Chùa Hương - kỳ quan của tạo hóa

16/02/2022 08:00 GMT+7 | Hồ sơ - Tư liệu

(Thethaovanhoa.vn) - Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của du khách thập phương, từ ngày 16/2/2022 (tức 16 tháng Giêng năm Nhâm Dần), Di tích quốc gia đặc biệt - quần thể Hương Sơn (chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chính thức đón khách đến tham quan sau một thời gian dài phải tạm dừng đón khách để phòng, chống dịch COVID-19.

Hà Nội: Bảo đảm an toàn cho du khách tham quan chùa Hương

Hà Nội: Bảo đảm an toàn cho du khách tham quan chùa Hương

Ngày 15/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng dẫn đầu Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra công tác tổ chức, chuẩn bị đón khách về tham quan, lễ Phật tại Khu Di tích - Thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương).

Chùa Hương sẵn sàng cho ngày đón khách chính thức   

Trước ngày mở cửa, không khí tại chùa Hương luôn hối hả với nhiều hoạt động chuẩn bị cho ngày di tích mở cửa trở lại. Ngay từ lối vào di tích đến dọc suối Yến hay xung quanh các điểm thờ tự, người dân tất bật chỉnh trang quán xá, sắp đặt hàng hóa, kiểm tra thuyền đò, vệ sinh khu vực, sẵn sàng đón khách tham quan, chiêm bái.     

Chuẩn bị các điều kiện đón tiếp khách khi di tích mở cửa trở lại, trong đó có việc ngăn chặn tối đa nguy cơ về dịch COVID-19, UBND huyện Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức đón khách về tham quan trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đi kèm với đó là phương án riêng cho bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại khu di tích.   

Chú thích ảnh
Du khách đi lễ chùa Hương ngày Tết Nguyên tiêu. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Theo Trưởng ban Quản lý Khu di tích-thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển, Ban quản lý đã bố trí lực lượng an ninh, trật tự tại các điểm chốt với 4 kíp (mỗi kíp từ 8-10 người) luân phiên túc trực 24/24 giờ để nhắc nhở du khách thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch. Các điểm chốt cũng được bố trí đầy đủ phiếu khai báo y tế, mã QR, dung dịch sát khuẩn…   

Tại các điểm thờ tự, cũng có lực lượng hướng dẫn du khách thực hiện các quy định về thời gian, cách thức tiến hành nghi lễ và di chuyển bảo đảm giãn cách… Ngoài ra, di tích quy định vệ sinh, khử khuẩn và xử lý rác thải tại khu vực cổng vào, nơi bán vé, điểm thờ tự, bến xe, nhà vệ sinh… 3-4 lần/ngày, đồng thời, bố trí 2 phòng cách ly y tế dự phòng, xuồng y tế thường trực để xử lý các tình huống phát sinh.   

Cũng theo ông Nguyễn Bá Hiển, các giải pháp tuyên truyền, vận động sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua hệ thống pano, áp phích, truyền thanh và loa cầm tay. Các phương tiện hoạt động trong khu vực di tích phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Người điều khiển phương tiện phải yêu cầu du khách luôn đeo khẩu trang, không nói to, cười đùa; để rác đúng quy định.

Các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với những khách lưu trú, đồng thời thường xuyên vệ sinh khử khuẩn không gian. Các cơ sở ăn uống bố trí vách ngăn tại bàn ăn, khuyến khích khách ăn theo suất riêng, sử dụng vật dụng dùng một lần. Khu vực cáp treo thực hiện phun khử khuẩn trước mỗi lần đón khách lên; có bố trí dung dịch sát khuẩn trong ca bin, yêu cầu khách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế nói chuyện…   

Cơ quan công an cũng đã tiến hành kiểm tra tình trạng vận hành hoạt động của các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, công tác thường trực bảo vệ của lực lượng tại chỗ của khu di tích; kiểm tra việc xây dựng các phương án bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên về trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, tiếp tục tổ chức, đôn đốc kiểm tra việc chấp hành các điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở hoạt động tại chùa Hương, nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho khu di tích cũng như du khách khi đến tham quan.

Chú thích ảnh
Động Hương Tích trước ngày đón khách trở lại. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Chùa Hương - kỳ quan của tạo hóa   

Hương Sơn (chùa Hương) là một quần thể di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng thuộc ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hương Sơn là một quần thể văn hóa-tôn giáo gồm 21 ngôi chùa, động thờ Phật, đền thờ Thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa và gắn liền với Phật giáo Đạo tràng, nơi tu hành đắc đạo của Bồ Tát Quán Thế Âm (thường gọi là Bà Chúa Ba). Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) được xây dựng từ đời Lê Thánh Tông (1442-1497), đã trải qua 11 đời Tổ sư.   

Nơi đây không chỉ nổi tiếng với động Hương Tích, Hinh Bồng, chùa Thiên Trù, Thanh Sơn, Tuyết Sơn… xen lẫn với rừng núi, hoa lá cỏ cây mà còn được tôn vinh bởi Hương Sơn nằm trong cái nôi văn hóa đặc sắc, với các phong tục, nếp sống sinh hoạt đặc trưng của làng quê Việt Nam.   

Hương Sơn nổi tiếng với các di tích Phật giáo. Tháp Chân Tịnh là một công trình kiến trúc Phật giáo trong khuôn viên chùa. Tháp có cấu trúc 3 tầng mái cao 8,5m, lắp ghép hoàn toàn bằng đá xanh, với 53 tảng đá lớn nhỏ (có tảng đá nặng tới 2,5 tấn) được khai thác, sơ chế từ núi Nhồi, tỉnh Thanh Hóa. Việc xây dựng tháp hoàn toàn theo phương pháp cổ: các viên đá lớn nhỏ đều có mộng, cá khi lắp ráp vào là chồng khít lên nhau, không dùng vôi vữa…   

Hương Sơn còn có một bề dầy lịch sử đáng tự hào, đó là lịch sử hoạt động của nghĩa quân chống Pháp; lịch sử cách mạng và kháng chiến; một địa điểm khảo cổ học; một vùng quê có truyền thống cần cù, dũng cảm; một vùng rừng núi ở giữa là đồng bằng, với nhiều đặc sản quý...   

Điểm đến đầu tiên của hành trình trẩy hội chùa Hương là đền Trình hay còn gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ, một ngôi đền nhỏ nằm dưới chân núi bên bìa phải của dòng suối Yến, cách bến đò khoảng 500m. Tiếp đến là chùa Thiên Trù. Chùa có kết cấu hài hòa từ tam bảo, tiền đường đến nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, nhà khách… Đứng giữa sân chùa có thể cảm nhận được sự tráng lệ, kỳ vĩ của cảnh chùa, núi non.   

Từ chùa Thiên Trù rẽ phải là hành trình đến động Hương Tích. Lối lên động quanh co, được phủ trắng bởi hoa đại. Nhìn từ bên ngoài, động như một cái hàm rồng khổng lồ, thênh thang và sâu hun hút. Ngay chính giữa động là hòn thạch nhũ lớn có tên là Đụn gạo. Tưởng như người xưa đã đem những thứ, như: lợn mẹ, lợn con, đụn rơm, đụn gạo, quả bòng trái bưởi, cây bạc, cây vàng, khánh đá, cà sa nhũ Phật… vào hang động để thưởng ngoạn, và cất giữ muôn đời cho con cháu. Lại có dòng sữa mẹ ngày đêm tí tách rơi nhỏ giọt, làm cho không khí trong hang lúc nào cũng mát lạnh. Không khí mát lạnh cùng với những nhũ đá “long lanh như gấm dệt” làm cho Hương Sơn xứng tầm với tên gọi “kỳ quan” của tạo hóa.   

Chùa Giải oan cũng là một trong những địa điểm đáng chú ý trong quần thể Hương Sơn. Chùa được dựng ở lưng chừng núi Long Tuyền. Trước chùa có suối chín nguồn gọi là suối Giải oan. Trong chùa có một giếng nước trong vắt, quanh năm không bao giờ cạn. Tương truyền đây chính là nơi đức Bồ Tát Quan Âm Diệu Thiện đã dùng để tẩy sạch bụi trần trước khi vào cõi Phật.   

Tạo hoá đã khéo bày đặt ở vùng này một sự hài hoà giữa núi non sông nước và con người đã thổi hồn vào những điều kỳ diệu đó, làm cho chúng thêm sinh động, đa sắc màu. Chính điều đó đã tạo nên một nét văn hoá của dân tộc Việt Nam, đó là nét văn hoá tín ngưỡng đạo phật. Trải qua nhiều thế kỷ nó đã in đậm trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam chúng ta khi đi trẩy hội chùa Hương.   

Với những giá trị tiêu biểu, quần thể danh thắng chùa Hương đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định 2082/QĐ-Ttg ngày 25/12/2017.

Phương Phương/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm