CLB HA.GL và nỗi ám ảnh chiều cao

25/01/2015 11:43 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Công Phượng cao 1m68, Tuấn Anh cao 1m71, Văn Toàn cao 1m67, Đông Triều cao 1m68. Xuân Trường là cầu thủ duy nhất sở hữu chiều cao tốt 1m76. Tại sao nhóm nòng cốt của HA.GL, những cầu thủ khóa 1 của Học viện HA.GL Arsenal JMG lại sở hữu chiều cao khiêm tốn như vậy?

1. Tháng 8/2014, trước thềm giải U19 Đông Nam Á, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Nutifood Lê Nguyên Hòa tuyên bố: “Cách đây ba tháng, chúng tôi đã khảo sát thói quen ăn uống của các học viên ở Học viện HA.GL Arsenal JMG. Chúng tôi nhận thấy thói quen ăn uống bao lâu nay không thể đáp ứng được đủ dinh dưỡng cho các em”. Đáp lại tuyên bố ấy, ông Guillaume Graechen, người trực tiếp huấn luyện, khi ấy đang là HLV trưởng đội tuyển U19 Việt Nam khẳng định: “Cá nhân tôi thấy các cầu thủ HA.GL đã luôn được ăn uống đầy đủ, có một chế độ dinh dưỡng tốt từ những ngày đầu tiên nhập học ở lò JMG. Theo tôi, 3/4 nguyên nhân dẫn đến sự thua kém về thể lực của đội bóng không tới từ chế độ ăn uống của họ”.

Cuộc tranh luận này sau đó đã ngay lập tức lắng xuống. Nhưng vấn đề mà nó đặt ra vẫn còn tồn tại tới lúc này. Sau ba thất bại liên tiếp của HA.GL với nòng cốt là nhóm cầu thủ U19 Việt Nam tại V-League 2015, chúng ta cần biết rằng các cầu thủ đội bóng phố Núi đã được chuẩn bị về thể lực như thế nào, tiềm năng phát triển thể chất của họ cao tới đâu?



Thể hình, thể lực là một bất lợi của Công Phượng (trái) và các đồng đội so với các đối thủ khác tại V.League. Ảnh: Thanh Hà

2. Hãy thử so sánh chiều cao của 5 trụ cột HA.GL ở trên với 5 trụ cột của đội tuyển Việt Nam dưới đây: Công Vinh (1m72), Văn Quyết (1m70), Huy Hùng (1m75), Tiến Thành (1m84), Hoàng Thịnh (1m72). Sự khác biệt rõ ràng là rất lớn. Chưa nói tới trình độ kỹ thuật và tư duy chiến thuật, khoảng cách chiều cao này là bất lợi cực lớn cho những cầu thủ HA.GL trong cuộc cạnh tranh ở V-League hiện tại và tại đội tuyển quốc gia trong tương lai. Chiều cao kém hơn gần như đồng nghĩa với sức mạnh kém hơn, sức bền, sức rướn kém hơn.

Vậy tại sao lại có sự khác biệt đó? Do khâu tuyển chọn của Học viện HA.GL có vấn đề hay do chuyện dinh dưỡng của các cầu thủ này trong 7 năm qua?

Để làm rõ điều này, chúng ta cần phải hiểu chiều cao thân thể người phát triển nhanh nhất ở hai giai đoạn khoảng 1 tuổi và khoảng từ 13 tới 15 tuổi. Trong đó, lứa tuổi 13 tới 16 là tuổi cần chú trọng dinh dưỡng hơn cả. Sau 17 tuổi, chiều cao thân thể phát triển rất chậm. Đến năm 25 tuổi, quá trình này dừng lại. Tức là mọi nỗ lực cải thiện chiều cao từ sau 17 tuổi đều chỉ cho ra các kết quả hạn chế. Xin lưu ý, hợp đồng tài trợ với Nutifood được ký vào đầu năm 2014, khi lứa cầu thủ HA.GL đã xấp xỉ 19 tuổi.

Vậy tại sao Học viện HA.GL Arsenal JMG không tuyển chọn những VĐV có chiều cao tốt ngay từ khi còn nhỏ trước khi chú ý đào tạo các yếu tố khác. Trả lời câu hỏi này, nguyên Viện trưởng viện Khoa học Thể dục Thể thao Dương Nghiệp Chí giải thích: “Khi tuyển chọn VĐV lúc khoảng 10, 11 tuổi, tất cả chúng ta đều không có phương tiện dự báo về chiều cao thân thể. Đó là một nhược điểm của ta mà không khắc phục được bởi tất cả VĐV chơi và ham thích bóng đá từ nhỏ đều có điểm chung là gia đình không khá giả về kinh tế. Sự chăm sóc về dinh dưỡng và tập luyện khoa học để phát triển chiều cao thân thể và tố chất thể lực thì hầu như không có”.

Trong hai giai đoạn phát triển chiều cao, HA.GL chỉ can thiệp được một giai đoạn. Trước đó, họ bất lực trong việc đánh giá tiềm năng chiều cao của các VĐV. Trong quá trình tuyển chọn, họ lại gặp mâu thuẫn giữa yêu cầu về sự khéo léo và yêu cầu về thể trạng (chiều cao, cân nặng).

3. Kết quả là khóa 1 HA.GL Arsenal JMG đã cho ra một lứa cầu thủ có chiều cao rất khiêm tốn so với bóng đá Việt Nam. Nhưng đó không phải là vấn đề chỉ của một mình HA.GL. Hệ thống lò JMG trên khắp thế giới cũng mắc phải vấn đề tương tự.

Hãy nhớ rằng chính Arsenal hay Barcelona cũng luôn phải bổ sung vào đội hình những cầu thủ to cao cho những vị trí đặc thù. Hạn chế chiều cao và thể trạng của cầu thủ xuất thân từ hệ thống lò đào tạo JMG là một đặc điểm, không phải nhược điểm. Điều quan trọng là các HLV  phải hiểu rõ đặc điểm ấy để tìm những sự bổ sung thích hợp cho đội hình.

Đối chiếu với trường hợp của HA.GL hiện tại, họ chưa có những bổ sung thích hợp.

Người Việt yếu hơn chính mình, yếu hơn châu Á

Ông Dương Nghiệp Chí cho biết: “So sánh số liệu đo được năm 2014 và 2000, chúng tôi nhận thấy chiều cao thân thể phát triển chậm. Trong 14 năm, chiều cao thân thể phát triển hơn 1 cm, đó là phát triển chậm nhất là trong điều kiện sau chiến tranh. Tức là chúng ta chưa chú trọng phát triển chiều cao thân thể.

Chiều cao thân thể của chúng ta vì thế thua hết các nước trong khu vực. Theo số liệu mới nhất năm 2014, chiều cao chúng ta thua hết Singapore, Malaysia, Thái Lan chứ đừng nói tới các nước châu Á và thế giới. Thứ hai, tố chất thể lực của chúng ta cũng thua. Trên nền tảng thua thiệt ấy, tài năng bóng đá mà chúng ta tuyển chọn được đương nhiên cũng thua thiệt. Huấn luyện tốt đến mấy cũng chỉ vậy thôi.

Vì thế, chúng ta đừng ảo tưởng quá về chuyện chọn được những tài năng bóng đá và huấn luyện ra những tài năng bóng đá có thể so sánh với đỉnh cao của châu Á trong giai đoạn hiện nay. Khả năng ấy là hầu như không thể có.


Bạch Dương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm