Chi hơn 5 tỷ đồng cho đi du học, về nước làm trái ngành, lương đủ sống là mãn nguyện: Nhiều người trẻ du học để trải nghiệm, không áp lực phải thành công

17/05/2023 15:01 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Sau 4 năm du học ở Anh, Minh Thư trở về Việt Nam. Nhưng cô như bị choáng ngợp, khó làm quen với nhịp sống và làm việc trong nước.

Tiêu tốn hơn 5 tỷ đồng du học, về nước làm nhân viên văn phòng lương 7 triệu

Minh Thư (Hà Nội) sinh ra trong một gia đình có điều kiện. Cha mẹ là chủ doanh nghiệp nên từ nhỏ cô đã có cuộc sống đầy đủ, sung túc, không thiếu thứ gì. Học xong cấp 3, Minh Thư được bố mẹ đầu tư cho đi du học ngành quản trị kinh doanh ở Anh. Với mức học phí khoảng 32000 USD/năm, cùng với chi phí ăn ở, đi lại, sau 4 năm đại học Minh Thư cho biết cô đã tiêu hết của bố mẹ khoảng hơn 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Minh Thư là một cô gái khá nhút nhát. Trong thời gian đi du học, cô không có quá nhiều bạn bè giao lưu. Sau khi tốt nghiệp, bố mẹ mong muốn Minh Thư về nước để tìm việc và lập gia đình để sống gần bố mẹ. 

Trở về Hà Nội, Minh Thư không muốn làm trong công ty gia đình vì cảm thấy không phù hợp. Cô đem hồ sơ đi nộp ở nhiều công ty. Nhưng ngay lần đầu tiên đi phỏng vấn xin việc, cô gái trẻ cảm thấy bị choáng ngợp bởi công ty yêu cầu cao về thời gian làm việc, mong muốn 1 nhân viên kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau… Mặc dù trúng tuyển ngay, nhưng cô gái trẻ chỉ thử việc được 1 tuần thì từ bỏ.  Bởi chưa có kinh nghiệm làm việc, Minh Thư cảm thấy quá áp lực. 

Cô tâm sự: “Đó là một công ty về thương mại điện tử chuyên hoạt động ở thị trường nước ngoài. Công việc của tôi là chăm sóc khách hàng, biên dịch các tài liệu về sản phẩm từ tiếng Việt và tiếng Anh… Đôi khi, tôi còn phải kiêm nhiệm thêm công việc làm giấy tờ, đánh văn bản… Các công việc không đúng như ngành học của mình, môi trường làm việc khô khan khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, áp lực”.

Minh Thư tự nghỉ việc sau 1 tuần làm việc. 1 năm tiếp theo sau khi về nước, Minh Thư vẫn thi thoảng nộp hồ sơ xin việc nhưng cô chẳng mặn mà đi phỏng vấn, thử việc. Cô lấy lý do cần thời gian nghỉ ngơi, làm quen với môi trường sống nên vẫn lăn tăn chuyện tìm việc làm. 

Quá sốt ruột khi con gái đi du học về những mãi không tìm được việc làm, bố mẹ Minh Thư quyết định nhờ 1 người bạn bố trí công việc tester phần mềm cho con gái. Tester là những người kiểm tra chất lượng phần mềm, phát hiện ra các lỗi, sai sót hay bất cứ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng phần mềm. 

photo-1684309454899

Ảnh minh họa

Dù mức lương ban đầu chỉ 8 triệu đồng, nhưng sau một thời gian làm việc, Minh Thư cảm thấy đây là 1 công việc phù hợp với bản thân dù trái chuyên ngành. Cô có thể tự mày mò học và làm việc mà không cần phải trao đổi, giao tiếp quá nhiều. Mục tiêu của Minh Thư là tiếp tục nâng cao kỹ năng, ngoại ngữ để có thể nâng lương lên cao hơn.

“Có thể nhiều người cho rằng, bố mẹ bỏ ra tiền tỷ để cho đi du học, con gái về lại đi làm tester thì thật thất bại. Tuy nhiên, tôi cảm thấy, việc du học đã cho tôi trải nghiệm cuộc sống mới mẻ, cách suy nghĩ cũng thoáng hơn. Hiện tại, tôi bằng lòng với công việc của mình và quyết định tiếp tục học thêm ngoại ngữ để nâng cao chuyên môn. Mặc dù hơi muộn, nhưng tôi đã tìm thấy con đường phù hợp với mình”, Minh Thư tâm sự.

Du học để trải nghiệm, không áp lực phải thành công

Thanh Nga (30 tuổi) cũng là một du học sinh Đài Loan (Trung Quốc) ngành Truyền thông Marketing. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô đã có thời gian 5 năm đi làm ở các vị trí hành chính nhân sự ở các công ty. Trong thời gian đi làm, cô vẫn tiếp tục trau dồi ngoại ngữ và tìm cơ hội đi du học để trải nghiệm và nâng tầm hiểu biết. 

Năm 2020, cô nộp hồ sơ xin học bổng và may mắn nhận được cơ hội du học tại 1 trường đại học thuộc Đài Loan (Trung Quốc). Đi học đúng đợt dịch COVID-19 căng thẳng nhất, Thanh Nga ít có cơ hội đi du lịch, giao lưu quốc tế. Thay vào đó, cô tìm việc làm thêm ở các nông trại vùng ngoại ô của Đài Loan. Tại đây, cô chủ yếu lao động như những nông dân, vừa chăm sóc nông trại vừa thu hoạch nông sản. Công việc chân tay khá vất vả, nhưng bù lại cô được trải nghiệm cuộc sống ở vùng ngoại ô yên bình và nhiều cảnh đẹp thiên nhiên.

Chi hơn 5 tỷ đồng cho đi du học, về nước làm trái ngành, lương đủ sống là mãn nguyện: Nhiều người trẻ du học để trải nghiệm, không áp lực phải thành công - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Sau 2 năm du học, Thanh Nga về nước và lựa chọn tiếp tục công việc hành chính nhân sự, nhưng hướng tới các công ty nước ngoài, có quy mô lớn hơn. Hiện tại, cô đang làm vị trí hành chính của một công ty về kiến trúc, nội thất tại Cầu Giấy với mức lương 14 triệu đồng và hưởng mức thưởng hàng tháng theo tình hình kinh doanh của công ty. Tổng thu nhập của Nga thông thường cũng khoảng trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Công việc hàng ngày là xử lý giấy tờ, văn bản kinh doanh và đầu mối liên hệ cho các nhân sự trong công ty với các khách hàng ở nước ngoài. 

“Công việc cơ bản ít cạnh tranh, ít áp lực dù cũng có những ngày khối lượng công việc lớn. Tôi không mong cầu thành công, giàu có. Tôi muốn sống cuộc đời mình thích, biết chăm chút cho bản thân, dành thời gian báo hiếu bố mẹ... Tôi có thời gian thảnh thơi đi tập gym, tận hưởng cuộc sống độc thân. Với tôi vậy là đủ”.

Thực tế, câu chuyện du học sinh về nước không thành công như kỳ vọng không hiếm. 

Nhiều cha mẹ kỳ vọng cho con đi du học để có tương lai rộng mở, nhiều cơ hội việc làm tốt, lương cao. Nhưng họ quên không suy xét kỹ đến ngành học đó có phù hợp với con hay thị trường lao động trong nước hay không. Đến khi trở về, du học sinh bị mất cân bằng và khó khăn khi tìm việc vì thiếu kỹ năng phù hợp. Nhiều người phải quay sang làm trái ngành, trái nghề với mức lương thấp hơn kỳ vọng.

Bên cạnh đó, nhiều người lựa chọn du học như một trải nghiệm sống. Thời gian học ở nước ngoài là dịp để họ mở mang tầm mắt, thay đổi môi trường sống, trải nghiệm những điều mởi mẻ.

Thật khó đánh giá việc du học đem lại hiệu quả đến đâu. Tùy thuộc vào mục tiêu, khả năng của mỗi người, trước khi quyết định du học cần có kế hoạch lỹ lưỡng, suy xét các khía cạnh để tránh lãng phí thời gian và tài chính.

Hoa Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm