Nước Mỹ bắt đầu tưởng niệm 10 năm sự kiện 11/9

10/09/2011 20:50 GMT+7 | Trong nước

Đối với những người Mỹ, ngày 10/9 này là ngày bắt đầu tuần lễ tưởng niệm 10 năm các vụ khủng bố kinh hoàng khiến gần 3.000 người thiệt mạng và làm sụp đổ Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) - từng là biểu tượng kinh tế của siêu cường lớn nhất thế giới.
 

Một người lính cứu hỏa đứng chào trong lễ tưởng niệm lần thứ 9 vụ tấn công khủng bố 11/9 (Ảnh: AP).

Lễ tưởng niệm sự kiện đã trôi qua đúng một thập kỷ được bắt đầu bằng những bài phát biểu khơi lại lòng yêu nước, tình đoàn kết của người dân Mỹ, các buổi cầu nguyện cho những người đã chết trong ngày 11/9/2001 và cả trong các cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động kể từ ngày đó.

Nhưng bao trùm lên dịp lễ tưởng niệm năm nay là nỗi hoang mang, lo lắng và cả sự cảnh giác cao độ của người Mỹ trước mối đe dọa bị tấn công khủng bố hiện hữu song chưa được kiểm chứng.

Lễ tưởng niệm được bắt đầu vào trưa 10/9 tại Shanksville thuộc bang Pennsylvania với sự có mặt của cựu Tổng thống George W. Bush và Phó Tổng thống Joseph Biden. Mười năm trước, thành phố ở bang miền Đông nước Mỹ này là nơi đã chứng kiến chiếc máy bay thứ 4 bị bọn không tặc khống chế rơi xuống một đồng cỏ và nổ tung làm 37 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
 
Trước khi tham dự buổi lễ tưởng niệm tại nhà thờ Saint Patrick nằm cách Khu vực số 0 (Ground Zero) khoảng 100 mét, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ (DHS), bà Janet Napolitano, kêu gọi tất cả người dân Mỹ luôn cảnh giác trước nguy cơ khủng bố, đồng thời cam kết "bảo vệ người dân Mỹ khỏi mối đe dọa khủng bố có thể xuất hiệt trong dịp này và cả trong tương lai."
 
Chi tiết về mối đe dọa này vẫn còn quá ít và không cụ thể, song kênh truyền hình CNN ngày 9/9 cho biết các mạng lưới điệp viên, an ninh Mỹ đã được cảnh báo sau khi có những thông tin tình báo đáng tin cậy từ Pakixtan nói rằng các phần tử khủng bố đang âm mưu đánh bom xe tại thủ đô Washington hoặc New York trong dịp 11/9.

Không có thông tin nào về khả năng xảy ra đánh bom vào hệ thống tàu điện ngầm và tàu khách, mặc dù trước đây mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda từng thể hiện ý đồ tấn công vào các hệ thống giao thông này. Kế hoạch tấn công vào hệ thống tàu điện được phát hiện khi lực lượng biệt kích Mỹ đột nhập vào nơi trú ẩn của trùm khủng bố Osama bin Laden tại Pakistan hồi tháng 5 vừa qua (Al-Qaeda đã tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của bin Laden).
 
Tuy vậy, để đảm bảo an ninh, cảnh sát New York đã được bổ sung lực lượng để tăng cường các hoạt động tuần tra, lục soát, kiểm tra bất ngờ hành lý hay túi xách tại các nút giao thông xe tải ra vào thành phố, các tuyến tàu điện ngầm và đường sắt, cũng như tăng cường giám sát các cây cầu, đường hầm, các công trình và tòa nhà lớn.

Trong dịp này, Tổng thống Barack Obama có kế hoạch tham gia một buổi hoạt động từ thiện ở Washington, trước khi tham dự các buổi lễ tưởng niệm chính thức tại 3 địa điểm từng chứng kiến thảm kịch 11/9/2001. Các vụ khủng bố đẫm máu này cho đến nay vẫn khiến nước Mỹ phải chịu mất mát lớn về tinh thần lẫn vật chất.
 


Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, bản tin của truyền hình CBS ngày 9/9 đưa tin để đối phó với vụ 11/9, nước Mỹ đã phải trả giá quá lớn cả về người và của. Phát biểu trên chương trình "Early Show" của CBS, bà Neta Crawford, Giáo sư khoa học chính trị Đại học Boston, cho biết trong 10 năm qua, dưới danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố, nước Mỹ đã tiêu tốn khoảng 2.300 tỷ USD và con số này còn tiếp tục gia tăng, có thể lên tới 4.000 tỷ USD.

Trong số 2.300 tỷ USD đã chi cho tới nay, riêng số tiền chi cho 2 cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq là 1.300 tỷ, trong đó chi riêng cho chiến trường Iraq là hơn 800 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với con số ước tính từ 50-60 tỷ USD của chính quyền George W. Bush khi phát động cuộc chiến này.
 
Cái giá phải trả về người còn lớn hơn. Theo Giáo sư Crawford, cho tới nay, số lính Mỹ và đồng minh bị thiệt mạng trong 2 cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đã lên tới hơn 6.000 người cộng với gần 70.000 binh lính khác bị thương. Số thường dân ở Iraq và Afghanistan thiệt mạng ước tính hơn 180.000 người và theo thống kê của tổ chức "Iraq Body Count", con số người thiệt mạng tối thiểu có thể đã lên tới 400.000.
 
Ngoài gần 3.000 người thiệt mạng trực tiếp trong vụ khủng bố 11/9/2001, đến nay đã có 1.020 trong tổng số 40.000 người tình nguyện dọn dẹp đống đổ nát tại tòa tháp đôi ngày ấy bị chết do nhiều căn bệnh, chủ yếu là ung thư phổi.

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm