18/03/2014 09:27 GMT+7 | Phim
Phim có bối cảnh rất phức tạp và quy mô nên đoàn làm phim đã tái tạo khoảng 16 ngôi nhà, quay cảnh tàu chiến ở Cam Ranh (Khánh Hòa), cảnh chiến trường quay ở Cam Lộ (Quảng Trị), Phước Tích (Thừa Thiên Huế) và một vài địa điểm khác. Không dùng kỹ xảo, xe tăng, máy bay, xe lội nước được huy động để cho những hình ảnh chân thực. Cảnh cháy nổ cũng quy mô không kém: 4.000 viên đạn mã tử và đạn AK, B41, cao xạ, cối 82 thật, 300kg thuốc nổ…
Đạo diễn Trần Vịnh
“Nếu không có sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang và người dân Huế thì khó lòng làm nổi bộ phim”, Trần Vịnh cho biết.
Tuy nhiên, cảnh chiến tranh chỉ là một phần, yếu tố thu hút nhất của phim tập trung vào khai thác số phận con người trong chiến tranh qua hình ảnh gia đình Tư Thiên với những giằng xé ở hai bờ chiến tuyến. Khéo léo lồng vào phim còn là sự ngợi ca lòng người dân xứ Huế. “Để có được chiến thắng Mậu Thân 1968 và 26 ngày đêm giữ thành Huế, người dân đã thu mua được 1.270 tấn gạo, lo thuốc cho thương binh, nhường cơm xẻ áo, dẫn đường. Từng chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên - Huế 1968, tôi hiểu điều đó và càng dành nhiều tâm huyết để thực hiện bộ phim này” - Trần Vịnh chia sẻ khi chuẩn bị bấm máy.
Tập phim thứ 25 khép lại số phận của một gia đình song đó mới chỉ là một phần nhỏ của Xuân Mậu Thân 1968, vẫn chưa “đã” đối với người xem, vì vậy, những người làm phim đang bắt tay chuẩn bị cho phần tiếp theo.
Từ khó khăn, gian khổ, những người làm cách mạng bắt tay gây dựng lại cơ sở sau Mậu Thân 1968, sự xuất hiện của những con người anh hùng, những trận đánh lẫy lừng góp phần làm nên chiến thắng giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Lấy cái tứ “Nhìn thẳng kinh thành Huế” để nuôi ý chí và quyết tâm trở lại, đó cũng là tên phần tiếp theo với một cao trào khác sau Huế mùa mai đỏ.
Nhân vật trong phim đều là người thật việc thật, dựa trên hồi ký, sách đã phát hành… Hai nhà văn quân đội uy tín là đại tá - nhà văn Chu Lai, đại tá - nhà văn Hà Đình Cẩn cùng đạo diễn Trần Vịnh đã khảo sát, phỏng vấn nhân vật và thu lại nhiều thông tin quý giá phục vụ cho kịch bản 30 tập phim của Nhìn thẳng kinh thành Huế. “Rất hấp dẫn, rất gay cấn xoáy vào số phận con người cả hai phía. Tháng 9 này dự kiến sẽ bấm máy và hy vọng ngày 27/7/2015 sẽ trình chiếu phục vụ khán giả. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế rất ủng hộ”, Trần Vịnh hào hứng.
Huế mùa mai đỏ được chuyển thể từ tiểu thuyết xuất sắc của nhà văn quân đội Xuân Thiều viết về đề tài Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Tiểu thuyết nói trên được trao giải thưởng Bộ Quốc phòng, giải thưởng Hội Nhà văn năm 1995. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã gợi ý, tư vấn cho đoàn làm phim. Để có cái nhìn chân thực và chuẩn xác hơn, hai cuộc hội thảo được tổ chức tại Huế và Hà Nội xung quanh tác phẩm văn học cũng như kịch bản phim. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất