21/01/2023 20:30 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
NSƯT Chí Trung tiếp chúng tôi tại căn nhà 6 tầng ở Hà Nội, nơi ở của anh và bạn gái Ý Lan. Trong không gian sống rộng rãi, sang trọng, Chí Trung dành phần nhiều diện tích trồng cây, nuôi chim và cá. Khi chờ đợi chúng tôi "set up" máy, anh lấy đồ ăn cho cá. Sau đó, anh chơi đàn guitar, hát vang những ca khúc ruột của mình giữa khu vườn xanh mướt. Nghệ sĩ kỳ cựu khẳng định: "Tôi đang sống an yên" và "Đời tôi bây giờ mới biết chơi".
Nghệ sĩ Chí Trung tiết lộ Táo Quân 2023 có thể là lời chào tạm biệt khán giả của chương trình hài kịch rất được yêu thích mỗi dịp tết đến xuân về
Trên sân khấu của Táo Quân 2023, hội ngộ rất nhiều gương mặt cũ, trong đó có sự trở lại của Xuân Bắc - Công Lý, điều này mang đến cho anh những cảm xúc gì?
Mỗi chúng tôi đảm nhận một công việc ở một vị trí khác nhau. Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung, Quốc Khánh… mỗi người đều từ một nhà hát nhưng vẫn chơi với nhau, thường xuyên thăm hỏi nhau chuyện gia đình, hiếu hỷ… Bây giờ, mọi người gặp nhau không có gì xa lạ cả. Xuân Bắc, Công Lý trở lại, rất nhiều Táo khác, bốn phiên bản Thiên Lôi cũng trở lại… Tất cả trở lại để chúng tôi khoá sổ một suy nghĩ cũng là cơ hội cho mọi người tham dự một chương trình như festival Táo Quân vậy.
20 năm qua, Táo Quân trở thành món ăn không thể thiếu của mọi người trong đêm Giao thừa, còn với anh, chương trình ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp?
Tôi phải cảm ơn khán giả xem truyền hình đã nhớ và yêu mến Chí Trung. Đến nay, tôi đã có 45 năm trong nghề nhưng 25 năm trước chỉ người yêu mến sân khấu kịch mới biết một Chí Trung đóng Romeo, Hamlet, Othello…. Phải đến những bộ phim truyền hình, chương trình Táo Quân - đặc biệt là vai Táo Giao thông - tôi mới để lại dấu ấn với khán giả cả nước. Nếu một đời tôi chỉ đóng kịch ở sân khấu thì chắc không thể có nhiều khán giả biết và yêu mến đến vậy.
Khi đã chọn theo ngành sân khấu là bọn tôi phải chấp nhận một sự thật rằng mình không thể có tất cả, nhưng niềm yêu thích dành cho sân khấu vẫn luôn còn. Nhưng đời sống ngày một phát triển và các xu hướng nghệ thuật có thể đã khác đi nhiều. Và chúng ta phải chấp nhận thôi, bởi xét cho cùng thì kịch nghệ, phim ảnh hay ca nhạc, phim truyền hình cũng đều phục vụ cho các nhu cầu của đời sống và chúng ta phải biết thích ứng với nhu cầu đấy để tìm được cách khẳng định bản thân. Tôi không thấy buồn mà cảm thấy cuộc đời mình là một chuỗi may mắn - từ sự nghiệp, sự trưởng thành tới đời sống cá nhân. Tôi không có gì ân hận cả.
Trong 20 năm qua, từng có giai đoạn hay khoảnh khắc nào khiến anh cảm thấy mình không thể hoặc không muốn tiếp tục làm Táo Quân?
Trong Táo Quân, tôi từng đóng Táo Cơ chế, Táo Quan chức, Táo Điện lực, Táo Thổ. Những năm đầu, tôi đóng cả Ngọc Hoàng nhưng ấn tượng nhất có lẽ vẫn là Táo Giao thông. Với Táo Giao thông thì không ai dỗi được với anh ấy cả. Bạn không thể dỗi là đường tắc lắm tôi không ra đường nữa. Giao thông đã là một phần tất yếu của cuộc sống. Thế nên bạn sung sướng, hân hoan khi ra đường ngày mùng 1 Tết vắng tanh nhưng bạn cũng đau khổ khi mỗi ngày, 5h chiều chia tay cơ quan mà 7h tối mới lết về được đến nhà… Tôi cũng có "may mắn" được trải qua những cung bậc cảm xúc ấy.
Những năm thành công nhất của Táo Giao thông là giai đoạn 2014-2017. Đây là những năm mà giao thông đang phát triển dẫn đến đường xá, hạ tầng chưa thể cập nhật phù hợp với nhu cầu của người dân và gây ra nhiều bức xúc. Lúc đó, Táo Giao thông có đất để phát triển. Đó là may mắn của tôi, còn những năm sau thì càng đuối dần vì chuyện cũ đem ra mắng mãi cũng nhàm rồi. Chẳng hạn, chuyện cảnh sát giao thông xử mãi lộ trên đường, hồi đó có, chứ giờ phạt nguội hết rồi, còn nói gì nữa. Nói vui thì là không còn gì để chọc ngoáy cả.
Mà bây giờ, những chuyện ấy đem nói ra thì mọi người cũng thấy quá bình thường rồi. Năm nay Táo Quân dừng có khi cũng là may mắn của tôi vì mọi người còn nhớ mãi một nhân vật giữa ê-kíp được mọi người yêu mến.
Táo Quân là bệ đỡ đưa tên tuổi Chí Trung đến với khán giả, giờ đây, nếu chương trình khép lại anh cảm thấy thế nào?
Có lẽ tôi không tiếc nuối. Nếu có là với các bạn trẻ vừa tham gia Táo Quân. Họ thấy tiếc khi chưa đủ thời gian để khẳng định mình trong lòng mọi người. Nhưng với tôi nó lại rất phù hợp. Khi đã về hưu và tôi nghĩ rằng những gì mình đã làm được, đã nỗ lực hết sức. Ai cũng đến lúc nghỉ ngơi như người ta trèo lên đỉnh núi thì bên kia là triền dốc. Vấn đề là bản thân tự xác định được tâm thế cho mình.
Ngay cả việc nghỉ hưu, tôi cũng bằng lòng và tôi không cảm thấy vấn vương một điều gì cả. Bởi 45 năm qua, công việc, sự nghiệp tôi đã làm tất cả những gì mình có thể rồi. Tôi đã cùng các diễn viên của nhà hát đi qua gần hết 63 tỉnh, đưa Nhà hát Tuổi Trẻ thành tên tuổi được khán giả cả nước yêu mến. Vì vậy tôi không thấy gì ân hận. Đến bây giờ Táo Quân cũng thế. Nếu chương trình còn phát triển được tốt nữa thì mình vẫn muốn được tiếp tục và nếu bản thân còn xứng đáng, nhưng nếu không, tôi vẫn nghĩ đời mình may mắn khi Táo Quân dừng mà mình cũng được nghỉ.
Táo Quân không thể phát triển phải chăng không thể tìm ra được lớp nghệ sĩ trẻ kế cận những Chí Trung, Quốc Khánh…?
Vấn đề này nên được nhìn nhận từ cả hai phía. Các nghệ sĩ trẻ bây giờ rất giỏi, thích nghi tốt và diễn rất nhanh nhưng lại chưa có được độ chín để được khán giả yêu thích. Phía còn lại nằm ở ánh mắt của khán giả chỉ cố định ở một vài nghệ sĩ. So sánh hơi khập khiễng thì nó giống như những người lúc nào cũng mang suy nghĩ vợ/chồng hiện tại của mình không bằng được người vợ/chồng cũ vậy. Ánh mắt soi chiếu như vậy thì rất là mỏi mệt. Cuộc sống liên tục đi lên, những gì không phù hợp nữa sẽ bị tụt lại.
Cách nhìn của khán giả dành cho các bạn trẻ tạo ra áp lực rất lớn. Nhưng xin khán giả hãy công tâm với các bạn nghệ sĩ trẻ. Các bạn diễn viên, nghệ sĩ trẻ hiện nay như Duy Nam hay Trung Ruồi và nhiều người khác hoạt động trên các nền tảng như YouTube, làm ra những nội dung hay hơn chúng tôi nhiều. Chúng tôi không làm được như các bạn ấy đâu. Các bạn ấy có lượng fan riêng, có miếng hài nhanh gọn, tiết tấu nhanh trong khi chúng tôi thì lại phải đầy đủ các quá trình. Có khi fan của các bạn nghệ sĩ trẻ không xem chúng tôi diễn bao giờ. Thế nên chúng ta đừng xét nét.
Với một chương trình dài hơi, được chờ đợi vào mỗi dịp Tết như Táo Quân, khán giả đòi hỏi sự đổi mới và hay hơn với diễn viên, ê-kíp. Đằng sau sự thăng hoa trên sân khấu, ngoài nhiều buổi tập xuyên đêm, với anh, còn là những gì?
Không phải riêng Chí Trung, tất cả nghệ sĩ đều có đóng góp vào việc xây dựng kịch bản. Bởi như bạn thấy, 20 năm để kể một câu chuyện thì rất cũ, nhất là lối kể cũng cũ rồi, chỉ là tái hiện lại bức tranh trong một năm vừa qua của đất nước mình. Vì vậy mỗi người nghệ sĩ đều phải đóng góp vào kịch bản. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải chỉ lên khung xương cho kịch bản, chia sẻ với chúng tôi mong muốn cái này cái kia, còn nghệ sĩ sẽ đóng góp thêm để nhân vật được phong phú.
Ví dụ đóng vai Táo Giao thông, tôi sẽ đóng góp những kinh nghiệm của mình khi tham gia giao thông để vai diễn dày thêm. Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung… đều góp sức lực của mình hoặc mọi người đều giúp đỡ nhau để có vai diễn hay hơn.
Để có một kịch bản đa sắc là điều không hề đơn giản. Một cái đầu thì không thể nghĩ được. Mỗi nghệ sĩ phải có những sự đúc rút riêng cho vai diễn của mình. Mọi người phải bổ sung rất nhiều chi tiết, tình huống, thậm chí cãi nhau mới có thể biến những chuyện tưởng như nặng nề trong năm thành tình huống hài hước.
Dù vậy không phải mọi sự sáng tạo, cố gắng đều được đón nhận. Không ít khán giả chê Táo Quân vài năm gần đây nhàm chán, thậm chí cho rằng nên dừng lại chương trình. Anh nghĩ gì trước những phản ứng như thế?
Nhiều khán giả hiện nay không còn thích Táo Quân. Họ nói là hãy dẹp nó đi nhưng đa phần khán giả vẫn thích, mê Táo Quân bởi vì đó như một món ăn tinh thần quen thuộc trong đêm Giao thừa. Nhưng tôi phải thừa nhận ê-kíp làm việc rất áp lực bởi một câu chuyện kể rất nhiều lần rồi, lối kể cũng cũ rồi. Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã nghĩ mãi nhưng chưa ra format mới.
Qua đây, phần nào tôi cũng muốn thanh minh, mong khán giả hãy hiểu chúng tôi cũng có áp lực. Chúng tôi rất mong muốn có kịch bản Táo Quân hay, hoàn chỉnh, mang tới một món ăn thật mỹ mãn gửi đến khán giả nhưng lực bất tòng tâm. Bản thân cũng có nhiều vấn đề mà nói ra thì không hay, có những chuyện nhạy cảm nói ra sẽ làm đau đớn nhiều người.
Có những nhận xét gì về Táo Quân khiến anh suy nghĩ, chạnh lòng?
Những năm sung sức nhất, chúng tôi cảm thấy tổn thương khi bị khán giả chê bởi nghĩ ai cũng thấy mình đã làm hết sức. Nhưng chương trình vừa phát sóng xong, ngay 1, 2 giờ sáng ngày mùng Một thì đã có bài phê phán, bình luận chê bai. Sự phê phán nặng lời khiến chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm, buồn vì thực sự cả ê-kíp đã nỗ lực hết sức.
Nhưng đã lâu rồi, với thời gian, tuổi tác và cả sự bản lĩnh nghề nghiệp thì tôi, các đồng nghiệp đều quen với việc bị mắng. Thị phi và phản biện là một phần công việc của chúng tôi. Đến bây giờ không chỉ riêng Táo Quân mà cuộc sống riêng hay công việc liên quan đến nghệ thuật của cá nhân, tôi cũng không còn đau đớn khi nghe mọi người có phản hồi tiêu cực nữa. Ai cũng có góc nhìn của mình mà. Vợ chồng lấy nhau, trước yêu nhau, nhìn cái gì cũng đẹp nhưng càng sống với nhau lâu lại thấy nhiều cái xấu, huống gì người ngoài.
Tôi nghĩ cả dàn nghệ sĩ Táo Quân chứ không riêng gì tôi đã không còn bận tâm đến những lời bình luận tiêu cực nữa. Tất nhiên chúng tôi vẫn tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng, đầy tính xây dựng, có tâm để chất lượng công việc tốt hơn. Đọc những bình luận ấy rất "ngấm", mình còn phải cảm ơn lại. Còn những người cứ chửi văng lên thì thôi, mình bỏ qua vì không thể nào cãi nhau với cả cuộc sống được, mà phải chấp nhận nó như một phần tất yếu thôi.
Những ngày cuối năm, anh tất bật tập Táo Quân, đóng phim truyền hình. Dường như cuộc sống của anh trước và sau khi nghỉ hưu không có nhiều thay đổi?
Mỗi năm, chúng tôi đều chuẩn bị chương trình để phục vụ khán giả đón giao thừa. Ban ngày, chúng tôi đi đóng phim Tết, tham dự event, có người phải đến cơ quan làm liên tục 8 tiếng, tối lại về tập Táo Quân.
Bây giờ, tôi nghỉ hưu rồi, nhưng việc đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến Táo Quân. Tôi và mọi người vẫn tập Táo Quân từ 7 giờ tối đến 2-3 giờ sáng. Mệt là không tránh khỏi nhưng đây là sự kiện mỗi năm chỉ có một lần. Năm nay lại là dịp kỷ niệm năm thứ 20 của Táo Quân. Tôi nghĩ đến năm nay Táo Quân đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và chương trình giống như một lời chào. Vì vậy chương trình năm nay tập trung đông đủ nghệ sĩ ở mọi thế hệ.
Nghệ sĩ Chí Trung đang sống những ngày hưu trí an yên, đầy ý nghĩa
Ở tuổi ngoài 60, người ta thường nghĩ về nghỉ ngơi, hưởng thụ. Anh nghĩ khi nào mình mới thật sự nghỉ hưu?
Không, nghệ sĩ thì không có tuổi hưu đâu. Ngay cả với những nghệ sĩ lớn tuổi đã khuất bóng như bác Phạm Bằng hay bác Trịnh Mai hoặc bác Trần Hạnh, họ vẫn làm việc đến khi nào gục xuống thì thôi. Nghệ sĩ dù ở độ tuổi nào cũng luôn luôn có vai diễn cần đến mình. Niềm yêu thích của một nghệ sĩ là được biểu diễn, khán giả yêu mến. Vì vậy chúng tôi không có nghỉ hưu.
Với công việc quản lý nhà nước thì tôi nghỉ chế độ, việc đi diễn hoặc đóng phim lại bận rộn hơn rất nhiều. Còn sức khoẻ, tất nhiên bây giờ tôi không được như ngày xưa, nhưng tôi cũng biết lượng sức mình. Tôi tranh thủ ngủ ở bất kỳ chỗ nào mà có thể đặt được tấm thân "nhỏ bé" này.
Không chỉ tôi, ngay cả những nghệ sĩ như Xuân Bắc hay Vân Dung bây giờ tập Táo Quân phải đeo kính để đọc kịch bản rồi, tiếng hát của Tự Long cũng không còn cao vút như xưa, Công Lý thì vừa ốm dậy… Nhìn chung, chúng tôi ai cũng mỏi mệt một tí. Nhưng sự hấp dẫn của Táo Quân không phải là điều chỉ khán giả cảm nhận được mà ngay cả những người nghệ sĩ chúng tôi cũng rất hứng thú khi được tham dự.
Ở khía cạnh người lãnh đạo nhà hát xông xáo, việc bắt đầu cuộc sống nghỉ hưu có khó với anh?
Tôi nghỉ hưu "cái rụp", không có gì phải vương vấn cả. Bởi vì tôi đã được "tập luyện" trước việc nghỉ ngơi trong hai năm Covid-19 rồi. Nhà hát Tuổi Trẻ là đơn vị có truyền thống 44 năm cho tới khi tôi nghỉ hưu, đã xây dựng được một hệ thống cán bộ rất tốt. Các bạn đã làm thành một bộ máy hoạt động trơn tru. Tôi chỉ cần nói mong muốn là các bạn ấy có thể biến thành hành động.
Khi tôi nghỉ hưu đã có một bộ máy kế thừa rất tốt. Vậy nên tôi không hề có vương vấn gì cả. Tôi chỉ nói với các em, đặc biệt với Giám đốc Sĩ Tiến rằng: "Thôi em đã ở bên anh 25 năm rồi, từ năm thứ 26 tự lo đi nhé. Còn khi nào vướng mắc, khó khăn thì gọi cho anh. Nhưng tốt nhất đừng gọi vì anh chỉ muốn nghỉ thôi". Tôi nghỉ đến nay đã là tháng thứ 8 và chưa thấy một cuộc gọi nào như thế, trừ những cuộc gọi kiểu: "Anh ơi, ra chỗ này uống bia với em".
Tôi từng là một lãnh đạo nhà hát, yêu Nhà hát Tuổi Trẻ và đến giờ vẫn thầm dõi theo từng bước phát triển của đoàn. Nhưng không vì vậy mà khi buông sự nghiệp 25 năm, tôi quá trăn trở. Vì "khi con chị đi thì con dì lớn".
Nhiều ông cứ tưởng rằng mình quan trọng lắm, nhưng thực không có anh, người ta vẫn phát triển. Và nhiều khi ông nghỉ lại còn làm nhẹ người cho bao người khác. Đấy là nói vui. Còn với tôi, tôi hết sức yên tâm về việc của nhà hát.
Tôi là một trong những người hiếm hoi rất thảnh thơi và an nhiên khi nghỉ hưu. Giờ đây, tôi nuôi chim, có 8 con nhé, nuôi cả cả cá, mèo… bận rộn lắm. Cả ngày tôi bị cuốn theo chúng. Tôi đọc sách, chơi thể thao. Tôi phát hiện ra 45 năm sự nghiệp và 62 năm tuổi đời tôi bỏ quên một người, đó là chính mình.
Để trả lời câu hỏi của bạn, thì tôi đã có một sự nỗ lực rất nhiều, bởi tính tôi làm gì là rất quyết liệt. 63 tỉnh thành, tôi thuộc gần hết mọi đường ngang ngõ tắt, cảnh quan bên đường bởi tôi từng phải đi bán vé, tới từng cơ quan gõ cửa mời mua vé cho Nhà hát Tuổi Trẻ. Khi nghỉ hưu, tôi cũng quyết liệt lắm. Nghỉ là nghỉ luôn, không trăn trở gì.
Anh thường nhắc nhiều về cụm từ: "Tôi không còn là lãnh đạo nữa". Dường như anh đã nếm trải những thói đời, nhân tình thế thái từ khi nghỉ hưu?
Nguy hiểm nhất là khi nghỉ hưu bạn ngộ nhận mình là người quan trọng, cảm giác như thiếu mình là mọi thứ tê liệt ấy. Bạn phải thay đổi đi, hãy tìm cho mình những mối quan hệ mới phù hợp, thích nghi với hoàn cảnh mới, vị thế và sức khoẻ hiện tại của mình. Bạn hãy đánh giá lại chính mình. Trong cơ quan và ngoài đời có những người bạn nào yêu quý vì chính con người mình, thì họ vẫn bên mình mỗi ngày. Còn người nào quen mình chỉ vì mình đem lại lợi ích cho họ, giờ cái lợi ích ấy không còn nữa, họ thay đổi thì cũng không nên mong chờ mối quan hệ đó.
Trong cuộc đời, tôi luôn làm chủ được những mối quan hệ của mình nên chẳng bao giờ phải bận tâm về những chuyện đó cả. Ngay cả lúc còn phụ trách nhà hát và các đoàn biểu diễn, tôi cũng đều mạnh mẽ lôi các bạn đi mà không quan tâm các bạn ấy sẽ mang lại cho mình cái gì ngoài đôi lần anh em đi ăn uống với nhau. Nhưng bây giờ phải hạn chế bia rượu rồi nên cơ hội để ôm hôn nhau là không còn nhiều lắm. Tôi lại có thêm nhiều người bạn mới ngoài xã hội, cùng đi chơi, du lịch. Khi một cánh cửa đóng lại thì sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra.
Nói đến chuyện nhân tình thế thái, ai còn ai mất, đó là lý lẽ thông thường của một người nghỉ hưu. Tôi lại không phải người thông thường mà khá đặc biệt. Tôi chẳng cần mối quan hệ nào vì tôi là người tự tạo ra các mối quan hệ, không mong đợi một xu hướng nào hay đón đợi một tình cảm nào cả. Còn ai thân tình với mình - các bạn ở Nhà hát Tuổi Trẻ vẫn đến đây suốt, nhưng chúng tôi không nói chuyện công việc nữa.
Hiện tại, tôi có cả cuộc sống mở ra trước mắt. Ngày xưa, tôi không hề biết bầu trời có màu xanh, đơn giản vì tôi cúi mặt tìm tiền suốt mấy chục năm. Tôi còn phải đi bán vé cho nhà hát. Sau lưng mình là mấy trăm con người của nhà hát phải lo nghĩ làm sao để họ có thu nhập.
Bây giờ, tôi không phải đi tìm tiền nữa thì ngẩng mặt lên mới thấy bầu trời bao la mây trắng bay, còn mặt đất thì có màu nâu. Bạn biết đấy, đời sống nghệ sĩ vô cùng vất vả. Ngôi sao kiếm được nhiều tiền chỉ là một vài người thôi. Nhiều người còn làm hình ảnh chứ cuộc sống thật họ phải đi vay mượn, thuê nhà xe, thuê cả người yêu để họ làm hàng.
Thực sự đời sống của nghệ sĩ vất vả vô cùng. Mà nghệ sĩ sân khấu còn khổ nữa vì mỗi buổi tối đi diễn chỉ được có thù lao 100.000 -200.000 đồng, một tuần chỉ diễn được 1-2 buổi. Thời điểm tôi nghỉ hưu vẫn có những em lương tháng chỉ có 2 triệu đồng. Các bạn đi học bốn năm đại học, thực tập ở nhà hát 4 năm chỉ để nhận 2 triệu tiền lương. Tôi đau lòng lắm chứ. Đây cũng là điều khiến tôi day dứt một chút, và mình giao lại cái day dứt ấy cho em Sĩ Tiến.
Lương thấp nhưng các em nghệ sĩ trẻ vẫn say nghề, làm nhiều việc khác kiếm sống nữa. Và thật sung sướng khi chúng ta có được niềm say mê trong lòng. Ví dụ tôi đang say mê nuôi chim nuôi cá, say mê cuộc sống, tập thể dục… Sợ nhất là trong lòng trống rỗng, không hiểu mình đang cần cái gì. Những người như thế sẽ mệt mỏi nhất. Những ông say mê quyền lực, giờ nhấc cái ghế ra là đứng cứ khom khom vì không còn cái ghế nữa, nhưng đứng thẳng không được và ngồi sụp xuống đất cũng không xong. Những ông ấy mới là những ông khổ nhất chứ không phải tôi.
Có nỗi sợ vô hình nào ở tuổi này anh còn phải đối diện? Sợ bị lãng quên chẳng hạn?
Khi tôi nói ở nhà hát 44 năm, nghỉ hưu ở năm thứ 45 và nhận ra đã bỏ quên chính mình nhiều năm, tôi cũng không có ý nuối tiếc gì về quãng thời gian đã qua, lại càng không băn khoăn về thời gian tiếp theo. Con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành, phát triển và lại ra đi. Mình xác định như vậy thì sẽ dễ dàng, thanh thản bước qua từng cột mốc thôi. Mà đến đoạn đường này chỉ còn mình thôi thì hãy sống sao cho thoải mái, sung sướng nhất và không phải bận tâm bất cứ điều gì. Bởi như bạn thấy đấy, việc yêu chính mình khó vô cùng.
Đôi khi tôi nghĩ mình hiểu bản thân nhất, nhưng thực ra mình lại chẳng hiểu gì. Mấy chục năm qua tôi dành cho người khác thì giờ mới là lúc nhận ra mình cần tập thể thao phải giữ sức khoẻ, phải điều tiết tất cả vấn đề ăn nhậu. Tôi cũng biết chiều bản thân, lúc nào thích đi du lịch thì đi, thích chơi cái gì thì chơi ngay… Và tôi phải xác định được phía trước mình là gì. Phía trước mình là sự ra đi vĩnh hằng. Vì ai cũng phải ra đi, có ông nào tốt quá tới độ không chết được đâu. Tốt quá cũng chết mà xấu quá vẫn ra đi như thường. Thế nên tôi nghĩ sự an nhiên là quan trọng nhất. Bây giờ tôi có được cái vốn lớn, đó chính là sự an nhiên.
Còn cuộc sống gia đình là một phần của mỗi con người, không phải đơn giản lúc nào cũng nói ra được. Rất cảm ơn các bạn đã động viên, chia sẻ, hỏi thăm và phỉ báng nhưng đó là góc nhìn của mỗi người nên tôi sẵn sàng chấp nhận.
Vì sao anh lại xác định phía trước của mình là vào viện dưỡng lão? Nghe như Chí Trung cô đơn hoặc nếu không, quyết định ấy có thể khiến người thân của anh buồn lòng?
Không vì việc vào viện dưỡng lão ấy là quyết định rất văn minh của xã hội và tôi suy nghĩ như vậy không đồng nghĩa tôi sẽ bước chân vào đấy. Điều đó còn ảnh hưởng rất nhiều bởi hoàn cảnh, sức khoẻ lúc đó - liệu tôi có tự đi vào đó được không hay cần có người bê vào. Hoặc có thể mọi người giữ ở nhà. Nhưng xu hướng văn minh là mỗi người đến một phần đời nhất định sẽ có vai trò và vị trí của mình. Viện dưỡng lão cũng là một thứ như thế. Hiện nay, chúng ta đang không quen, định kiến cho rằng bố mẹ vào viện dưỡng lão là vì bị con cái hắt hủi.
Nếu tôi vào viện dưỡng lão, tôi sẽ nắm tay vợ tương lai hay bạn gái mình vào để cả hai được thoải mái. Nếu có tiền, vào viện dưỡng lão cũng như đi du lịch, ở resort thôi nhưng không phiền con cái, lại được bác sĩ, hộ lý chăm sóc (cười). Nhưng nói vậy không có nghĩa tôi sẽ vào viện dưỡng lão ngay ngày mai. Vì tôi đã sống đâu, bây giờ tôi mới bắt đầu chơi mà.
Cảm ơn Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung vì cuộc phỏng vấn thú vị!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất