16/06/2008 16:56 GMT+7 | Thế giới
Tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam, từ trái qua: Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Phạm Văn Xô (Hai Xô), Phạm Thái Bường (Ba Bường) và Võ Văn Kiệt (Sáu Dân)- Ảnh: Tư liệu |
Ông Kiệt hiểu được tình trạng đó. Trong chiến dịch Mậu Thân, ông Võ Văn Kiệt ở sở chỉ huy tiền phương, vào sát cửa ngõ Sài Gòn. Tiền phương của Sài Gòn cũng nhận được những lệnh liên tiếp tập kích vào đô thị để "giành thắng lợi tối đa". Mậu Thân quả là đã gây được những tiếng vang chính trị rất lớn, nhưng những người trực tiếp ở chiến trường như ông đã phải chứng kiến sự hi sinh quá lớn. Ông nói: "Lúc đó tôi đau đến mức nhiều lần bật khóc".
"Tướng xé rào"
Nhưng ông Võ Văn Kiệt không quá lo lắng về tình hình đã qua. Miền Tây là "đất" của ông. Ông sẽ đường hoàng đến Khu IX bằng con đường bất ngờ nhất. Ông xuống Châu Đốc, theo đường bí mật và lệnh cho chị Sáu Trung, giao liên, công khai lên Sài Gòn kêu Sáu Hoa, cơ sở của ông ở Sài Gòn, mang xe xuống.
Từ Châu Đốc, ông ngồi trên chiếc xe du lịch của ông Sáu Hoa về Rạch Giá, ông ở chơi nhà bà con bên vợ mấy ngày trước tai mắt của chính quyền Sài Gòn rồi mới ra bưng. Theo nguyên tắc mỗi lần di chuyển địa bàn hoạt động, những người lãnh đạo như ông lại chọn một tên mới.
Trên đường đi ông có cảm giác mọi việc có vẻ thuận, ông tin tình hình rồi sẽ tốt lên, vì thế ông lấy bí danh mới cho mình là Tám Thuận. Đại tá Lê Đức Anh cũng đã được điều về làm tư lệnh Khu IX trong dịp đó. Trước khi đi, ông Anh lấy bí danh mới là Chín Hòa. Khu IX dưới sự lãnh đạo của ông sau đó nhanh chóng khôi phục sức chiến đấu, và đến Hiệp định Paris năm 1973 thì ông Kiệt bắt đầu mang danh "tướng xé rào".
Sau Hiệp định Paris năm 1973, tình hình chiến sự miền Nam được thượng tướng Trần Văn Trà mô tả trong cuốn hồi ký Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm: "Ở các chiến trường khác ta bị lấn mất đất, mất dân rất nhiều, riêng ở Quân khu IX, quân khu miền Tây Nam bộ, nơi lúc bấy giờ địch tập trung quân đông nhất, ta vẫn giữ được các vùng của ta.
Sở dĩ được như vậy vì Khu ủy Khu IX lúc ấy do đồng chí Võ Văn Kiệt làm bí thư đã thống nhất với Bộ tư lệnh Quân khu do đồng chí Lê Đức Anh làm tư lệnh, nhận định rằng kẻ địch không bao giờ chịu thi hành hiệp định, chiến tranh vẫn là chiến tranh, mọi hoạt động vẫn như cũ không có gì thay đổi cả”.
Nhưng cũng theo tướng Trà: "Éo le thay hành động cụ thể ấy (của Khu IX) lại ngược hẳn với một loạt chủ trương lúc ấy". Chủ trương nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris được thể hiện trong nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và được ông Tố Hữu vào tận miền Nam phổ biến là "hòa hợp dân tộc và thi đua hòa bình", đồng thời coi "đấu tranh chính trị là chủ yếu", tranh thủ thời cơ "gò cương vỗ béo" lực lượng vũ trang.
Từ tinh thần nghị quyết mà ông Tố Hữu phổ biến đó, Hội nghị binh vận miền tháng 4-1973 triển khai "năm cấm chỉ”: cấm tấn công địch, cấm đánh địch đi càn quét, cấm bắn pháo vào đồn địch, cấm bao vây đồn bót, cấm xây dựng ấp xã chiến đấu. Ông Kiệt và Thường vụ Khu ủy ra lệnh binh vận khu không phổ biến chủ trương này của binh vận miền.
Một kế hoạch mà ông Thiệu dự định sẽ chiếm 85% đất đai và kiểm soát 95% dân chúng miền Nam 45 giờ trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Ngày 2-2-1972, tức là bốn ngày sau khi ký Hiệp định Paris, ông Kiệt triệu tập Hội nghị Thường vụ Khu ủy, xác định "không mơ hồ ảo tưởng" và "kiên quyết giữ vững thành quả cách mạng".
Ngày 3-3-1973, quân đội Sài Gòn đưa 30 tiểu đoàn đánh vào Chương Thiện, dự kiến trong bảy ngày sẽ chiếm xong các mục tiêu, bịt cửa ngõ U Minh. Nhưng các mũi tiến công đều bị chặn đứng, Khu IX ngay sau đó tổ chức tấn công trên toàn địa bàn quân khu. Nhiều nơi cho rằng "Khu ủy Tây Nam bộ xé Hiệp định Paris". Trung ương Cục điện yêu cầu "Khu IX phải thấy tình hình mới".
Bộ tư lệnh miền phê bình và thông báo toàn miền. Tướng Trần Độ, thay mặt Bộ tư lệnh miền, ra lệnh cho ông Lê Đức Anh rút hai trung đoàn chủ lực về phía sau rèn luyện, nếu không sẽ "đưa đại tá Lê Đức Anh ra tòa án binh".
Ông Lê Đức Anh cứng, trả lời Bộ tư lệnh: "Cho phép Quân khu IX thi hành chủ trương của Thường vụ Khu ủy". Lúc đó, ông Kiệt tuyên bố: "Mệnh lệnh tối cao lúc này là phải giữ đất, giữ dân". Ông điện cho Trung ương Cục và Bộ Chính trị: "Nếu không chống địch lấn chiếm, để mất đất, mất dân lúc này là mất tất cả”.
Bộ Chính trị sau đó đã triệu tập đại diện các khu, đại diện Trung ương Cục, đại diện Bộ tư lệnh miền ra Hà Nội. Sau nhiều tuần tranh luận, chiến trường Khu IX đã là một thực tế có sức thuyết phục cao, chủ trương sau Hiệp định Paris được Bộ Chính trị xác định lại: tiếp tục con đường bạo lực cách mạng.
Trong thời gian đó, đại tá Lê Đức Anh ở lại chiến trường chỉ huy Khu IX, chặn đứng cuộc tấn công thứ hai vào Chương Thiện của 75 tiểu đoàn quân lực Việt Nam cộng hòa. Ông không những không phải "ra tòa án binh" mà còn được vinh thăng vượt cấp quân hàm lên trung tướng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất