20/10/2021 07:08 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Giao tiếp trong giới trẻ hiện nay, đặc biệt trên mạng xã hội, thông qua Facebook, Zalo, Instagram… tiếp tục xuất hiện rất nhiều từ mới. Từ “giả trân” đang là một từ “hot’.
Ví dụ: “Nó sống giả trân lắm!”, “Đâu có, chàng không hề giả trân chút nào!”, “Biểu cảm của nữ ca sĩ X khi giao lưu với fan là rất giả trân”, “Gương mặt giả trân khó coi của cô nàng khi nói chuyện với đồng nghiệp” v.v…
“Cái lạ” (trong đó có cái lạ ngôn từ) thường hấp dẫn giới trẻ và nhanh chóng được tung hô theo “hội chứng đám đông”. Hiện nay, với sự lan tỏa mạnh mẽ của cụm từ mới này, trên mạng Facebook đã nhanh chóng xuất hiện một hội ảo mang tên “Hội người Giả trân”, với câu slogan giới thiệu "Ở đây không ai sống thật cả". Hội này do một nhóm tự đứng ra thành lập, chỉ sau 1 tháng, đã có tới trên 107.000 thành viên tham gia.
Nhóm này, chuyên thảo luận và chia sẻ những chủ đề không đúng sự thật hoặc cố tình làm cho giống với sự thật. Để làm gì ư? Có phải chỉ là một “sân chơi” mà giới trẻ nghĩ ra cho vui nhộn?
Trước hết, ta hãy lý giải vấn đề từ góc độ ngôn từ.
“Từ điển tiếng Việt”, từ trước tới nay, ngay cả bản mới mất (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) cũng chưa thống kê từ “giả trân”. Cũng chính vì vậy, với tư cách từ ghép mới, với kết hợp rất “cọc cạch” (giả: Hán Việt, trân: thuần Việt) người bình thường sẽ không hiểu. Tuy nhiên, hai thành tố “giả” và “trân” đứng độc lập thì đã có trong từ điển (đã dẫn).
GIẢ 假, tính từ, không phải thật là được làm ra với vẻ bề ngoài giống như thật, thường để đánh lừa (VD: Tiền giả, buôn bán hàng giả, trồng răng giả, đạo đức giả).
TRÂN, tính từ, 1. ngây ra, không thấy có một cử động, một phản ứng gì cả (VD: Mặt trân ra không hiểu gì, đứng chết trân tại chỗ, mắt mở trân trân); 2. [khẩu ngữ] trơ ra, không biết xấu hổ (VD: Mắng thế mà mặt cứ trân ra, trân trân ra cười).
Theo cách dùng hiện nay trên mạng, “trân” trong “giả trân” mang nghĩa 2 của từ “trân” trong từ điển (trơ ra, không biết xấu hổ). Nhưng “trân” theo cách dùng mới của giới trẻ, còn “nâng cấp” nghĩa của “trân” lên một chút. Nó dùng chỉ “sự giả tạo một cách trơ trẽn, không biết đến xấu hổ là gì”. Chẳng hạn: “Cái mặt trông giả trân của nó không chơi được, trông thấy đã ghét”; “Con mụ này giả trân tới mức chai lì rồi”; “Cứ xem mấy bài, biết ngay là cô nàng diễn trò giả trân”…
“Giả trân” hay không, tùy thuộc vào sự đánh giá của người khác (ở đây là giới trẻ với tư cách người xem, người nghe, người thưởng thức). Trong một chừng mực nào đó, hành động như thế là tích cực dưới góc độ ứng xử (không chấp nhận sự giả tạo, hào nhoáng, “diễn trò”). Nhưng từ “giả trân” được chấp nhận để đưa vào danh sách từ mới của “Từ điển tiếng Việt” thì vẫn phải chờ sự “sàng lọc” của thời gian qua thái độ và cách sử dụng của cộng đồng.
“Thật” đây còn chả ăn ai
Huống hồ “người đẹp” diễn bài “giả trân”
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất