06/01/2025 16:03 GMT+7 | AFF Cup 2024
9/10 HLV ở ASEAN Cup 2024 là các ông thầy ngoại. 6/9 HLV ngoại đến từ Đông Á. Và trận chung kết là cuộc so tài giữa hai chiến lược gia đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Myo Hlaing Win là người lạc lõng nhất trong số này. Huyền thoại bóng đá Myanmar là HLV nội duy nhất trong số 11 đội tuyển Đông Nam Á. Ông cũng chỉ vừa nhậm chức hồi tháng Chín, sau khi Myanmar trải qua 3 đời HLV ngoại.
Hiệu ứng Park Hang Seo
Park Hang Seo không phải HLV Đông Á đầu tiên làm việc ở Đông Nam Á, mà là đồng hương Kwon Oh Son, người dẫn dắt Brunei năm 2007. Nhưng ông chắc chắn là HLV Đông Á thành công nhất ở Đông Nam Á từ trước đến nay, với 1 chức vô địch ASEAN Cup, 2 tấm HCV SEA Games, chưa kể những cột mốc đáng nhớ ở sân chơi châu lục. Thành công ấy tạo ra hiệu ứng đặc biệt trên băng ghế huấn luyện.
Đó là sự thật. Kể từ ngày thầy Park dẫn dắt Việt Nam, Thái Lan trải qua 2 đời HLV Nhật Bản (Akira Nishino, Masatada Ishii). Singapore sử dụng 3 ông thầy đến từ xứ sở hoa anh đào (Tatsuma Yoshida, Takayuki Nishigaya, Tsutomu Ogura). Indonesia đang bước sang năm thứ 6 dưới triều đại Shin Tae Yong. Malaysia cũng từng có 2 năm gắn bó với HLV Kim Pan Gon (2022-24). Một đội tuyển khác cũng rất chuộng HLV Đông Á là Campuchia, khi 3/4 ông thầy gần nhất của họ đến từ Nhật Bản (Keisuke Honda, Ryu Hirose, và Koji Gyotoku). Ngoài ra, không thể không kể đến HLV của tuyển Lào hiện tại, ông Ha Hyeok Jun.
Việc LĐBĐ Thái Lan nhất quyết không gia hạn với HLV Mano Polking - người đã mang về 2 chức vô địch khu vực - để chọn Masatada Ishii cho thấy sự kiên định của họ trong việc theo đuổi triết lý bóng đá của người Nhật, vốn được cho là phù hợp với cầu thủ Thái Lan nhất. Bản thân LĐBĐ Nhật cũng như các CLB Nhật cũng ưu tiên Thái Lan hơn các nước Đông Nam Á, từ đào tạo cho đến xuất khẩu cầu thủ. Trong khi đó, việc LĐBĐ Singapore (FAS) kiên trì với các HLV Nhật Bản phản ánh rõ mối liên kết của họ với phía Nhật. Giải VĐ Singapore có khá nhiều cầu thủ Nhật, và thậm chí có nguyên một CLB "chân rết" của Albirex Niigata. Tương tự, Campuchia cũng có liên hệ đặc biệt với bóng đá Nhật thông qua các HLV và cầu thủ Nhật ở giải VĐQG. Hai trong số đó, Takaki Ose và Yudai Ogawa đã nhập tịch và thi đấu ở AFF Cup 2024.
Bản thân Việt Nam sau hơn một năm chia tay thầy Park, đã không thể thích ứng được với triết lý của HLV Philippe Troussier. Sau cơn khủng hoảng ấy, VFF đã trở lại với thầy Hàn, và thực tế, ông Kim Sang Sik đã mang niềm tin trở lại.
Đông Á là lựa chọn phù hợp nhất
Tại sao các HLV Nhật Bản và Hàn Quốc lại chiếm ưu thế. Nói một cách nôm na: họ không quá lạnh lùng, xa cách như phần đông các HLV châu Âu, những đặc thù tính cách kiểu Á Đông của họ phù hợp với các cầu thủ Đông Nam Á. Nhưng họ cũng đã được tiếp cận với tư duy chiến thuật hiện đại, nên không hề bị lỗi thời.
Các HLV Đông Á nổi tiếng với triết lý bóng đá kỷ luật và khoa học. Họ thường áp dụng phong cách thực dụng nhưng không kém phần linh hoạt, kết hợp lối chơi tấn công hiện đại với khả năng tổ chức phòng ngự chắc chắn. Đây là yếu tố phù hợp với các đội bóng Đông Nam Á, nơi nền tảng kỹ thuật và thể lực chưa thực sự đồng đều. Cách làm việc chi tiết, kỷ luật của các HLV Nhật Bản và Hàn Quốc dễ dàng hòa nhập với môi trường Đông Nam Á. Sự khắt khe trong quản lý và tinh thần cầu tiến của họ giúp nâng cao trình độ cầu thủ, đồng thời xây dựng lối chơi có bản sắc.
Tại AFF Cup lần này, Masatada Ishii tiếp tục dẫn dắt Thái Lan chơi thuyết phục với lối đá kiểm soát bóng thông minh. Dù không có lực lượng mạnh nhất, họ vẫn tái khẳng định vị thế hàng đầu của mình trước các đối thủ trong khu vực. Trong khi đó, HLV Kim Sang Sik (Việt Nam) đã thổi làn gió mới vào ĐT Việt Nam với hệ thống phòng ngự kín kẽ và phản công sắc bén. Ở một mức độ kém thuyết phục hơn,
Tsutomu Ogura (Singapore) vẫn gây ấn tượng khi hồi sinh một Singapore từng sa sút, đưa họ tiến sâu hơn mong đợi. Nếu đầy đủ lực lượng, Singapore hoàn toàn có thể là mối đe dọa lớn hơn với các ông lớn như Việt Nam và Thái Lan.
Tất nhiên, thành công là sự kết tinh của nhiều yếu tố chứ không chỉ đơn thuần là băng ghế huấn luyện. HLV Shin Tae Yong thất bại bởi Indonesia yếu đi rất nhiều khi thiếu các ngôi sao nhập tịch. Lào của HLV Ha Hyeok Jun bất ngờ cầm hòa cả Singapore và Philippines, nhưng chưa thể giải quyết được hạn chế về thể lực. Tương tự, Campuchia của HLV Nhật Bản Koji Gyotoku đã mạnh hơn nhiều nhờ một số cầu thủ nhập tịch song lại trả giá bởi sai lầm cá nhân và thiếu kinh nghiệm.
***
ASEAN Cup là minh chứng rõ ràng nhất cho sự yếu thế của các HLV nội so với các đồng nghiệp ngoại. Áp lực thành tích khiến liên đoàn bóng đá các nước ưu tiên HLV ngoại. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các nước trong khu vực cần chú trọng đầu tư cho đội ngũ HLV nội. Liệu trong tương lai, Đông Nam Á có thể sản sinh ra những chiến lược gia tài năng, đủ sức cạnh tranh với các đồng nghiệp quốc tế? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào tầm nhìn và quyết tâm của mỗi quốc gia.
Các HLV ở ASEAN Cup 2024
+ Hàn Quốc (3): Kim Sang Sik (Việt Nam), Shin Tae Yong (Indonesia), Ha Hyeok Jun (Lào)
+ Nhật Bản (3): Masatada Ishii (Thái Lan), Tsutomu Ogura (Singapore), Koji Gyotoku (Campuchia)
+ Tây Ban Nha (2): Albert Capellas (Philippines), Pau Marti (Malaysia)
+ Chile (1): Simon Elissette (Timor Leste)
+ Myanmar (1): Myo Hlaing Win (Myanmar)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất