07/07/2012 13:57 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Cao Thái Sơn có thể xem là vụ việc “hát nhép” đầu tiên được xử lý từ khi “trào lưu” bài trừ vấn nạn này được khởi xướng rầm rộ. Tuy nhiên, ngoài việc xử phạt để răn đe, điều quan trọng hơn nữa là biện pháp để ca sĩ không thể nào “hát nhép”.
Trước khi đi vào vấn đề chính, cũng cần hiểu thêm về khái niệm của hát playback và hát nhép. Hiện nay ngoài việc ca sĩ hát với ban nhạc sống trong những buổi biểu diễn “live” trên sân khấu, phổ biến còn có thêm 2 dạng như sau: Nếu ca sĩ hát trên nền nhạc đệm thu sẵn (hoặc có cả phần bè) phát ra từ đĩa được thu âm trước, hình thức này thường gọi là hát “playback”. Nếu ca sĩ thu sẵn cả nhạc đệm, cả giọng hát, lúc biểu diễn chỉ nhép miệng theo gọi là “hát nhép”. Cũng có khi ca sĩ hát “thật” trên nền nhạc và giọng hát thu sẵn, trường hợp này dân nhạc gọi là “hát chồng”.
Hát với dàn nhạc sống thì ca sĩ không thể “nhép”
Quản lý chặt đĩa playback
Hiện nay, công luận đang lên án hiện tượng hát nhép, hát playback không bị lên án nhưng không được khuyến khích. Tuy nhiên ranh giới giữa hát playback và hát nhép là rất mong manh. Lúc thẩm định hoặc duyệt chương trình, ca sĩ hát playback, nhưng khi biểu diễn họ đưa đĩa thu sẵn cả lời ca và… “nhép”.
Một vài nhà tổ chức bắt ca sĩ phải đưa đĩa playback trước, để người phụ trách âm thanh cho chung vào máy vi tính nhằm quản lý. Trong trường hợp này thì ca sĩ không thể hát nhép, nếu nhà tổ chức không muốn chương trình mình tổ chức là có hát nhép.
Tuy nhiên, đó là những chương trình tổ chức có bài bản, khá hiếm hoi, nhưng phổ biến hiện nay, nhất là các show sự kiện, mỗi ca sĩ trước vài phút biểu diễn được người quản đến đưa đĩa, hát xong rút lại để tiếp tục chạy show. Nếu có mặt tại khu vực làm âm thanh một show diễn có nhiều ca sĩ hát playback, chúng ta sẽ thấy sự xô bồ, nhốn nháo ở đây. Người phụ trách âm thanh lúc này chỉ có nhiệm vụ bấm bài nào trong đĩa, theo “lệnh” của ca sĩ hoặc người quản lý của ca sĩ, không có thời gian (và đôi lúc họ cũng không có trách nhiệm) để kiểm tra.
Vì vậy, với việc hát playback, nếu nhà tổ chức quản lý chặt bản nhạc đệm thu sẵn thì ca sĩ có muốn hát nhép cũng không thể thực hiện được. Điều này khá đơn giản, nhưng trong thực tế khá nhiều nhà tổ chức không làm được, chương trình Quà tặng âm nhạc và vụ việc hát nhép của Cao Thái Sơn là một ví dụ cụ thể.
Nhạc “đẳng cấp” thì không thể “nhép”
Hiện nay trong các chương trình lớn, hoặc các live show ca sĩ, đa số không hát playback mà luôn có dàn nhạc trực tiếp đệm cho ca sĩ. Có khi ngoài dàn nhạc điện tử, còn có cả dàn nhạc dây hoặc dàn nhạc giao hưởng. Hát với nhạc sống được xem là “đẳng cấp”, bởi hát với nhạc sống mới có thể có những ngẫu hứng sáng tạo, những thăng hoa trong diễn cảm của ca sĩ và dàn nhạc để tạo nên những cộng hưởng cảm xúc mà “nhạc máy” (playback) không bao giờ có được.
Và khi đã dùng ban nhạc sống trên sân khấu, điều quan trọng là ca sĩ phải hát thật, chứ không thể mở đĩa để “nhép” riêng giọng hát với nhạc sống. Bởi điều đơn giản, với playbach, ca sĩ nghe nhạc trong đĩa để hát, chứ thu sẵn giọng hát trong đĩa thì giọng hát này không thể “nghe” các câu dạo nhạc của ban nhạc sống để vào cho đúng nhịp được. (Trường hợp ca sĩ hát nhép, ban nhạc ngồi trên sân khấu giả vờ đàn theo, trong Chỉ thị 65, gọi là “nhạc nhái”, trường hợp này cũng bị cấm).
Vì vậy, chắc chắn 100%, khi đã dùng ban nhạc sống thì ca sĩ phải hát sống, không thể hát nhép. Tuy nhiên, để đạt được yếu tố nhạc “đẳng cấp” này, không phải chương trình nào cũng làm được. Vì nó tốn nhiều thời gian tập luyện, tốn kém nhiều chi phí - điều mà các show diễn có đầu tư chi phí thấp hoặc ca sĩ không có khả năng ca hát, không thể thực hiện được.
Gió đã xoay chiều? Trước đây, khi nói đến chuyện hát nhép trong những show diễn trực tiếp trên sóng truyền hình, các nhà đài thường viện dẫn lý do để bảo đảm chất lượng âm thanh. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều chương trình truyền hình trực tiếp trên truyền hình như: Cặp đôi hoàn hảo, Sao Mai - Điểm hẹn, Bài hát yêu thích… (VTV); Ngôi sao Tiếng hát truyền hình, Ngôi nhà âm nhạc… (HTV) là khá tốt. Công luận chưa hề phàn nàn về chất lượng âm thanh và thật sự là chưa có “thảm họa” âm thanh nào xảy ra. Có lẽ đã đến lúc ngành truyền hình chúng ta đã đủ “hiện đại” để các nhà đài không còn lo lắng về chất lượng âm thanh nữa. Và như thế chúng ta có quyền tin tưởng “gió đã xoay chiều”, các nhà đài sẽ tích cực hợp tác cùng Cục Nghệ thuật Biểu diễn để “tiêu diệt” vấn nạn hát nhép. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất