24/02/2025 07:00 GMT+7 | Thể thao
Chương trình truyền hình Tây Ban Nha El Chiringuito bình thường đã khá hỗn loạn và kỳ quặc. Nhưng cuối tuần qua, nó đã bước vào một cấp độ siêu thực mới khi bàn luận về sắc thái của những câu chửi thề bằng tiếng Anh.
Họ đã dành 2 giờ đồng hồ để tranh luận về chiếc thẻ đỏ của Jude Bellingham trong trận đấu giữa Real Madrid và Osasuna, khi tiền vệ người Anh bị truất quyền thi đấu vì chửi thề trọng tài Jose Luis Munuera Montero. Cuộc tranh luận không xoay quanh việc Bellingham có sử dụng từ ngữ tục tĩu hay không, mà là cách anh nói và dụng ý đằng sau câu nói đó.
Liệu, như Carlo Ancelotti lập luận, câu "F*** off" có nhẹ nhàng và ít xúc phạm hơn so với "F*** you" hay không? Các chuyên gia ngôn ngữ được mời đến, những cuộc tranh luận đầy nghiêm túc nổ ra, lông mày nhíu chặt, và tất cả mọi người đều đối xử với vấn đề này một cách cực kỳ hệ trọng. Trong một chương trình tổng hợp khác, những cụm từ gây tranh cãi này thậm chí còn được chạy dòng chữ trên màn hình như một bản tin nóng hoặc cập nhật tỷ số trận đấu.
Dù Bellingham thực sự đã nói gì hay ý định của anh ra sao, vụ việc này một lần nữa cho thấy mối quan hệ kỳ quặc của thể thao với ngôn ngữ tục tĩu, khi mà sự nhạy cảm về những câu chửi thề dường như đang ngày càng được nâng lên một cách cực đoan.
Chửi thề trong F1
Mùa giải F1 năm nay xuất hiện một quy định mới có thể dẫn đến việc trừ điểm vô địch nếu vi phạm quy tắc về "hành vi sai trái". Trong đó, chửi thề trong họp báo hoặc phỏng vấn cũng bị tính là vi phạm.
Hình phạt được áp dụng theo cấp độ: Lần đầu tiên vi phạm sẽ bị phạt 40.000 euro. Lần thứ hai sẽ tăng lên 80.000 euro. Lần thứ ba, số tiền phạt lên tới 120.000 euro, kèm theo án treo giò và bị trừ điểm. Điều này đồng nghĩa với việc chức VĐTG có thể được quyết định chỉ bởi một vài câu chửi thề, một kịch bản nghe có vẻ phi lý nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Một năm thi đấu nỗ lực có thể đổ sông đổ bể chỉ vì một vài từ "f***" hoặc "s***" buột miệng.
Max Verstappen, đương kim vô địch thế giới F1 và cũng là người thường xuyên văng tục trên sóng truyền hình, đã bày tỏ sự bức xúc về quy định này trong một cuộc họp báo: "Tôi nghĩ chúng ta nên tập trung vào những vấn đề quan trọng hơn, như cải thiện tính an toàn và hiệu suất của những chiếc xe, thay vì mất thời gian vào mấy thứ này. Nó hoàn toàn không cần thiết".
Jude Bellingham bị phạt 2 trận vì chửi thề
Chửi thề trong bóng đá
Năm 2004, Beckham đã nhận chiếc thẻ đỏ đầu tiên ở La Liga vì gọi trọng tài biên là "hijo de puta". Dịch theo nghĩa đen, cụm từ này có nghĩa là "con trai của một con đ*", nhưng trong ngữ cảnh văn hóa Tây Ban Nha, nó mang sắc thái xúc phạm nặng nề hơn nhiều so với ý nghĩa tương đương trong thế giới nói tiếng Anh.
Ở Manchester, Sir Alex Ferguson cũng nổi tiếng với những câu chửi thề. Dù thường chỉ sử dụng ngôn ngữ này trong phòng thay đồ - nơi "máy sấy tóc" của ông hoạt động mạnh mẽ nhất - nhưng đôi khi chúng vẫn bị rò rỉ ra ngoài công chúng.
Một trong những lần nổi tiếng nhất là vào năm 2001, khi Sir Alex tức giận với cánh báo chí vì họ chỉ trích bản hợp đồng đắt giá Juan Sebastián Verón. Ông đã mắng thẳng mặt các phóng viên với câu nói để đời: "Mấy người đúng là một lũ f***ing ngốc nghếch".
Tại Man City, Roberto Mancini đã có một trong những khoảnh khắc chửi thề hài hước nhất lịch sử bóng đá. Ngày cuối cùng của Premier League 2011-12, Man City cần thắng QPR để vô địch. Khi Jamie Mackie nâng tỷ số lên 2-1 cho QPR, Mancini đã mất kiểm soát, điên cuồng chạy quanh khu kỹ thuật và gào lên: "F*** YOU! F*** YOU! F*** YOU!". Ông có thể đang chửi các học trò, đội QPR, các trợ lý... vì đã phá hỏng ngày trọng đại của ông.
Chửi thề trong quần vợt và cricket
Serena Williams từng phải trả giá đắt vì một cơn nóng giận. Tại bán kết US Open 2009, cô đã cực kỳ bức xúc khi liên tục bị trọng tài bắt lỗi dẫm vạch giao bóng, đến mức quay sang mắng thẳng vào mặt trọng tài biên: "Thề với Chúa, tôi sẽ f***ing cầm quả bóng này và nhét nó vào tận họng của cô".
Hình phạt dành cho Serena Williams có thể xuất phát từ lời đe dọa hơn là ngôn ngữ tục tĩu, nhưng cô đã bị trừ 1 điểm - và đó lại chính là match point, trao chiến thắng cho Kim Clijsters đang sững sờ. Sau đó, Serena còn bị phạt 10.500 USD.
Nhìn chung, các VĐV có thể bị phạt vì "lời nói tục tĩu có thể nghe thấy" trên sân, và trong một số trường hợp, họ có thể bị xử thua ngay lập tức. Tại giải DC Open năm ngoái, Denis Shapovalov đã bị xử thua vì ném ra một từ F nặng nề nhằm vào khán giả trong trận gặp Ben Shelton.
Dù được coi là môn thể thao quý ông, cricket cũng có truyền thống chửi thề lâu đời, chủ yếu dưới dạng "sledging" (tâm lý chiến, hay nói cách khác là trash talk). Một ví dụ điển hình là khi đội trưởng Australia Michael Clarke cảnh báo cầu thủ Anh Jimmy Anderson: "Hãy chuẩn bị cho một cánh tay f***ing gãy đi".
Dù vậy, nếu bị phát hiện chửi thề, các VĐV vẫn có thể bị phạt: Vài năm trước, tay vợt Australia Travis Head bị trừ 15% tiền thưởng trận đấu vì chửi thề trong lúc tự trách bản thân - thậm chí còn không nhắm vào đối thủ hay trọng tài.
Serena Williams bị loại ở bán kết US Open vì chửi thề và đe dọa trọng tài
Chửi thề - Một hình thức giải tỏa cảm xúc?
Mới đây, Nikola Katic của Plymouth Argyle bày tỏ niềm vui sướng sau chiến thắng trước Liverpool ở FA Cup, phát biểu trực tiếp trên ITV với một từ chửi thề mạnh. Người phỏng vấn Gabriel Clarke đã để yên, còn người dẫn chương trình trong studio vội vã xin lỗi. Các đài truyền hình không phải quá khắt khe về ngôn ngữ tục tĩu, mà đơn giản là vì họ sẽ bị cơ quan quản lý phạt nếu không làm vậy.
Vậy tại sao con người lại chửi thề? "Mọi người chửi thề chủ yếu là để giải tỏa cảm xúc" - Tiến sĩ Robbie Love, giảng viên cấp cao về Ngôn ngữ học Anh tại Đại học Aston, chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ tục tĩu, giải thích. "Để thể hiện sự thất vọng, giận dữ, bất ngờ hay niềm vui - bất kỳ loại cảm xúc mạnh mẽ nào".
Hơn thế nữa, đối với các VĐV, chửi thề thậm chí có thể giúp cải thiện thành tích thể chất. Không đùa đâu, nghiên cứu khoa học chứng minh điều này. Một bài tổng hợp nghiên cứu được xuất bản trên Frontiers in Psychology vào năm ngoái bởi ba học giả Mỹ và Anh - Nicholas Washmuth, Richard Stephens và Christopher Ballmann - đã chỉ ra rằng chửi thề có thể tác động đến phản ứng sinh lý, tâm lý và chịu đau, từ đó cải thiện hiệu suất thể thao.
Phân tích này đã mô tả các thí nghiệm trong đó người tham gia được yêu cầu thực hiện các bài tập thể lực, từ nâng tạ đến kiểm tra lực tay, sau đó làm lại sau khi đã chửi thề liên tục trong 10 phút. Kết quả đáng kinh ngạc: Thành tích của họ đều được cải thiện sau khi xả hết những lời lẽ cay nghiệt.
Liệu một cú chửi thề ngay trên sân có thể giúp cầu thủ kìm nén cơn tức giận thay vì lao vào đánh đối thủ? Có lẽ là không, nhưng nếu một tràng chửi đủ mạnh không đủ để ngăn bạn đấm ai đó, thì ít nhất nó cũng là một cách giải tỏa cảm xúc kín đáo hơn.
"Nó mang lại tính phủ nhận hợp lý nhiều hơn so với việc bạn bị hàng triệu người theo dõi và rồi thẳng tay đấm ai đó", tiến sĩ Love phân tích. "Bạn không thể chối cãi sau khi vừa đấm ai đó trước hàng triệu khán giả. Nhưng nếu tôi chỉ chửi thề, tôi có thể biện minh rằng mình không hề nói vậy".
"Văng tục ở cánh gà, nhưng hãy lịch sự trên sân"
Huyền thoại Brian Clough nhiều lần chửi thề sau cánh gà, nhưng ông không thích các CĐV văng tục trên khán đài. Để thể hiện quan điểm này, ông đã treo một tấm biển lớn trên sân nhà của Nottingham Forest, với dòng chữ: "Quý ông, làm ơn đừng chửi thề – Brian".
Khi có tin đồn Clough có thể trở thành HLV trưởng tuyển Anh, các CĐV đã phản pháo bằng một tấm biển khác: "Brian, làm ơn đừng rời đi - Những quý ông".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất