01/01/2014 07:18 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao Việt Nam trải qua một SEA Games thắng lợi về huy chương, nhưng lại thất bại cho người hâm mộ mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc thể thao hoạt động bằng ngân sách, nhà báo Hồng Ngọc khẳng định với Cà phê thể thao khi nhìn lại thể thao Việt Nam năm 2013.
* Cà phê thể thao:Thể thao Việt Nam đã kết thúc năm 2013 bằng một kỳ SEA Games khá thành công so với dự kiến. Hồng Ngọc, với anh đây có phải là kỳ SEA Games thành công của thể thao Việt Nam?
- Hồng Ngọc: Về chỉ tiêu huy chương và thứ hạng toàn đoàn thì đoàn thể thao Việt Nam đã thành công. Nhưng đó là từ góc độ “đoàn thể thao” chứ không phải từ góc độ “nền thể thao”; từ góc độ quản lý chứ không phải góc độ người hâm mộ.
* Bảng xếp hạng huy chương thể hiện vị thế của nền thể thao quốc gia, nó hẳn sẽ khiến người hâm mộ tự hào chứ? Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 2013 Lâm Quang Thành thì khẳng định “tấm huy chương nào cũng có giá trị”.
- Chúng ta tự hào với những huy chương môn Vovinam mà ta giành được cũng giống như người Myanmar tự hào với những tấm huy chương môn chinlone vậy thôi. Nên hãy trở lại với giá trị đích thực của thể thao: rèn luyện thể chất và tinh thần.
Nếu môn thể thao đó có nhiều người chơi, nhiều người hâm mộ thì nó có giá trị. Thứ nhất, nó thể hiện rằng dân ta chơi môn đó nhiều, và nền tảng ấy tạo ra những vận động viên giỏi trong môn đó. Thứ hai, những vận động viên giỏi giành thành tích quốc tế, nhận được những phần thưởng và trở thành hình tượng của công chúng sẽ quay lại cổ vũ và trở thành hình mẫu cho dân chúng tập luyện môn đó. Dân chúng tập luyện nhiều thì thể chất khỏe mạnh, có thể làm việc với cường độ và năng suất cao hơn, giảm chi phí chăm sóc y tế. Và chơi những môn tích cực thì sẽ tránh bớt nguy cơ dính vào các tệ nạn xã hội, học cách ứng xử với đối thủ và người hâm mộ, cách chấp nhận thất bại và cách chiến thắng đáng tôn trọng. Tất cả những điều đó làm xã hội tốt đẹp hơn.
Nếu để tự hào thì phải dựa trên mức độ chúng ta được nhận diện nhờ thể thao. Hầu như cả thế giới biết đến Lionel Messi là cầu thủ bóng đá người Argentina, Roger Federer là tay vợt Thụy Sỹ, trong khi chính người Việt Nam đâu có biết tên võ sỹ vovinam xuất sắc nhất của mình. Nói đến Thụy Sỹ, chắc chúng ta đều liên tưởng đến 3 dấu hiệu nhận diện, gồm đồng hồ cao cấp, hệ thống ngân hàng bảo mật cao, và Federer. Nó giúp người Thụy Sỹ giao tiếp với thế giới mà không phải tự giới thiệu nhiều về mình mà vẫn có được độ tin cậy nhất định. Chứ thế giới không nhận diện ra người Việt Nam qua một võ sỹ vovinam nào đó. Lúc đó thì niềm tự hào với những tấm huy chương vovinam phỏng có ích gì?
* Rất khó để đạt thành tích quốc tế tốt nếu chúng ta theo đuổi các môn mà cả thế giới đã chơi, trong khi sẽ nhanh hơn rất nhiều nếu đầu tư vào các môn hiện có ít nước chơi nhưng có tiềm năng phát triển như kiểu wushu. Đó là chiến lược “đi tắt đón đầu”.
- Cái gọi là chiến lược “đi tắt đón đầu” chỉ là sự hoang tưởng thuần túy của những người chậm tiến. Nếu ta chưa vươn lên hoặc ở thật gần với đỉnh thế giới, thì có nghĩa là chúng ta chưa biết thế giới này vận hành thế nào, đang đi về đâu. Vậy bằng cách nào chúng ta biết được nó sẽ đi về đâu? Chúng ta còn chưa biết ngày mai thế nào, thì bằng cách nào để tiên đoán về năm sau hay thập kỷ kế tiếp?
Môn wushu là một ví dụ. Những người làm chiến lược của thể thao Việt Nam lập luận rằng nó là môn mà người Trung Quốc muốn phổ biến ra thế giới, và Olympic 2008 được tổ chức tại Trung Quốc, siêu cường đó chắc chắn sẽ vận động để đưa được môn này vào thi đấu tại Olympic. Khi đó chúng ta đã có chuẩn bị, còn phần lớn thế giới thì không, vậy là chúng ta “đi tắt đón đầu” để giành huy chương Olympic.
Thực tế thì chúng ta đã biết kết cục của môn wushu. Olympic là đấu trường thể thao danh tiếng và chuẩn mực, nếu môn thể thao của anh không đạt đến các chuẩn mực đó và mức độ phổ biến đủ sức thay thế các môn hiện tại thì anh cứ đứng ngoài.
Tôi quan niệm rằng mọi việc đều có quá trình tuần tự nhi tiến. Người ta chỉ có thể tiến nhanh hay chậm trong quá trình đó, chứ không thể bỏ qua một vài công đoạn. Vấn đề là chúng ta phải học cách để đi nhanh, chứ đừng ảo tưởng “đi tắt đón đầu”, đích thì không đến mà cứ đi luẩn quẩn.
* Trở lại với các môn mà ta phải “tuần tự nhi tiến” như bóng đá, bóng chuyền, năm 2013 quả là năm thất bại?
- Đó là những môn thể thao được hâm mộ nhất ở Việt Nam, và thất bại ở đấu trường quốc tế trong các môn đó là thất bại của người hâm mộ.
Nhưng đó là thất bại của thể thao hoạt động bằng ngân sách nhà nước. Năm 2013 chúng ta chứng kiến hai điểm sáng của thể thao Việt Nam được xã hội hóa. Thứ nhất là đội tuyển bóng đá U19 với thành phần chính là lứa đầu tiên của Học viện HAGL Arsenal JMG, được HAGL đầu tư hoàn toàn và đào tạo từ đầu theo hướng tiếp cận công nghệ đào tạo hàng đầu trên thế giới, đã có màn trình diễn mãn nhãn người hâm mộ bóng đá cả nước cả ở giải U19 Đông Nam Á và vòng loại giải U19 châu Á.
Thứ hai là thành tích lọt vào bán kết giải vô địch thế giới môn cầu lông của Nguyễn Tiến Minh, một tay vợt tự đào tạo và trưởng thành từ phong trào nhưng đã nhanh chóng vượt xa các tay vợt được đào tạo hoàn toàn từ ngân sách nhà nước. Nghịch lý của Tiến Minh là khi anh thi đấu như một tay vợt chuyên nghiệp thì anh vào tới bán kết giải thế giới, còn khi anh thi đấu bằng tiền ngân sách để đại diện cho quốc gia tại SEA Games thì anh lại thất bại.
Hai ví dụ đó cho chúng ta thấy rằng, thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên tầm cao ngay cả khi nó được trả về như một hoạt động từ cộng đồng, thậm chí còn đạt những màn trình diễn xuất sắc hơn thể thao nuôi bằng ngân sách nhà nước. Vấn đề là chúng ta cần có cơ chế khuyến khích thể thao cộng đồng, thông qua quy hoạch để có sân chơi, đưa vào chương trình giáo dục để thể thao trở thành sự yêu thích và thói quen từ nhỏ, và dọn đường về mặt pháp lý hay chính sách thuế.
Con đường đó sẽ giúp nền thể thao tự động sàng lọc được những môn như bi sắt, lặn chân vịt hay vovinam. Nguồn lực xã hội sẽ hướng vào các môn thể thao có nhiều người chơi, giúp thể thao đỉnh cao đạt được thành tựu thực chất hơn và chắc chắn hơn.
* Chủ đề này của chúng ta chắc sẽ còn trở lại trong vài lần cà phê nữa. Hẹn anh chầu cà phê đầu năm 2014 nhé.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất