Chủ tịch Tottenham Levy: "Jesus Gil khét tiếng" của bóng đá Anh

29/10/2008 12:11 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Những “thành tích” của chủ tịch Tottenham khiến ông bắt đầu được so sánh với ông chủ khét tiếng của bóng đá TBN, Jesus Gil.

Juande Ramos, thay vì trở thành vị cứu tinh của một thời đại mới ở White Hart Lane, cuối cùng kết thúc bằng việc làm giàu thêm cuốn sổ tay của những nhà thống kê. Ông là HLV thứ 8 bị sa thải dưới thời Daniel Levy sau khi dọn dẹp bàn làm việc của mình vào lúc còn một ngày nữa là kỷ niệm một năm ông rời Sevilla tới Anh thay cho Martin Jol.

Kể từ khi Levy trở thành chủ tịch Tottenham vào năm 2001, số vụ sa thải đã tăng nhanh một cách đáng kinh ngạc và cứ mỗi lần thua cuộc, Levy lại tìm cách đẩy trách nhiệm thất bại lên vai người khác. Bất cứ khi nào ngón tay kết tội chỉ về phía ông, Levy liền nhanh chóng tìm cho mình một tấm bia đỡ đạn, nhưng giờ đây, có vẻ như không còn chiếc bình phong nào hiệu nghiệm nữa.
 
Kể từ khi Levy trở thành chủ tịch Tottenham vào năm 2001, số vụ sa thải HLV
đã tăng nhanh một cách đáng kinh ngạc
 
Với việc gần như cùng lúc sa thải Damien Comolli và Ramos, đồng thời cho phép tân HLV Harry Redknapp được có quyền hạn rộng rãi cả trên sân tập lẫn trên thị trường chuyển nhượng, Levy đang thực hành một chiến thuật mới để né tránh cơn thịnh nộ của các CĐV áo trắng. Từ trước đến giờ, ngài chủ tịch của Tottenham luôn đóng nhiều hơn một vai, quyết định bán Dimitar Berbatov chỉ ba tiếng đồng hồ trước khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa cũng như việc lần lượt sa thải Ramos, Marcos Alvarez, Gustavo Poyet rồi Comolli, tất cả đều do ông đạo diễn.
 
Ramos, xây dựng danh tiếng của mình ở TBN, nơi các chủ tịch CLB cũng coi HLV và giám đốc thể thao là quân bài thế mạng khi cần thiết, hẳn không ngạc nhiên bởi quyết định sa thải ông. Ramos chỉ trụ nổi ba tháng ở Espanyol vì đấu đá trong ban lãnh đạo, còn ở Real Betis, ông đã làm việc với một trong những chủ tịch đáng sợ nhất, Manuel Ruiz de Lopera, từng bị một tay môi giới cầu thủ mô tả là “gã độc tài mafia”, người đặt tên sân bóng theo tên ông.
 

Tương tự, Juan Soler cũng khét tiếng ở Valencia. Ông đảm nhận cương vị chủ tịch CLB năm 2004 khi họ vừa mới giành 2 chức vô địch trong 3 năm trước, Cúp UEFA và 2 lần vào chung kết Champions League. Chỉ trong 3 năm rưỡi, Soler sa thải 5 giám đốc thể thao, 3 giám đốc điều hành, 5 HLV và 3 chuyên gia y tế mà không có thêm danh hiệu nào. Tất yếu, nhưng miễn cưỡng, ông phải ra đi.

Công trình sư của “galaticos” Real Madrid, Florentino Perez, ít ra là thành công hơn Soler, nhưng phương pháp thì không khác. Những nhân vật nổi tiếng như Jorge Valdano hay Arrigo Saachi đều đã phải ra đi để bảo vệ ngài chủ tịch. Perez còn sa thải 4 giám đốc bóng đá, 6 HLV và 20 cầu thủ trong 3 năm trước khi người đích thực phải chịu trách nhiệm chính cho chuỗi ngày không danh hiệu dài nhất trong 50 năm phải ra đi: chính Perez.

Nhưng Lopera, Soler, Perez và Levy vẫn còn quá mờ nhạt so với “Bố già” thứ thiệt của thế giới bóng đá, cố chủ tịch Atletico Madrid Jesus Gil, một người mà ông chủ Alaves Dmitry Piterman tuyên bố: “Nói rằng tôi giống Gil cũng như so sánh Gandhi với Hitler”. Gil, thời trẻ làm việc ở những nhà thổ để có tiền học đại học, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với những chiếc đồng hồ gắn trên các xe hơi second-hand, sau đó là ngành xây dựng trước khi trở thành chủ nhân của Atletico.

To lớn đến đẫy đà và rất ngang ngược, Gil đã mua 141 cầu thủ, trải qua 26 đời HLV trong 17 năm. Ron Atkinson chỉ trụ được 93 ngày, và đó đã là nhiều rồi. Cesar Luis Menotti ra đi khi Atletico đứng thứ ba, Javier Clemente bị sa thải dù về nhì, Tomislav Ivic vào giữa lúc mùa giải sắp kết thúc và trận chung kết Cúp Nhà vua sắp diễn ra. Chỉ trong mùa giải 1993-1994, Gil sa thải 6 HLV khác nhau.

Cho tới giờ, Levy vẫn chưa áp dụng một chính sách điên cuồng như vậy, nhưng thời gian vẫn còn nhiều và bây giờ thì ông không còn ai để đổ lỗi nữa rồi.
 
Hải Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm