Sau lụt chưa xuất hiện bệnh tả, cẩn thận với viêm gan virut E

11/11/2008 11:50 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) -  Hôm qua 10/11, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh tại khu dân cư Thường Tín (Hà Nội). Nhiều dịch bệnh như tả, sốt xuất huyết, ngoài da, đau mắt đỏ có nguy cơ bùng phát nếu không có những giải pháp tích cực ngay từ khi nước bắt đầu rút sau cơn “đại hồng thủy”.


Khơi thông dòng chảy trên sông Sét, đoạn chảy qua quận Hoàng Mai

Theo ông Lê Anh Tuấn - GĐ Sở Y tế Hà Nội, Ban Quân Y TP Hà Nội và Cục Quân Y Bộ Quốc phòng đã cử 12 tổ y tế cơ động đến 4 huyện còn ngập lụt ở phía tây Hà Nội là Mỹ Đức, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Oai để khám, chữa bệnh cho người dân.  Sở Y tế cũng đã cấp 2.000 cơ số thuốc (trị đau mắt, nước ăn chân, cảm sốt…); 6 tấn cloramine B cho 4 huyện trên. Cũng theo ông Tuấn, sau ngập lụt, số người mắc sốt xuất huyết có gia tăng, nhưng số mắc sốt siêu vi  tăng cao hơn, số trường hợp rối loạn tiêu hóa cũng đã xuất hiện rải rác, trong đó có một số ca nghi tả nhưng xét nghiệm khẳng định hiện chưa có dịch tả tại Hà Nội.

Cùng ngày, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết,  dịch tiêu chảy cấp vừa xuất hiện trở lại tại Hà Tĩnh sau hai lần xảy ra cuối năm 2007. Trong 4 ngày qua, đã có 13 trường hợp mắc tiêu chảy cấp,  trong đó 4 trường hợp đã được Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ xét nghiệm xác định dương tính với vi khuẩn tả. Các bệnh nhân này thuộc xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Hiện tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập ban chỉ đạo chống dịch và đang tổ chức dập dịch. Ông Nguyễn Huy Nga nhận định, thói quen ăn đồ hải sản tươi sống, trong khi mầm phẩy khuẩn tả vẫn tồn tại ngoài môi trường, có mặt trong nguồn nước sông chính là nguyên nhân làm dịch bệnh nảy sinh.

Được biết, trong ngày 9/11, các đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến các địa phương bị ngập nặng như Hà Tĩnh, Ninh Bình… để đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh.

Huy động tối đa lực lượng diệt khuẩn

49 điểm dân cư ở ngoại thành Hà Nội còn úng ngập. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội, đến tối 10/11, trong khu vực nội thành không còn điểm dân cư nào bị úng ngập; tuy nhiên ở khu vực ngoại thành hiện còn 49 điểm dân cư còn bị ngập sâu trên 0,5m, chia cắt với các vùng khác. So với ngày 9/11 trước đó đã giảm được 2 điểm dân cư bị úng ngập thuộc huyện Mê Linh và huyện Ba Vì.
Huyện Chương Mỹ là địa phương bị ngập nặng nhất, còn tới 24 điểm dân cư bị úng ngập sâu từ 0,5-2,5m. Tiếp đó là huyện Thanh Trì còn 5 điểm bị ngập, trong đó có 2 điểm bị ngập sâu từ 1,0-1,2m là thôn Thượng Phúc, Siêu Quần- xã Tả Thanh Oai. Các huyện Mê Linh, Ba Vì, Hoài Đức, mỗi nơi còn 2 điểm khu dân cư bị ngập có độ sâu từ 0,5-1,5m. Ở các địa phương chỉ còn 1 điểm ngập ở khu dân cư với độ sâu từ 0,5-0,8 m là TP Hà Đông, huyện Thạch Thất và huyện Thường Tín.
Hai trạm bơm Yên Sở và Đông Mỹ trong khu vực nội thành vẫn đang tiếp tục bơm nước ra sông Hồng. Ở khu vực ngoại thành có 270 trạm bơm với 1.163 máy bơm đang bơm nước ra sông Hồng, sông Đáy, sông Cà Lồ, sông Nhuệ và sông Ngũ Huyện Khê.
L.Đ

Cũng theo ông Lê Anh Tuấn, các đoàn thanh tra, giám sát công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh của ngành Y tế Hà Nội vẫn hàng ngày kiểm tra những địa bàn đang còn ngập úng. Phường Vạn Phúc, Phúc La của Hà Đông và Phúc Đồng, Phúc Lợi của Long Biên rất nhiều điểm nước ngập đang còn ở mức 40 - 70mm. Tại đây, các đoàn kiểm tra đã trực tiếp hướng dẫn người dân cách pha hóa chất khử khuẩn nguồn nước bẩn, tuyên truyền những nội dung phòng bệnh, ăn uống bảo đảm vệ sinh. Máy phun hóa chất sát khuẩn của trung tâm Y tế dự phòng hai quận trên cũng đã được huy động ở mức cao nhất.

Về cơ số thuốc phòng bệnh, riêng quận Hoàng Mai - nơi bị ngập úng nặng nhất, Sở Y tế đã cấp phát 1.500 cơ số thuốc, mỗi cơ số thuốc trị giá 40.000 đồng, gồm thuốc chữa đau mắt, da liễu, kháng sinh... Hoàng Mai sẽ được cấp thêm 1.500 cơ số thuốc trong một, hai ngày tới. Các quận Long Biên, huyện Mê linh cũng đã được cấp từ 200 - 500 cơ số thuốc chuyên dùng phòng những bệnh thông thường, đặc biệt là rối loạn tiêu hóa. Hiện, Sở Y tế đang đóng gói  dự trữ khoảng 10.000 cơ số thuốc để sẵn sàng cấp phát nếu có dịch bệnh bùng phát. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, chưa có dịch bệnh lớn xảy ra, ngoài hơn 100 trường hợp sốt xuất huyết và một số ca tiêu chảy.

Theo Chánh thanh tra Sở Y tế Nguyễn Việt Cường, hiện nay đã có 2 xã mới vừa rút nước hết, chỉ còn 5 xã vẫn còn ngập nước. Tại xã Khương Hà (thôn Đan Nhiễm - Từ Liêm) là còn ngập lụt nặng. Nhưng tại đây, chính quyền địa phưong đã kết hợp với Sở Y tế Hà Nội tiến hành cấp phát thuốc, nước sạch cho người dân. Cũng theo ông Cường, hiện chưa xảy ra dịch bệnh nào trên địa bàn Hà Nội. Công tác phòng chống dịch vẫn được triển khai tích cực và cơ số thuốc phòng chống dịch luôn sẵn sàng.

Cẩn thận bệnh viêm gan virus E sau lụt

Các địa phương ngập lụt nặng cần nhanh chóng làm vệ sinh môi trường

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu vừa có công điện khẩn gửi tới UBND TP Hà Nội và các tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc đề nghị khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau ngập lụt, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bộ đề nghị các cấp, các ban/ngành, đoàn thể triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn nhân dân xử lý nước thải sinh hoạt, an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý rác thải, xác súc vật chết. Các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng duy trì thường trực đội cơ động chống dịch 24/24 giở, sẵn sàng xử lý khi có mầm dịch; kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch tại các vùng trọng điểm ngập lụt; đảm bảo hóa chất thiết yếu cho phòng chống dịch và thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Nếu hết cơ số thuốc phải báo ngay cho Bộ Y tế để chi viện. Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền cho nhân dân về các biện pháp vệ sinh môi trường phòng chống dịch trong và sau lụt.
L.Đ

Theo BS Nguyễn Đức Khiên, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, BV Quân đội 108, viêm gan virus E là một bệnh lây lan qua thức ăn, nước uống và có liên quan mật thiết với môi trường sống xung quanh chúng ta, đặc biệt là mùa mưa lũ. Bệnh viêm gan E có thể gặp ở bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là các nước vùng nhiệt đới đặc biệt là những nước vệ sinh môi trường kém, mưa lũ thường hay xảy ra. Viêm gan virus E không nguy hiểm như viêm gan A và B nhưng cũng sẽ gây chứng viêm gan tối cấp.

Lý do virus viêm gan E có trong phân, rác, nước thải khi mưa lũ về làm tràn ngập các vùng đất bẩn có chứa các vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virus viêm gan A, E. Từ nước, virus bám vào thức ăn như rau, thực phẩm (do dùng nước sông, ao hồ để rửa), nước uống. Khi ăn, uống phải loại thức ăn, nước uống đó sẽ lâm bệnh. Tuy vậy mắc bệnh viêm gan virus E chỉ chiếm một tỷ lệ dưới 10%, nhưng điều đáng nói ở đây là bệnh dễ dàng trở thành ác tính, có tỷ lệ tử vong khoảng 0,5-4%. Khi môi trường xung quanh không bảo đảm vệ sinh, đặc biệt là trong và sau lũ lụt thì khả năng mắc bệnh viêm gan E của người dân sống trong các vùng đó rất dễ dàng xảy ra.

BS Khiên cũng cho biết thêm, bệnh viêm gan virus E liên quan mật thiết với vệ sinh môi trường đặc biệt là sau lũ lụt. Bệnh viêm gan E hiện nay chưa có vaccin dự phòng. Do vậy cần vệ sinh hoàn cảnh, vệ sinh môi trường thật tốt đặc biệt là trước, trong và sau mưa lũ; có biện pháp xử lý chất thải thật tốt.

Sau mữa lũ cần tu sửa lại các hố xí không để phân vương vãi, đặc biệt là các huyện miền núi, các vùng triền sông hay có lũ, lụt xảy ra. Xử lý nguồn nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Nguồn nước là ổ chứa vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virut viêm gan A và E. Vì vậy sau lũ lụt cũng như định kỳ cần thau rửa giếng khơi. Các nguồn nước ứ đọng như ao, hồ, cống rãnh cần được khơi thông. Cần có biện pháp khử khuẩn nguồn nước bằng cloramin đúng phương pháp (dưới sự hướng dẫn của cán bộ y tế). Không nên rửa rau, thực phẩm ở các sông suối, ao, hồ không hợp vệ sinh. Tuyệt đối không ăn rau sống, uống nước chưa đun sôi, kể các nước đá mà nguồn nước dùng chưa tiệt khuẩn.

Khánh Vân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm