‘Hiệu ứng’ World Cup với TTCN: Kẻ cười, người khóc...

16/07/2014 14:06 GMT+7 | World Cup 2018

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta bắt đầu bằng câu chuyện về hai cầu thủ Man United muốn ký hợp đồng trong năm diễn ra World Cup. Không phải là Luke Shaw và Ander Herrera. Cũng không phải Arturo Vidal và Mats Hummels. Mà là hai vụ áp phe khác trái ngược nhau về thời điểm thực hiện với Owen Hargreaves và Javier Hernandez và nó dẫn đến hai kết quả chuyển nhượng khác hẳn nhau cho đội bóng Anh .

Năm 2006, Sir Ferguson đã coi Hargreaves là một nửa của bộ đôi Pirlo-Gattuso kiểu Anh  mà ông hy vọng xây dựng bằng cách mua anh về và lắp ghép với Michael Carrick. Nhưng Sir Ferguson đã không mua tuyển thủ Anh này trước khi World Cup khai màn. Thế rồi Hargreaves trở thành cầu thủ duy nhất tỏa sáng trong chiến dịch World Cup tầm thường của Tam sư năm ấy.

Kết quả là Bayern Munich được thể làm cao. Họ nói rằng muốn giữ anh lại và để thuyết phục Munich đổi ý, United đã phải chấp nhận bỏ ra 18 triệu bảng để mua Hargreaves một năm sau đó thay vì chỉ khoảng 8 triệu bảng như ước tính ban đầu. Bốn năm sau bài học về tính thời điểm đã được Man United học thuộc. Họ ký hợp đồng với Javier Hernandez trước khi World Cup 2010 khởi tranh. Tiền đạo người Mexico tỏa sáng ở Nam Phi. Anh được coi là cầu thủ có tốc độ cao nhất giải đấu này năm ấy. Anh ghi bàn vào lưới tuyển Pháp và Argentina.

Nhưng dĩ nhiên giá chuyển nhượng 6,9 triệu bảng ban đầu của anh không thể tăng lên và cũng không đội nào khác nhảy vào phá đám United được vì họ đã “chốt” vụ này trước khi World Cup bắt đầu. Đấy là ví dụ về việc một đội bóng thành bại thế nào khi họ chọn mua cầu thủ vào những thời điểm khác nhau trong mùa World Cup nhưng nó cho ta thấy World Cup có thể tác động ra sao tới giá thị trường của cầu thủ.

Đó là lí do vì sao những đội bóng mua và bán khôn ngoan đã thực hiện một số vụ áp phe trước khi World Cup 2014 khởi tranh ở Brazil. Moenchengladbach ký hợp đồng với Fabian Johnson, có lẽ là cầu thủ nổi bật nhất của tuyển Mỹ, dưới dạng CNTD. Udinese “trói” thành công Charles Aranguiz, phát hiện mới của tuyển Chile. Zenit chộp được Ezequiel Garay với giá hời trước khi anh trở thành một trong những trung vệ chơi tốt nhất ở Brazil 2014.

Theo chiều ngược lại, Chelsea bán David Luiz cho PSG với giá 50 triệu bảng. Con số này lúc đầu ai cũng nghĩ là rẻ cho tới trước thảm bại 1-7 của Brazil trước Đức ở bán kết. Nhưng sau trận thua tan nát ấy thì người ta lại phải đồng ý với nhau là Chelsea quá khôn ngoan khi đẩy được Luiz đi với giá quá cao so với giá trị thực của trung vệ không có “chất” trung vệ này. Bên cạnh đó, lại có những cầu thủ mà giá thị trường của họ không chịu sự chi phối của phong độ mà phụ thuộc vào điều khoản giải phóng hợp đồng.

Có lẽ đáng ngạc nhiên hơn là có cầu thủ giá thị trường dường như vẫn giữ nguyên dù phong độ rất ấn tượng. Đó là trường hợp của Alexis Sanchez. Tiền đạo người Chile gia nhập Arsenal từ Barca với giá 32 triệu bảng trong khi người ta chờ đợi giá thị trường của anh phải cao hơn mức ấy.

Lại có những cầu thủ mà đẳng cấp của họ đã được khẳng định và điều đó cũng có nghĩa là giá thị trường của họ không thể bị đặt dấu hỏi. Dĩ nhiên, đó là những con số không thấp chút nào. Vidal, Mathieu Valbuena, Antoine Griezmann, Toni Kroos và James Rodriguez là một số cái tên thuộc diện này. Lại có những cầu thủ vụt sáng thành ngôi sao sau kỳ World Cup ấn tượng của họ trên đất Brazil và nhờ thế họ hứa hẹn sẽ được săn đón nhiều hơn trên TTCN, kiếm được hợp đồng béo bở nào đó và dĩ nhiên, sẽ bỏ túi nhiều triệu euro cùng với một sự nghiệp thể thao mang tính bước ngoặt mới được mở ra.

Thuộc số này có thủ thành Guillermo Ochoa của Mexico, tiền đạo trẻ Divock Origi của tuyển Bỉ, chân sút Enner Valencia của Ecuador, siêu dự bị Memphis Depay của tuyển Hà Lan hay trung vệ Giancarlo Gonzalez của tuyển Costa Rica.

HT

Theo ESPN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm