Bí mật: Boeing 787 Dreamliner có thật sự an toàn để bay?

21/01/2013 10:27 GMT+7 | Trong nước


Nhà sản xuất máy bay Boeing đang khởi đầu một năm mới không mấy thuận lợi bởi cách đây vài ngày, Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã ra lệnh cấm cất cánh đối với "khách sạn bay" Boeing 787 Dreamliner do lỗi phát hỏa của pin Li-ion.

Mỹ hiện đang sở hữu 6 chiếc 787 trong biên chế phục vụ và tất cả sẽ phải ở yên dưới mặt đất kéo theo một loạt các chuyến bay quốc tế bị hủy hoặc thay thế bằng các máy bay khác cho đến khi vấn đề an toàn của 787 được đảm bảo. Song song với cảnh báo của FAA, hàng không các nước như Nhật, Ấn Độ và Chile cũng ban hành lệnh cấm tương tự.

Có thể nói, đây là một khởi đầu khá khó khăn đối với một trong những mẫu máy bay chở khách dân dụng mang nhiều hoài bão nhất, tốn nhiều chi phí nghiên cứu và phát triển nhất và "lùm xùm" nhất kể từ thời đại động cơ phản lực. Nhưng câu hỏi đặt ra là sau hàng loạt các trục trặc, liệu 787 Dreamliner có thật sự an toàn để bay hay không?

Boeing 787 Dreamliner.

Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta hãy nhìn lại quá khứ với một trong những chiếc máy bay phản lực phổ biến nhất từng được sản xuất - Boeing 737. Boeing 737 bắt đầu được sản xuất từ năm 1967 với hơn 5000 chiếc đã được giao cho các hãng hàng không trên toàn thế giới. Theo ước tính vào bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng có khoảng 1250 chiếc 737 đang hoạt động và trung bình mỗi 5 giây có 1 chiếc 737 cất hạ cánh. Hiện nay, tại Việt Nam, Jetstar Pacific là hãng hàng không duy nhất khai thác loại máy bay này với 5 chiếc Boeing 737-400 sản xuất năm 1994 - 1996.

Tuy nhiên, Boeing 737 cũng dính không ít "vết nhơ". Vào tháng 3 năm 1991, một chiếc Boeing 737-200 thuộc hãng hàng không United Airlines đã lao thẳng xuống đất khi đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Colorado Springs làm toàn bộ 25 người (20 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn) tử nạn. 3 năm sau, vào tháng 9 năm 1994, tai nạn tương tự xảy ra với một chiếc Boeing 737-3B7 của USAir khi đang tiếp cận đường băng 28R thuộc sân bay quốc tế Pittsburgh làm chết 132 người (127 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn).

Trong cả 2 trường hợp, thông tin từ hộp đen cho thấy phi công của 2 chuyến bay đã gặp phải tình trạng mất điều khiển đột ngột không thể giải thích. Mãi đến vụ tai nạn thứ 2 của USAir, Cơ quan an toàn vận tải quốc gia Hoa Kỳ (NTSB) mới tìm ra mối liên hệ giữa 2 chiếc máy bay xấu số, theo đó: mô-đun điều khiển bánh lái đuôi trên Boeing 737 đã bất ngờ hỏng hóc gây nên tình trạng mất kiểm soát. Bánh lái đuôi được điều khiển bởi PCU (Power Control Unit) và bên trong PCU là một cặp van servo giúp dẫn dầu thủy lực để di chuyển bánh lái. Khi dầu thủy lực nóng được bơm vào PCU - lúc này đang bị lạnh bởi nhiệt độ trên cao, hiện tượng sốc nhiệt xảy ra khiến van servo bị kẹt và thậm chí làm lệch hướng điều khiển bánh lái - trái thành phải/phải thành trái - so với chỉ thị của phi công.

Phi công hoàn toàn bất ngờ trước trạng thái đảo ngược của hệ thống điều khiển bánh lái và kết quả là máy bay bị mất kiểm soát, đảo lộn rồi đâm xuống đất. Sau khi kết quả điều tra cuối cùng được công bố, FAA đã yêu cầu thay thế PCU và tổ chức các khóa huấn luyện đặc biệt cho phi công để kiểm soát những tình trạng chuyển động bất thường của máy bay.

Boeing 737-400 của Jetstar Pacific.

Không chỉ thế hệ Boeing 737, Boeing 777 - người anh em gần nhất với Boeing 787 Dreamliner cũng gặp phải sự cố vào năm 2008. Cụ thể là một chiếc Boeing 777-236ER của hãng hàng không Bristish Airways đã va chạm khi đáp xuống đường băng tại sân bay London Heathrow sau hành trình từ sân bay quốc tế Bắc Kinh. May mắn là vụ tai nạn chỉ khiến 47 trong số 152 người (136 hành khách và 16 thành viên phi hành đoàn) bị thương, không ai tử vong.

Một lần nữa, vấn đề về kĩ thuật lại được nhắc đến đối với Boeing 777 bởi kết quả điều tra cho thấy nước đóng băng trong nhiên liệu đã gây tắt nghẽn hệ thống trao đổi nhiên liệu-dầu nhiệt (FOHE) của mỗi động cơ. Qua đó, băng tích tụ trong ống dẫn nhiên liệu đã gây cản trở dòng nhiên liệu bơm tăng cường vào động cơ khi cần lực đẩy trong quá trình hạ cánh. Có 3 hãng cung cấp động cơ cho Boeing 777 là Rolls-Royce, GE và Pratt & Whitney nhưng chỉ riêng phiên bản dùng động cơ Rolls-Royce mắc phải lỗi trên. Vì vậy, Rolls-Royce cuối cùng đã nhận trách nhiệm và cải tiến hệ thống FOHE.

Một chiếc Boeing 777-200 của Vietnam Airlines

Trên đây chỉ là vài ví dụ về sự cố của máy bay Boeing và Boeing không chỉ là hãng duy nhất bị chỉ trích. A320 - đối thủ cạnh tranh của Boeing 737 từ Airbus cũng mắc phải lỗi. Theo cáo buộc từ FAA và Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) năm 2010, Airbus phải sửa chữa một lỗi về hệ thống điện trên A320 có thể khiến toàn bộ các bảng khí cụ trong cabin tắt ngấm và radio ngưng hoạt động. Bên cạnh đó, người anh em lớn hơn của A320 là Airbus A330 cũng được yêu cầu nâng cấp ống Pitot - một thiết bị đo áp suất được dùng để xác định tốc độ máy bay. Sai sót về thiết kế của ống Pitot được xem là nguyên nhân chính gây nên vụ tai nạn thảm khốc và đầy bí ẩn của chuyến bay Air France Flight 447 trên biển Đại Tây Dương khi đang trên đường từ sân bay quốc tế Galeão, Brazil đến sân bay quốc tế Charles de Gaulle, Pháp năm 2009 làm 228 người thiệt mạng.

Không chỉ dừng lại ở đó, chiếc phi cơ khổng lồ 2 tầng Airbus A380 cũng gặp vấn đề về động cơ. Hồi tháng 3 năm ngoái, chiếc Airbus A380 của hãng hàng không Singapore Airlines chở 430 hành khách đã phải hạ cánh khẩn cấp khi đang trên đường tới Frankfurt, Đức. Phi công thông báo 1 trong 4 động cơ Rolls-Royce trang bị trên máy bay bất ngờ hỏng và sau 3 giờ trên không, chiếc máy bay cuối cùng đã hạ cánh an toàn với 3 động cơ còn hoạt động. Sự việc tương tự cũng xảy ra với chiếc máy bay A380 của hãng hàng không Emirates Airlines, UAE và phi công buộc phải quay trở lại Sydney chỉ sau 20 phút cất cánh. Ngoài ra, chiếc A380 của hãng hàng không Qantas Airways, Úc cũng bị phát hiện một vết nứt trên cánh và Airbus đã tiến hành thay thế các thanh nẹp bằng nhôm giúp gắn kết vỏ cánh và cấu trúc bên trong trên tất cả các máy bay A380.

Nếu đọc sơ qua vài trang đầu của bảng theo dõi các trục trặc hàng không The Aviation Herald thì sự thật là: các vấn đề đối với những chiếc máy bay thương mại đủ loại đều xảy ra hàng ngày. Rủi ro luôn rất cao đối với mỗi chuyến bay rời mặt đất và thật khó để có thể tìm ra một mẫu máy bay chưa từng trải qua quá trình nâng cấp và sửa lỗi để tăng cường tính năng an toàn.

Trở lại với Dreamliner, "giấc mơ bay" của Boeing được giới thiệu với những công nghệ mới và những đột phá về thiết kế. Đây là mẫu máy bay đầu tiên được chế tạo bằng vật liệu composite và hệ thống điều khiển thủy lực được thay thế bằng điện nhằm giảm bớt trọng lượng. Sản phẩm được chế tác bởi những kỹ sư hàng đầu thế giới và mặc dù được thử nghiệm liên tục trong suốt 1 thập kỷ, 787 vẫn không thể tránh khỏi những vấn đề dù là nhỏ nhất trên thực tế.

Vậy tại sao 787 phải đối mặt với nhiều áp lực truyền thông như những ngày gần đây? Một phần sai lầm chính là ở Boeing, Mỹ và các đối tác vận tải khi đã thu hút quá nhiều sự chú ý của giới truyền thông đối với Dreamliner trong suốt quá trình phát triển và phát hành. Dreamliner xuất hiện với một vầng hào quang chói sáng về những yếu tố "mới" và "khác biệt" so với các phiên bản tiền nhiệm. Tuy nhiên, có thể nói quyết định cấm bay tạm thời của FAA đối với Dreamliner rất không bình thường bởi từ trước đến nay, lệnh cấm bay chỉ được FAA ban hành với mẫu máy bay duy nhất là McDonnell Douglas DC-10.

McDonnell Douglas DC-10 trong biên chế của FedEx.

DC-10 là một mẫu máy bay 3 động cơ được sản xuất từ năm 1968 và đến 1989 thì ngưng hẳn với 386 chiếc được chuyển đến các hãng hàng không và 60 chiếc dùng cho không quân Hoa Kỳ. DC-10 được gọi là chiếc máy bay đầy tai tiến bởi kể từ khi đi vào hoạt động, đã có không dưới 10 vụ tai nạn liên quan đến DC-10. Sai sót kĩ thuật lớn nhất trên DC-10 là thiết kế cửa khoang hành lý và đây là nguyên nhân gây nên 2 vụ tai nạn máy bay: American Airlines Flight 96 vào tháng 6 năm 1972, tất cả 67 người trên máy bay may mắn thoát chết khi cửa khoang hành lý bị hở làm mất áp suất, phi công đã thực hiện cú hạ cánh thần kỳ trên sân bay Detroit Metropolitan Wayne County.

Không may mắn như American Airlines, vụ tai nạn của Turkish Airlines Flight 981 vào tháng 3 năm 1974 đã cướp đi sinh mạng của 346 người khi cửa khoang hành lý của DC-10 bị thổi bay chỉ sau vài phút cất cánh tại sân bay Orly, Paris. Ngoài ra, DC-10 cũng là chiếc máy bay trong vụ tai nạn hàng không tồi tệ nhất lịch sử Hoa Kỳ năm 1979 - American Airlines Flight 191 làm 271 người trên khoang và 2 người trên mặt đất thiệt mạng. Do sai sót trong khâu bảo trì, động cơ bên trái của DC-10 đã rơi khỏi máy bay trong khi đang cất cánh tại sân bay quốc tế O'Hare, Chicago khiến chiếc máy bay nghiêng sang trái và lao thẳng xuống đất chỉ sau 30 giây.

Pin Li-ion bị cháy trên chiếc 787 Dreamliner của Japan Airlines.

Boeing 787 mặt khác chưa từng gặp tai nạn nghiêm trọng nhưng tính đến nay đã có 3 trường hợp. Vào ngày 4 tháng 12, chiếc Boeing 787 của United Airlines đã phải hạ cánh khẩn cấp tại New Orleans; ngày 7 tháng 1 vừa qua, pin Li-ion cấp điện trên Boeing 787 của Japan Airlines đã bốc cháy sau chuyến bay từ Tokyo đến Boston; và vào ngày 16 tháng 1, chiếc 787 của All Nippon Airways cũng phải hạ cánh khẩn cấp tại miền Nam Nhật Bản khi khói bốc ra từ pin xộc vào cabin. Những cáo buộc gần đây liên quan đến độ an toàn của 787 xuất phát từ hệ thống pin Li-ion và có lẽ lệnh cấm sẽ được dở bỏ một khi Boeing khắc phục vấn đề.

Cũng giống như trường hợp của DC-10, sau khi thiết kế lại cửa khoang hành lý và thay đổi các thủ tục bảo trì, chiếc máy bay của McDonnell Douglas đã vượt qua khó khăn và ngày nay vẫn được nhiều hãng vận tải điển hình như FedEx sử dụng trong công tác vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, mọi chuyện chỉ mới bắt đầu đối với 787 Dreamliner và hy vọng sau giai đoạn sóng gió này, Dreamliner sẽ trở lại phục vụ và quan trọng nhất là trở thành mẫu máy bay chở khách an toàn nhất và thành công nhất trong lịch sử ngành hàng không theo như hoài bão của Boeing.

Theo The Verge/ Tinhte.vn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm