mắn, chúng có thể được trả lại cho công chúng khi người ta mang ra trưng bày tại các bảo tàng và phòng trưng bày.

Dù sao thì trong giai đoạn hiện tại, chẳng có cách nào để khiến các nhà sưu tập siêu giàu kể trên đem trưng bày tại bảo tàng những tác phẩm mà họ phải bỏ ra hàng núi tiền mới có được.

Với việc giới siêu giàu thi nhau đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật như một cách để bảo toàn tài sản, trong bối cảnh nguồn cung tác phẩm giá trị lại rất khan hiếm, không nghi ngờ gì về việc một kỷ lục giá mới sẽ sớm được thiết lập.

Ngay bây giờ, mức giá 250 triệu USD dành cho một tác phẩm nghệ thuật có vẻ đã không còn là quá vô lý. Có thể trong một thập kỷ tới, chúng ta sẽ thấy những tác phẩm có giá 500 triệu USD.

Với tốc độ này, rất có thể ngày nào đó, một tác phẩm nghệ thuật riêng lẻ sẽ có giá tương đương với doanh thu phòng vé của một bộ phim bom tấn, như Biệt đội anh hùng: Đế chế Ultron.

Vân Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm