Khám phá hoạt động đặt biệt danh của Mật vụ Mỹ

10/07/2015 05:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/7 vừa qua đánh dấu 150 năm Mật vụ Mỹ ra đời. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ các chính khách cấp cao và gia đình họ. Dù thời gian gần đây, Mật vụ đã trải qua nhiều sóng gió và bê bối lớn, lực lượng này vẫn duy trì một truyền thống thú vị khi làm việc: đặt bí danh hay ho cho những đối tượng cần được bảo vệ.

Tổng thống Mỹ và những yếu nhân Mật vụ có trách nhiệm bảo vệ như ứng cử viên Tổng thống, thường được tự lựa chọn biệt danh của họ.

Ẩn ‎ý đẹp đẽ đằng sau các biệt danh

Năm 2012, ứng cử viên Phó Tổng thống Paul Ryan gây chú ý khi tiết lộ biệt danh ông đã lựa chọn: "Bowhunter" (Thợ săn bằng cung). Cái tên này không gây nhiều ngạc nhiên bởi Ryan rất thích đi săn và thậm chí đã xuất hiện trên trang bìa tạp chí săn bắn Deer And Deer.

Về phần mình, Phó Tổng thống Mỹ Mitt Romney dùng cái tên "Javelin" (Ngọn lao), theo tên một mẫu xe hơi được công ty American Motors sản xuất. Đây là doanh nghiệp mà cha ông từng ngồi ghế giám đốc điều hành. Romney cũng có ý nhắc tới môn ném lao trong Olympic (ông đã chỉ đạo Thế Vận hội mùa Đông 2002).


 Ông Barack Obama được Mật vụ đặt cho biệt danh Kẻ nổi loạn

Ứng viên Tổng thống Rick Santorum lại chọn biệt danh "Petrus". Đây là một chữ Latin tương đương với chữ Peter trong tiếng Anh - cũng là tên ông nội của Rick và một trong các con trai ông. Trong tiếng Latin, Petrus có nghĩa "tảng đá", và qua cái tên này Rick đã nhắc tới vợ một cách tinh tế, người ông vẫn gọi là "tảng đá vững chắc để tôi đứng lên trên."

Barack Obama tự chọn cho mình biệt danh "Renegade" (Kẻ nổi loạn). Kết quả là vợ con ông cũng phải chọn các biệt danh bắt đầu bằng chữ R, gồm "Renaissance" (Phục hưng) của bà Michelle, "Radiance" (Sáng chói) của cô con gái Malia và "Rosebud" (Nụ hồng) của Sasha.

Về phần mình, cố Tổng thống J.F. Kennedy chọn biệt danh "Lancer", theo tên một hiệp sĩ nổi tiếng trong vở kịch Camelot của sân khấu Broadway. Ronald Reagan được đặt cho biệt danh “Rawhide” (Da sống).

Không phải tên nào cũng hay ho

Tuy nhiên đôi khi các biệt danh không bay bướm và mang nhiều ý nghĩa như đã đề cập ở trên.

Không phải vô cớ mà Roger Clinton, người em cùng cha khác mẹ của Tổng thống Bill Clinton, thường gây tai tiếng với các màn thu hút sự chú ý, sử dụng heroin... đã được đặt cho biệt danh “Headache” (Cơn đau đầu). Sau này, Roger chia sẻ với tờ New York Times rằng anh ta không được lựa chọn khi là em trai của tổng thống.

Bà Cindy McCain, phu nhân ứng cử viên Tổng thống Mỹ John McCain, từng gây nhiều ì xèo khi phải đi chụp X-quang cổ tay bị thương do bắt tay với quá nhiều người ủng hộ. Do "mong manh dễ vỡ" như vậy, bà được Mật vụ đặt cho biệt danh "Parasol" (Cái ô).

Biệt danh của George W. Bush là “Tumbler” (Nghệ sĩ nhào lộn) và ông được Mật vụ gọi bằng cái tên này thời còn là con trai Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha). Bush nổi tiếng vì thích uống rượu trong thời cha làm Phó Tổng thống Mỹ nên biệt danh này khá nghiệt ngã. Sau khi lên ngồi ghế Tổng thống Mỹ, ông đã đổi biệt danh của mình thành “Trailbazer” (Người mở đường), nghe có vẻ nam tính hơn nhiều tên cũ.

Về phần mình, Phó Tổng thống Dick Cheney được đặt biệt danh “Backseat” (Ghế sau), một cái tên khá hợp với vị trí của ông.

Harry Truman là Tổng thống Mỹ đầu tiên được Mật vụ đặt biệt danh. Vì thế ông muốn được gọi là “General” (Tướng quân), bất chấp việc ông chỉ là một nghị sĩ, một người lính bình thường chứ không phải viên tướng nào cả. Sử gia Michael Beschloss tin rằng sự lựa chọn cái tên này nhằm mang tới cho Truman cảm giác đầy đủ, toàn vẹn. "Truman đã hoạt động trong quân đội. Ông ấy là một đại úy trong Thế chiến I và có thể đã mơ ước thành một tướng quân" - Beschloss nói, cho biết thêm rằng cũng có thể danh hiệu Tổng thống Mỹ chưa đủ để làm hài lòng Truman.

Richard Nixon được đặt biệt danh "Searchlight" (Ngọn đèn pha) , một biệt danh không thể hài hước và trái khoáy hơn, nếu xét tới việc ông đã chỉ đạo các vụ đột nhập bí mật, trong đêm vào khách sạn Watergate để do thám đối thủ.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm