08/02/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Xã Xệ là nhân vật hài bất hủ của làng báo Việt từ 85 năm trước. Ra đời sau Lý Toét nhưng Xã Xệ trở thành nhân vật đồng hành cùng Lý Toét tung hoành suốt nhiều năm liền trên tờ Phong Hóa.
Xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Phong Hóa vào ngày 16-3-1934, một tờ báo chuyên trào phúng ở Hà Nội, Xã Xệ lập tức thu hút người đọc với cái đầu chỉ có một sợi tóc như cái lò xo và thân hình mập ú. Tác giả của bức tranh đầu tiên ấy là Bút Sơn, cái tên hoàn toàn toàn xa lạ với những người làm báo và cả những người chuyên theo nghề hội họa ở Sài Gòn và cả nước Việt, một nhà báo ở Sài Gòn. Khi ấy, Bút Sơn đang là phóng viên kiêm họa sĩ trình bày cho tờ Tân Văn ở Sài Gòn.
Có lẽ do xa xôi giao thông chưa thuận tiện nên sau đó Bút Sơn có vẽ vài tranh nữa gửi cho Phong Hóa rồi thôi. Nhưng nhân vật của ông là Xã Xệ thì tiếp tục sống dưới cây cọ biếm của nhiều họa sĩ đương thời như Nhất Linh, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân...
Bút Sơn là bút danh khi viết báo, còn tranh thì thường ký BS hoặc B山 (chữ Sơn trong Hán tự), tên thật là Lê Minh Đức sinh năm 1914 tại Sài Gòn và mất năm 1941 tại Huế, là em út trong gia đình có bốn anh chị em, đều là nhà báo. Cha ông người Tân Định, Sài Gòn, mẹ ở làng Phong Thạnh, Bạc Liêu. Mồ côi mẹ sớm, sống xa cha, Bút Sơn sống nhờ vào sự chăm sóc và nuôi dưỡng của các anh chị, đặc biệt là người anh cả là nhà báo Lê Trung Nghĩa.
Do anh cả là Lê Trung Nghĩa sống bằng nghề báo (viết và vẽ minh họa cho tờ Đông Pháp Thời Báo và một số tờ báo tiếng Pháp ở Sài Gòn), đồng thời nhà có một tiệm vẽ tranh truyền thần, Bút Sơn được anh cho học nghề và học vẽ hàm thụ từ trường ABC, Pháp.
Bút Sơn bước vào làng báo năm 1934 bằng nghề trình bày và minh họa cho báo Tân Văn của ông Phan Văn Thiết. Khi ấy ông biết tờ Phong Hóa ở Hà Nội có tổ chức một cuộc thi “vẽ tranh khôi hài” (biếm họa). Trên tờ Phong Hóa khi ấy cũng đã xuất hiện nhân vật hài Lý Toét, nên ông đã sáng tạo ra nhân vật Xã Xệ có vẻ ngoài hoàn toàn đối nghịch với Lý Toét để dự thi. Và bức tranh đôi với hai nhân vật Lý Toét - Xã Xệ, trên đầu chỉ có một cọng tóc duy nhất, cùng cân trên một chiếc cân bàn đăng báo Phong Hóa số 89 ngày 16-3-1934 đã được trao giải Nhì. Và cũng từ đó, Xã Xệ với cái đầu tròn bóng cùng một cọng tóc quăn duy nhất trở thành biểu tượng hài của làng báo. Năm đó Bút Sơn mới 20 tuổi.
Không rõ việc lĩnh giải thưởng ra sao, việc giao thiệp giữa ông và tờ báo thế nào, chỉ thấy sau đó Bút Sơn có vài tranh nữa đăng báo Phong Hóa rồi thôi. Nhưng Xã Xệ thì xuất hiện trên Phong Hóa đều đều dưới những cây cọ của làng báo Hà Nội. Và ở Sài Gòn, Xã Xệ thỉnh thoảng xuất hiện trên tờ Tân Văn, Phỏng Sự (PHỎNG, không phải PHÓNG), Cười Xuân...
Ngoài công việc trình bày, vẽ minh họa, biếm họa cho tờ Tân Văn, ở nhà Bút Sơn còn có tiệm “vẽ đủ thứ”. Trên trang quảng cáo báo Tân Văn từ năm 1935, thường có mẩu quảng cáo với nội dung sau “Bút Sơn là họa sĩ có tiếng, lãnh vẽ các thứ để đăng báo, vẽ affiche quảng cáo để dán ngoài đường, vẽ bảng quảng cáo. Ngoài ra lại còn lãnh vẽ hình cho sách và lãnh sấp đặt cách in một quyển sách cho có mỹ thuật, sách gì chẳng hạn. Giá cả dễ chịu. Những người để quảng cáo trong Tân Văn muốn vẽ hình thì vẽ được bớt 20%. Vậy ai muốn thương lượng đều chi, cứ đến ngay nhà số 274A rue Pellerin (ngang institut Pasteur) Tân Định”.
Không chỉ vậy, ông còn là một cây bút phóng sự điều tra nổi tiếng thời ấy. Ngay trên báo Tân Văn năm 1935, ông đã viết một loạt bài điều tra về sự dâm ô của một nhà sư ở Gia Định (Bình Thạnh hiện nay) trong loạt bài tên là “Sư Muôn”. Loạt bài kéo dài mấy tháng liền, thu hút bạn đọc cả Nam Kỳ và khiến chính quyền phải tham gia giải quyết. Ông còn viết tiểu thuyết, làm thơ... nhưng vẽ vẫn là nghề tay phải của ông.
Sau khi tờ Tân Văn đóng cửa, ông ở nhà vẽ. Năm 1939, anh em ông mở một tờ báo tên là Phỏng Sự, và trên tờ này ông sáng tạo ra một nhân vật hài mới TRÙM NÓC. với bộ râu thật rậm hình chữ (^), trông giống một tên dân ngớ ngẩn, thật thà. Thế mạnh của Trùm Nóc là uống rượu, có khi chỉ cần một mắt me, Nóc ta cũng có thể nốc cả nửa lít đế!... Tuy không vang danh như Xã Xệ, Trùm Nóc cũng được người đọc báo Sài Gòn chú ý.
Đến năm 1941, do làm ăn thua lỗ, buồn ông bỏ về Phong Điền, Thừa Thiên ở với người anh thứ ba là Lê Chuyên Pha, từ Sài Gòn về trước đó vài tháng, để giữ phần đất của cha để lại.
Vài tháng sau, trong một chuyến đi Huế chơi, ông mất đột ngột ở tuổi 27 bỏ lại vợ và hai con thơ ở Sài Gòn. Người con gái nhỏ khi ông mất mới có 2 tuổi nói với tôi “Khi ba mất, chị mới 2 tuổi đâu biết gì. Những gì còn lại mẹ giữ được qua những năm chiến tranh chỉ là mấy tờ báo và tấm hình của ba”. Bà tên Lê Liễu Sương, cán bộ của báo Sài Gòn Giải Phóng, hiện cư ngụ tại quận Bình Thành, tết năm nay tròn 80 tuổi!
Các anh chị của Bút Sơn tiếp tục làm báo ở Sài Gòn. Anh cả là nhà báo Lê Trung Nghĩa, nổi tiếng với phóng sự điều tra ĐỒNG NỌC NẠN đăng trên tờ Đông Pháp Thời Báo năm 1928. Năm 1945, ông Nghĩa và gia đình về Phong Điền tham gia cách mạng và trở thành chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh huyện Phong Điền. Năm 1948, gia đình ông bị giặc Pháp sát hại toàn bộ, chỉ có một người con nuôi còn sống. Bà này sau trở thành nữ tu.
Trần Nhật Vy
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất