Chuyên gia Đoàn Minh Xương: 'Đừng để con tàu bóng đá Việt Nam bị... trật ray'

27/03/2024 06:49 GMT+7 | Bóng đá Việt

Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn nhận rằng bóng đá Việt Nam đang có dấu hiệu "đứt gãy" trên nhiều phương diện. Vì thế, chúng ta phải làm sao để "con tàu" bóng đá Việt Nam không bị "trật ray" vào lúc quan trọng này.

* Thể thao & Văn hóa: HLV Philippe Troussier là một nhà cầm quân giỏi, có năng lực nhưng chiến lược gia người Pháp có phù hợp với bóng đá Việt Nam hay không, dưới góc nhìn của ông?

- Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Cho đến giờ phút này, sau hơn 1 năm làm việc cùng bóng đá Việt Nam và với những gì ĐTQG và đội U23 Việt Nam thể hiện, theo tôi, HLV Troussier không phù hợp với bóng đá Việt Nam.

Ông Troussier dẫn dắt đội tuyển Việt Nam và U23 quốc gia từ ngày 1/3/2023, có nghĩa đã hơn một năm để chứng minh khả năng thích nghi cũng như giá trị. Thế nhưng, thành tích mà HLV này mang lại chưa được như mong muốn, nếu không muốn nói là đáng thất vọng.

Chúng ta không phủ nhận năng lực, tài nghệ cầm quân của vị HLV đẳng cấp thế giới này qua bảng thành tích đồ sộ mà ông có được ở các quốc gia trong quá trình làm nghề của mình. Và chúng ta cũng ghi nhận ý thức trách nhiệm, sự quyết tâm trong tham vọng hiện thực hóa mục tiêu một ngày gần nhất được dự World Cup của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến lúc này, mọi thứ không đi đúng hướng, thực tế chưa đáp ứng được những gì chúng ta kỳ vọng.

* Vậy sự không phù hợp đó được nhìn nhận ở những góc độ nào, thưa ông?

- Có thể thấy HLV Troussier không phù hợp với bóng đá Việt Nam ở nhiều góc độ. Điều đầu tiên, đó là không phù hợp về văn hóa, con người Việt Nam. Tư duy, phương pháp làm việc để phát huy hết khả năng từ tinh thần đến chuyên môn của cầu thủ đòi hỏi người cầm quân phải hiểu được văn hóa của người phương Đông, văn hóa Việt Nam. Nhà cầm quân người Pháp chưa kích hoạt được động lực chơi bóng của học trò. Ở đây, chưa nói đến chuyên môn, ở yếu tố tinh thần chưa xây dựng, bồi đắp được cái "nhuệ khí" cho cầu thủ. Trong thể thao nói chung, bóng đá nói riêng, nếu anh không có "nhuệ khí", không có quyết tâm, không có khát khao chiến thắng thì rất khó để mang lại kết quả ưng ý.

Dưới góc độ chuyên môn, những gì HLV Troussier phát biểu rất hay, đầy hào hứng. Tuy nhiên, thực tế chứng minh từ các trận đấu, giải đấu cho thấy những phát biểu đó có phần thái quá, không phù hợp với nền tảng mà bóng đá Việt Nam đang có. Bóng đá hiện đại bây giờ, ngay cả những ĐTQG hùng mạnh, hàng đầu thế giới như Pháp, Argentina nhiều lúc họ cũng phải chịu nhún nhường để chơi với tấm thế "cửa dưới", chấp nhận đá phòng ngự với mục đích cuối cùng: Chiến thắng.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Đừng để "con tàu" bóng đá Việt Nam bị... trật ray" - Ảnh 1.

Nếu muốn có vé tham dự World Cup, đội tuyển Việt Nam phải có mặt thường xuyên, liên tục trong nhóm 10 ĐTQG mạnh nhất châu lục. Ảnh: Hoàng Linh

* Cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, nếu HLV Troussier không hợp với bóng đá Việt Nam thì chúng ta nên có sự thay đổi. Vậy đâu là quan điểm của ông về điều này?

- Tôi nghĩ chúng ta phải thay đổi thôi. Có thể HLV Troussier không làm việc với bóng đá Việt Nam nữa nhưng sự thay đổi căn bản phải từ chính chúng ta.  Vấn đề ở đây, không phải là chuyện đội tuyển Việt Nam có đi tiếp đến vòng loại thứ 3 World Cup hay không? HLV Troussier tiếp tục công việc hay người khác thay thế. Điều quan trọng nhất nằm ở chỗ, bóng đá Việt Nam sẽ có gì để bước tiếp với những thay đổi như thế. Nghĩa là, nền tảng của chúng ta đang có là gì để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai cũng như hướng đến mục tiêu vươn tầm và kể cả khát vọng World Cup. Vị trí HLV chỉ là một lát cắt trong bức tranh tổng thể cho câu chuyện nâng tầm, phát triển.

* Nghĩa là, trước hết bóng đá Việt Nam phải có được một "gốc rễ" vững chắc chứ không phải chỉ giải quyết phần "ngọn" ở mỗi vị trí HLV?

- Đúng rồi. Ở đây, tôi xin được quay trở lại với HLV Troussier một chút. Rõ ràng triết lý, phương pháp huấn luyện của HLV Troussier là tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, điều kiện của cầu thủ Việt Nam, nền tảng của bóng đá Việt Nam vào thời điểm này chưa thể đáp ứng yêu cầu đặt ra như thế.

Ngay từ khi bắt tay vào việc, HLV Troussier luôn giữ nguyên tầm nhìn đưa bóng đá Việt Nam phát triển, tiến lên đẳng cấp cao nhất ở châu Á. Đó là thay đổi tư duy, phong cách chơi bóng của các cầu thủ. Ông tin rằng đội tuyển Việt Nam cần kiểm soát bóng tốt hơn, từ đó hướng đến các pha phối hợp tấn công bài bản, có ý tưởng thay vì chờ đợi vào sự tỏa sáng của các cá nhân đơn lẻ hoặc các tình huống bộc phát may mắn.

Tuy nhiên, nền tảng của cầu thủ chúng ta chưa thể đáp ứng những yêu cầu đặt ra như thế. Như HLV Troussier đã từng than thở: "Cầu thủ Việt Nam chỉ đáp ứng cường độ cao trong chừng 60 phút". Bởi để chơi theo cách ông Troussier mong muốn, các cầu thủ cần có tư duy chiến thuật, kỹ thuật cơ bản và thể lực đều ở mức rất tốt. Mọi thứ từ lý thuyết đến thực tế vênh nhau như thế.

Ở V-League, phần lớn các cầu thủ không chơi kiểm soát bóng, nhưng lên đội tuyển lại phải chơi theo lối chơi này, như thế thì khó mà huấn luyện thuần thục trong thời gian ngắn. Khi ra trận luôn luôn bị lúng túng với các đối thủ chơi dồn dập dẫn đến rối bời, áp lực và mắc sai lầm không thể tránh khỏi. Mà V-League lâu nay giống như một cỗ xe chỉ quen chạy "tà tà" trong phố, nay vận hành theo hệ thống thi đấu quốc tế đã thấy "trục trặc" ngay giống như kiểu "chết máy" trên cao tốc.

Chúng ta phải làm song song, đồng bộ, chỉn chu, căn cơ từ công tác đào tạo trẻ, chỉnh đốn từ V-League theo đường hướng thay đổi đặt ra trong một mục tiêu, lộ trình mang tính tổng thể, thống nhất. Một guồng máy phải được vận hành trơn tru, không nên làm theo cách "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

* Theo ông, nếu chia tay ông Troussier thì đâu là tiêu chí hàng đầu nếu chúng ta tiếp tục chọn một HLV ngoại cho bóng đá Việt Nam?

- Bóng đá Việt Nam muốn thay đổi lối chơi để tiến lên, tiến xa thì ngay lúc này cần phải tìm một HLV phù hợp, ông Troussier rõ ràng không hợp với bóng đá Việt Nam mặc dù có thời gian làm việc đủ dài.

Tiêu chí rất quan trọng khi tuyển HLV ngoại luôn là: Am hiểu bóng đá Việt Nam và bóng đá Đông Nam Á. Sự hiểu biết có vai trò vô cùng quan trọng, bởi nhiều khi hữu ích còn hơn cả vấn đề chuyên môn. Vị HLV đó phải được trải nghiệm bóng đá Đông Nam Á ở cấp đội tuyển quốc gia. Trên bản đồ bóng đá thế giới, bóng đá Đông Nam Á có những đặc thù riêng, là "vùng trũng" nên cần sự am hiểu tường tận như thế.

* Từ thực tế hiện nay cũng cho thấy khát vọng World Cup của bóng đá Việt Nam "gần mà xa" phải không thưa ông?

- Thành công trong 5 năm dưới thời HLV Park Hang Seo khiến nhiều người quên đi thực tế rằng, nền tảng bóng đá Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để làm nên chuyện. Ví dụ bây giờ, châu Á có 8,5 vé dự World Cup, muốn cạnh tranh sòng phẳng tấm vé đó, đội tuyển Việt Nam phải có mặt thường xuyên, liên tục trong nhóm 10 ĐTQG mạnh nhất châu lục.

Chúng ta không dễ chinh phục giấc mơ này nếu chúng ta không có sự chuẩn bị cũng như thực lực. Cho dù lúc này, bóng đá Việt Nam có mời được những HLV đẳng cấp hàng đầu thế giới không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ dự World Cup được ngay. Vẫn có câu "có bột mới gột nên hồ", chất liệu trong tay chúng ta chưa đủ, chưa ngon để làm được điều đó.  Đây là một hành trình rất dài và còn lắm gian truân.

* Trân trọng cảm ông về cuộc trò chuyện!

"Tôi cũng xin được phép chia sẻ thẳng thắn, đầy tâm huyết thế này: khi mà cái "tôi" của người làm nghề quá lớn thì rất khó để mà làm việc. Ở đây, HLV đến với bóng đá Việt Nam trên vai trò một người làm nghề, làm chuyên môn chứ không phải trên tư cách của một người đi "truyền đạo" bóng đá. Thay đổi là tốt trong bối cảnh bóng đá Việt Nam có dấu hiệu "đứt gãy" trên nhiều phương diện.

Tuy nhiên, mọi thay đổi đều phải có lớp lang, đan xen và "gối vụ", phải tôn trọng nền móng đã có. Để xây dựng một ĐTQG, bất cứ một HLV nào cũng phải nghĩ đến tính kế thừa. HLV người Nhật, ông Masatada Ishii (ảnh), đang làm tốt tính kế thừa khi nắm đội tuyển Thái Lan. Với một thời rất ngắn cầm quân, nhưng HLV Masatada Ishii vừa làm, vừa kế thừa, cái gì chưa tốt sẽ điều chỉnh".


Trần Tuấn (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm