Chuyên đề 'Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic': Dấu hỏi từ cầu lông

01/04/2025 06:58 GMT+7 | Thể thao

Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vô địch đôi nam ở giải Vietnam International 2025 thuộc hệ thống Challenger nhờ công của đôi Đình Hoàng – Đình Mạnh hạng 136 thế giới sau khi vượt qua cặp VĐV hạng 80 thế giới của Nhật Bản. Thành tích này một lần nữa đặt lại vấn đề: Vì sao cầu lông Việt Nam không thể vươn tầm thế giới?

Đặt lại câu hỏi ấy lúc này không thừa, khi làn sóng pickleball đang "càn quét" mọi sự chú ý dành cho các môn dùng vợt. Tennis đang chịu sự phân hóa mạnh mẽ và cầu lông có thể là "nạn nhân" kế tiếp của pickleball, thậm chí còn nặng nề hơn cả quần vợt khi có sự tương đồng với pickleball về cơ sở vật chất thi đấu, yếu tố phong trào, phân khúc người chơi, mà lại còn đang trong tình trạng "mãi không phát triển được".

Cũng từ môn cầu lông mà có người đã nhận định pickleball khó phát triển xa. Nói cách khác, cầu lông là một "ví dụ không mong muốn" cho các trường hợp sở hữu nhiều lợi thế nhưng lại không thể vươn tầm. Đây là môn chơi gần như nằm trong sự thống trị của châu Á. Tốp 30 các tay vợt, đội tuyển mạnh trên thế giới thì 2/3 đến từ châu Á. 1/3 còn lại đến từ các châu lục khác, thì phần lớn cũng là CĐV có gốc lục địa vàng. Điều đáng nói hơn, phân nửa trong tốp 30 đến từ các quốc gia Đông Nam Á.

Đáng tiếc là cho đến nay, chưa có một cách đặt vấn đề thật sự xứng tầm về sự phát triển quá chậm của cầu lông Việt Nam, kể cả trong thời điểm mà Nguyễn Tiến Minh vươn lên hạng 5 IBF. Tại sao một môn thể thao có nguồn gốc Đông Nam Á, phù hợp với thể chất, lượng người chơi phong trào cực kỳ đông, đã phát triển rộng đều trong môi trường học đường, đầu tư không quá lớn, vậy mà không có bất kỳ chiến lược cụ thể nào có tính đột phá.

Chuyên đề "Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic": Dấu hỏi từ cầu lông - Ảnh 1.

Tuyển thủ cầu lông Lê Đức Phát thi đấu ở Olympic Paris 2024. Ảnh: Hoàng Linh

Đáng chú ý hơn, từ năm 2011 đến nay, Liên đoàn cầu lông Việt Nam gần như giữ đúng một cơ cấu lãnh đạo. Ông Lê Đăng Xu ngồi ghế Chủ tịch Liên đoàn suốt 5 nhiệm kỳ kéo dài 20 năm qua, tức là ở giai đoạn thăng hoa nhất của cầu lông Việt Nam. Lẽ ra, sự ổn định ấy trên thượng tầng sẽ giúp cho cầu lông có được chiến lược đầu tư dài hạn cho công tác đào tạo, ví dụ như một Học viện cầu lông cấp cao chẳng hạn. Hồi năm 2023, có nhiều fanpage giả mạo đã đăng tuyển đào tạo và cấp bằng VĐV cao cấp khiến Liên đoàn cầu lông phải trải qua một phen đính chính vì họ không hề có cơ sở đào tạo nào cả.

Hiện nay, mỗi năm cầu lông Việt Nam có 3 giải quốc tế cấp độ 2 (challenger) cùng 13 giải đấu dành cho các tay vợt chuyên nghiệp. Số lượng giải như vậy là không ít nhưng mức độ phổ biến và yếu tố thương mại lại không nhiều.

Nếu đặt cầu lông cạnh sự phát triển chóng mặt của pickleball hiện nay, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt giữa 2 môn thể thao vốn khá gần nhau về tính chất và người chơi. Bản thân Liên đoàn cầu lông dù hoạt động hiệu quả nhưng bộ máy lại kiêm nhiệm, nên buộc phải nâng số lượng ủy viên từ 15 đến 21 người ở nhiệm kỳ 2024-2029 để có người làm việc thực thụ, chuyên trách.

Bài học từ pickleball cho thấy cầu lông Việt Nam không thể cứ ở trong tình trạng "cứ từ từ". Khác với quần vợt, nơi yêu cầu rất cao về thể hình lẫn tài chính công nghệ đào tạo, cầu lông là môn thể thao tiêu chuẩn Olympic để được đưa vào nhóm môn trọng điểm, có yếu tố nhà nghề cao và thực tế cũng cho thấy VĐV có đủ năng lực để vươn tầm.

Mọi thứ đang "tắc" ở khâu đầu tư, và nếu không có gì thay đổi một cách đặc biệt thì về lâu về dài, cầu lông sẽ lại bị pickleball "đè bẹp". Điều đó chưa hẳn sẽ mang đến tương lai tốt đẹp bởi trong trường hợp pickleball phát triển nóng nhưng không đi đến đâu, thì thể thao sẽ "mất" cùng lúc 2 môn chơi phù hợp để tính chuyện lâu dài.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm