Chữ và nghĩa: 'Gôn' hay 'gốp'? Có cần 'trả lại tên cho em'?

28/07/2021 07:05 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như người Việt vẫn dùng từ "gôn" như cách gọi đã có từ bao năm nay. Tuy nhiên, không hiểu sao gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam khi đưa tin về môn thể thao này đều nhất loạt đọc là "gốp".

Chữ và nghĩa: Việt vị

Chữ và nghĩa: Việt vị

“Việt vị” là một trong những lỗi hay gặp nhất trong bóng đá. Tuy nhiên, khác với nhiều lỗi khác (lấy bóng không hợp lệ, chơi tiểu xảo, chơi bạo lực, để bóng chạm tay...) thì cầu thủ phạm lỗi có thể bị phạt (thẻ vàng hoặc đỏ).

Các từ điển tiếng Việt xưa nay cũng đưa từ này vào kho từ vựng với cách viết "gôn" từ lâu. Mục từ này trong Từ điển tiếng Việt mới nhất (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) giải thích như sau:

gôn d.

* [fr: goal] d. [kng] khung thành (VD: giữ gôn. Đồng nghĩa: cầu môn).

* [A: golf] d. môn thể thao ngoài trời, người chơi dùng cây gậy dài để đánh quả bóng nhỏ vào chín hay mười tám lỗ trên sân, có tính điểm.

Từ điển Bách khoa trực tuyến Wikipedia thì định nghĩa:

Golf, còn được viết là gôn (bắt nguồn từ từ tiếng Pháp golf /ɡɔlf/), là một môn thể thao mà người chơi sử dụng nhiều loại gậy để đánh bóng vào một lỗ nhỏ trên sân golf sao cho số lần đánh càng ít càng tốt.

Chú thích ảnh
Golf là một môn thể thao. Nguồn: Internet

Ta thấy, trong Từ điển tiếng Việt (đã dẫn) từ "gôn" (ở nghĩa 2) chỉ một môn thể thao (go to play golf). Nhưng khác với Từ điển tiếng Việt này, dẫn xuất xứ từ nguyên là tiếng Anh thì Wikipedia lại nói từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp (thực tế, môn thể thao golf bắt đầu có từ Scotland từ thế kỷ 15 nhưng người Pháp lại "nhanh tay" đưa nó vào từ điển của mình trước).

Về mặt chữ viết, đa số các ngôn ngữ hệ Latin đều thống nhất về cách viết (Anh: Golf, Pháp: Le golf, Tây Ban Nha: Golf..). Có đôi chút khác biệt ở vài ngôn ngữ khác (Bồ Đào Nha: Golfe, Nga: гольф). Lâu nay, người Việt vẫn đọc theo cách phát âm tiếng Pháp (là "gôn"). Người Nga cũng đọc gần như "gôn" /gol'f/.

Có lẽ VTV muốn lưu ý khán giả: Tên môn này theo tiếng Anh nên phải đọc theo âm Anh (là "gôp") mới đúng. Thực ra, theo cách viết thì tiếng Pháp và tiếng Anh như nhau (golf /ɡɔlf/). Chỉ có điều là khi ghép âm thành một âm tiết, người Pháp và người Anh có khác nhau trong việc lựa chọn tổ hợp phụ âm "lf". Trong khi người Pháp lấy phụ âm /l/, thì người Anh lại lấy phụ âm /f/ làm âm cuối (cho âm tiết /ɡɔlf/). Thành ra, người Pháp bỏ /f/ đọc "gôn" [ɡɔl], người Anh bỏ /l/ đọc "gop" [ɡɔf] ("gop" - chứ không phải "gôp").

Lấy nguyên ngữ làm căn cứ để khôi phục cách đọc gốc cũng là một cách giải quyết mang tinh thần ngôn ngữ học. Chẳng hạn, độc giả Việt Nam từng biết cuốn tiểu thuyết "El Ingenioso hidalgo Don Quijote de la Mancha" (Don Quijote, chàng quý tộc tài ba xứ Mancha) của văn sĩ người Tây Ban Nha - Miguel de Cervantes Saavedra (1547-1616) mà tên nhân vật chính lúc đầu được dịch sang tiếng Việt là "Đông Ki-sốt". Vì đây là cách phiên âm từ tiếng Pháp (Don Quichotte) trong khi tiếng Tây Ban Nha Don Quijote phải đọc là "Đôn Ki-hô-tê".

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không nhất thiết và bắt buộc làm như vậy. Như cách đọc "gôn" là thông dụng trong nhiều ngữ (trong đó có tiếng Việt). Hơn nữa, sự thay đổi này ảnh hưởng tới cách viết, cách đọc quá quen thuộc của tiếng Việt. Cũng bởi ngôn ngữ có những quy luật riêng, ngoài sự "hợp lý" lại cần đến sự "hợp thói quen" đã ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng. Cũng như chúng ta đã quá quen với cách đọc tên nhà văn Pháp là Vích-to Huy-gô mà đúng ra "Victor Hugo" phải đọc là Vích-to Uy-gô. Chúng ta quá quen với cách nói "ô kê" (OK) trong khi người Anh thường đọc là "âu-cây" [ou'kei]. Chúng ta đã quen cách gọi đồng hồ Pôn-dôt mà quên rằng từ này nguyên văn tiếng Nga là полёт (chuyển tự: poljot, đọc đúng trọng âm là pa-li-ôt)... Hay các từ Hán Việt, chúng ta đã quen với cách nói/viết "trụ sở" (đúng là: trú sở), "chung cư" (đúng: chúng cư), "thông qua" (đúng: thông quá), v.v…

Vì vậy, có nhất thiết cứ phải "trả lại tên cho em" để trả lại "sự công bằng" cho ngôn ngữ không? Theo tôi là không cần, chỉ gây rắc rối. Trường hợp chuyển "gôn" thành "gôp" là một ví dụ.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm