Cô gái Sài Gòn đi tải đạn

10/04/2014 13:47 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - Tối chủ nhật, 1/9/1968, chương trình Câu lạc bộ âm nhạc tại Hà Nội giới thiệu 3 ca khúc mới: Tiếng đàn Ta lư của Huy Thục, Chiến thắng cầu chữ Y của Ca Lê Thuần và Cô gái Sài Gòn đi tải đạn của Lư Nhất Vũ. Tiếng hát Vũ Dậu (mẹ của nhạc sĩ Ngọc Châu và ca sĩ Khánh Linh) cất lên với ca từ vui tươi “Chim kêu ven rừng suối gọi ta lên đường nặng trĩu hai vai, hoa mai vàng chen lá ngụy trang…”, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn nhanh chóng trở thành ca khúc “hit” lúc bấy giờ…

Hơi thở mùa Xuân 68

Lúc đó Lư Nhất Vũ đang được biết đến như một nhạc sĩ tài năng đến từ miền Nam (năm 19 tuổi ông cùng 300 học sinh miền Nam từ giã gia đình, bất chấp mọi hiểm nguy vượt tuyến ra Bắc - 1955) và đã có nhiều sáng tác được chú ý như Bài ca giã từ, Mồ chiến sĩ… Tuy vậy, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn sẽ chưa được ra đời nếu như thiếu vắng hơi thở mùa Xuân Mậu Thân 1968. Thời điểm ấy, nhiều bài hát được sáng tác trong đợt Mậu Thân, gây “bão” ở khắp nơi, như Đô thành nổi dậy (Đỗ Nhuận), Tiến lên chiến sĩ đồng bào (thơ chúc mừng năm mới của Hồ Chủ tịch, Huy Thục phổ nhạc), Sài Gòn quật khởi (Hồ Bắc), Bão nổi lên rồi (Trọng Bằng), Chào anh giải phóng quân, Chào mùa Xuân đại thắng (Hoàng Vân), Sài Gòn tiến quân (Nguyễn Đồng Nai), Cô du kích Đà Nẵng (Thanh Anh), Tiến về thành Huế (Trần Hoàn)... Trong khi đó Lư Nhất Vũ, người con miền Nam, lại chưa có sáng tác nào cho giai đoạn này.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể lại: “Các chú, các má và anh chị trong Hội đồng hương Sài Gòn - Chợ Lớn (tại Hà Nội) mỗi lần gặp tôi đều thúc giục: Có bài hát về Mậu Thân ở Sài Gòn chưa? Mấy ông nhạc sĩ chưa hề biết về Sài Gòn, vậy mà bài hát của họ nghe đã quá!”. Đó thật sự là một thách thức. Thời điểm sau đợt 1 cuộc tổng tiến công, Lư Nhất Vũ được điều động vào tổ công tác chi viện cho chiến trường B. Vì thế ông phải thường xuyên lên miền núi tuyển chọn diễn viên về bổ sung cho Đoàn ca múa Tây Nguyên, đồng thời cùng các đồng đội gấp rút làm đề án củng cố Đoàn văn công Sư đoàn 330 tập kết. Nhưng một sáng tác để nói về Mậu Thân thì đúng là ông cần phải có, phải làm nhưng làm như thế nào? Thời điểm ấy, đã có quá nhiều sáng tác nổi bật nói về Mậu Thân, biết “lẩy” ý nào?

Tình cờ đọc báo thấy nói về các cô gái Sài Gòn thuộc nhiều thành phần (học sinh, sinh viên, thợ thuyền, buôn gánh bán bưng...) hăng hái thoát ly gia đình, vào chiến khu tham gia Đoàn Thanh niên Xung phong hỏa tuyến... Những tiểu thư vai yếu chân mềm không ngại hy sinh, gian khổ, băng qua mưa bom bão đạn để tải từng viên đạn cho pháo binh... Và thế là ý tưởng về “Đội nữ tải đạn Sài Gòn” hình thành.

Mất nhiều ngày “rị mọ” tại căn nhà 7C ngõ Trung Tiền, Khâm Thiên (Hà Nội), cuối cùng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cũng hoàn thành bản thảo. Viết xong, ông đạp xe vào Cầu Giấy nhờ nhạc sĩ Nhật Lai góp ý. Sau khi xem xong và chơi thử bằng cách huýt sáo và đàn piano, Nhật Lai khuyên Lư Nhất Vũ thêm đoạn cao trào trước khi chuyển sang điệp khúc. Chiều hôm sau ở phòng làm việc của cơ quan tại 32 Nguyễn Thái Học (khi đó là Trường âm nhạc Việt Nam), nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vừa đàn vừa hát ca khúc mới ra lò trước khán giả đầu tiên là các nhạc sĩ Đào Trọng Từ, Trần Tất Toại cùng nghệ sĩ piano Ánh Nguyệt. Buổi “tổng duyệt” khá thành công và mấy ngày sau, báo Nhân Dân đăng bài hát này với nhan đề Đội nữ tải đạn Sài Gòn. Sau đó nhạc sĩ Triều Dâng cùng Lư Nhất Vũ và Lê Lôi quyết định đổi tên thành Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Thú vị là việc đổi tên bài hát được quyết định sau khi cả 3 nhạc sĩ vừa nhảy xuống hầm trú ẩn trước sân Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), 58 Quán Sứ, khi nghe còi báo động.

Cô gái Sài Gòn đi tải đạn có giai điệu trẻ trung, tự nhiên, tiết tấu hơi nhanh, diễn tả vẻ hồn nhiên, nhí nhảnh, sôi nổi của những cô gái tuổi đời còn rất trẻ và làm những công việc rất gian lao. Giai điệu có hơi hướng Nam Bộ và lời ca đời thường, rất dễ ngấm. Để phổ biến kịp thời, Ban biên tập Đài TNVN định thu thanh do tốp nữ của đài với phần đệm của đàn accordeon. Nhạc sĩ Triều Dâng thì đề nghị đưa bài hát này cho tốp nữ của Đoàn ca múa Trung ương với dàn nhạc dân tộc nhưng thời điểm ấy thì đành phải chờ vì đoàn này đang lưu diễn ở Nhật.

Đến cuối tháng 8/1968, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn mới được thu thanh. Nhạc sĩ Nguyễn Chính viết phần đệm và ca sĩ Vũ Dậu lĩnh xướng. Sau khi phát sóng, chỉ một thời gian ngắn, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn đã “bay” đi khắp nơi. Rất nhiều thư yêu cầu của thính giả tới tấp gửi về Đài TNVN, yêu cầu được nghe lại trong chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu thính giả”. Rồi nhiều đoàn văn công đã đưa bài hát lên sân khấu trình diễn, đều dưới hình thức tốp ca nữ.


Bài Cô gái Sài Gòn đi tải đạn

Từ điệu hát quê hương

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể lại trong cuốn sách Nhạc và Đời (nhiều nhạc sĩ, xuất bản 1989) rằng Cô gái Sài Gòn đi tải đạn là một món quà cho quê hương miền Nam, mang theo tình thương yêu của người thân, ký ức sâu sắc của quê nhà và sự mong mỏi đợi chờ, niềm tin yêu hò hẹn. Tháng 4/1970 ông từ Ga Hàng Cỏ rời miền Bắc vào Nam chiến đấu. Ông viết “Mười lăm năm sau có người lính trở về với trái tim của một nhạc sĩ nồng nhiệt và đầy hứa hẹn. Tôi không thể rước về một cô dâu đất Thăng Long, mà chỉ mang theo một Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Cô gái này dẫu sinh ra từ Hà Nội song vẫn mang dòng máu bắt nguồn từ điệu hát quê hương cùng hơi thở của mùa Xuân năm 1968”.

120 ngày đi B của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đầy vất vả. Có những lúc bị rắn cắn tưởng chết, một vài người bạn ở Hà Nội tưởng ông hy sinh đã để khăn tang. Nhưng sau 15 ngày “tôi gỡ ra từng miếng da chân đen ngòm”. Và rồi những cơn sốt rét ập tới “đánh gục tôi hôn mê bất tỉnh”. Tin truyền ra Hà Nội: Lư Nhất Vũ lại hy sinh. Một người bạn của ông đã lập bàn thờ, trên bàn thờ là tờ nhạc bướm Cô gái Sài Gòn đi tải đạn viền vải đen quàng chéo. Từ Đài TNVN, nhạc sĩ Triều Dâng, như đã hứa với Lư Nhất Vũ nếu anh hy sinh, đã cho phát liên tục ca khúc này và ai cũng tin rằng chàng nhạc sĩ tài năng, khi ấy chỉ vừa 34 tuổi, đã qua đời. Nhưng rồi thì “coi vậy mà sống dai. Trọng tài vừa đếm đến tiếng thứ chín thì tôi lồm cồm bò dậy. Thần Chết la làng rồi bỏ chạy” - nhạc sĩ đùa tếu.

Có một chi tiết ít người biết là sau năm 1975, ca khúc này cùng một loạt bài cách mạng khác như Đường chúng ta đi, Bài ca hy vọng, Nhớ, Bóng cây K’nia… được bà Sáu Liên, chủ hãng đĩa Việt Nam vốn rất nổi tiếng ở miền Nam, thu âm vào cassette với phần phối âm mới khá sốc (rock), đã thay đổi “diện mạo” của những ca khúc này. 7 cuốn cassette đã bán rất chạy nhưng sau đó thì ngưng lại. Và đến giờ ít ai còn sở hữu được những sản phẩm này.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm