06/07/2023 07:06 GMT+7 | Văn hoá
Theo giới sân khấu, hơn 20 năm qua, các đoàn cải lương xã hội hóa vốn không quá mặn mà với các vở diễn thuộc thể loại tâm lý xã hội hiện đại. Vì vậy, khi đoàn cải lương Đại Việt công bố thông tin về vở Cô đào hát (tác phẩm văn học Nguyễn Quang Sáng, chuyển thể cải lương Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ), giới chuyên môn lẫn khán giả tò mò và mong đợi.
1. Thực tế, các đoàn tư nhân thường tập trung vào thể loại tuồng cổ hương xa, hay thỉnh thoảng có thêm cải lương lịch sử. Nhìn chung, khán giả vẫn còn thích thể loại tuồng cổ hương xa hơn tất thảy vì nội dung câu chuyện có hư cấu, huyền ảo, phù hợp với trí tưởng tượng bay bổng, phục trang đẹp mắt và đầy màu sắc, diễn viên có thể trình diễn với nhiều trình thức khác nhau về vũ đạo, vũ thuật. Hơn nữa, các tuồng tích xưa đã để lại một dấu ấn rất sâu trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả cải lương, vậy nên, dựng thể loại này dễ bán vé.
Trong khi đó, tuồng xã hội rất khó hấp dẫn khán giả. Trước tiên là vấn đề kịch bản. Ngày nay, phim và kịch đang hoạt động rất mạnh mẽ. Ở 2 thể loại này, chủ đề kịch bản chạm vào vấn đề thời sự, hoặc là khai thác sâu tâm lý người xem. Diễn viên đẹp theo phong cách hiện đại.
Đây là những thách thức khiến cho cải lương xã hội rất khó cạnh tranh. Bởi viết kịch bản cải lương khó nhằn hơn kịch bản phim, vì tác giả phải rành về các bài bản cải lương, ví dụ như nói lối, ca tân cổ, ca vọng cổ… Thêm nữa, vẻ đẹp hình thể của nghệ sĩ cải lương trong trang phục đời thường khó cạnh tranh với diễn viên điện ảnh và kịch nói.
Đó là những thách thức khiến các ông bà bầu cải lương ít "bén mảng" tới đề tài tâm lý xã hội.
Nhưng ông bầu, tác giả Hoàng Song Việt của đoàn Đại Việt là một người chơi nghệ thuật đúng nghĩa. Anh luôn muốn sân khấu của mình làm gì đó độc lạ và mới mẻ để hấp dẫn thế hệ khán giả mới. Dẫu rằng ước muốn này liên tục khiến anh cháy túi và phải bù lỗ nhưng anh không bận tâm đến tình trạng thâm hụt tài chính. Với anh, niềm hạnh phúc lớn nhất là thấy sân khấu lung linh, nghệ sĩ thăng hoa, và khán giả được thỏa mãn vì những nét mới lạ.
Vì vậy, Hoàng Song Việt đã quyết định đầu tư vào vở Cô đào hát. Truyện ngắn Người đàn bà đức hạnh của Nguyễn Quang Sáng là một tác phẩm đã gây tiếng vang trong quá khứ khi được chuyển thể thành vở kịch nói cùng tên (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Hoa Hạ). Từ thành công này, hơn 30 năm trước, bộ đôi Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoa Hạ tiếp tục cho ra mắt vở cải lương Cô đào hát. Thành phần diễn viên lúc đógồm cố NSƯT Vũ Linh (Liêm thông ngôn), Linh Tâm (anh chồng nhà báo), NSƯT Phương Hồng Thủy đào hát Cầm Thanh). Theo ký ức của soạn giả Hoàng Song Việt, giai đoạn đó cải lương đã bắt đầu suy yếu, nhưng khán giả vẫn xem kín rạp. Nội dung câu chuyện xuất sắc, tài dàn dựng của đạo diễn, và diễn xuất của dàn diễn viên tài năng đã lấy nước mắt người xem.
"Lần này, tôi được giao vai mà ba Vũ Linh ngày xưa đã rất thành công. Đây là một vinh dự nhưng đồng thời là một áp lực. Nhưng càng gặp áp lực tôi càng gắng vượt lên để thoát cái bóng của các ngôi sao lớn" - diễn viên Võ Minh Lâm.
2. Khi thành lập đoàn Đại Việt, ông bầu Hoàng Song Việt vẫn nhớ rất kỹ về kỷ niệm ấy. Anh đã nung nấu kế hoạch tái dựng lại những tuồng xã hội đã ghi dấu ấn, đồng thời thổi vào đó sắc tháimới mẻ, khi nhịp sống bây giờ đã khiến công chúng có những suy nghĩ và phân tích khác xưa.
Trong bản dựng năm 2023 này, NSƯT Hoa Hạ vẫn giữ vai trò đạo diễn, nhưng dàn diễn viên mới hoàn toàn: Võ Minh Lâm sẽ đóng vai của NSƯT Vũ Linh, NSƯT Kim Tử Long sẽ thay vai nghệ sĩ Linh Tâm, NSƯT Quế Trân sẽ thay vai NSƯT Phương Hồng Thủy, Minh Trường vai Vân Hạc.
Về việc chọn diễn viên, NSƯT Hoa Hạ và ông bầu Hoàng Song Việt căn cứ vào sự hợp vai. Võ Minh Lâm có vẻ đẹp hình thể tương đương với các ngôi sao phim ảnh, và anh đã từng đóng phim và diễn kịch thành công. Tại lĩnh vực cải lương, Võ Minh Lâm đang là một ngôi sao trẻ ăn khách nhờ tinh thần cầu tiến vượt khó và khiêm tốn.
Ở cùng độ tuổi đóng cặp với Võ Minh Lâm, NSƯT Quế Trân là lựa chọn tương xứng vì hội đủ các yếu tố thanh, sắc và trẻ. Biết rằng đóng tuồng xã hội là thách thức lớn nên ê-kíp tham gia lần này xem đây là cơ hội được rèn luyện, và trải nghiệm để làm đầy hành trình nghệ thuật của mình.
Võ Minh Lâm cho biết: "Tôi luôn xem mỗi cơ hội được làm việc với các đạo diễn giỏi như NSƯT Hoa Hạ là một lần học nghề. Thời gian tập luyện là thời gian cô trao truyền cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Đặc biệt lần này, tôi được giao vai mà cậu Vũ Linh ngày xưa đã rất thành công. Đây là một vinh dự nhưng đồng thời là 1 áp lực. Nhưng càng gặp áp lực tôi càng gắng vượt lên để thoát cái bóng của các ngôi sao lớn".
Thực tế, cách thức hoạt động của Đại Việt là vừa tạo cơ hội cho nghệ sĩ trẻ trình diễn, vừa đào tạo theo kiểu truyền nghề. Ở đây luôn khuyến khích các bạn trẻ dành nhiều thời gian cho việc nâng cao kỹ năng, hơn là mãi chạy show ca lẻ. Nhiều nghệ sĩ trẻ nhận thức rõ điều đó nên sớm nắm bắt cơ hội. Trường hợp Minh Trường là một trong những ví dụ điển hình. Trường là kép ca diễn hay, nhưng đồng thời mê vai trò đạo diễn, vì thế ngoài việc đóng tuồng anh kiêm luôn vai trò trợ lý cho đạo diễn NSƯT Hoa Hạ. Sau nhiều lần chinh chiến với người thầy khó tính, kỹ năng dựng tuồng của Minh Trường tiến bộ rõ rệt.
Vở Cô đào hát (tác giả văn học Nguyễn Quang Sáng, chuyển thể cải lương và đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) sẽ ra mắt công chúng vào ngày 26/8/2023 tại Rạp Hưng Đạo, TP.HCM.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất