Chèo tàu: Nỗi buồn của “Ứng viên” Di sản thế giới một thời

16/06/2009 10:42 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH) - Chèo tàu - một loại hình diễn xướng hầu Thánh ở Tổng Gối (Đan Phượng, Hà Tây, nay là Hà Nội) đã từng được lập hồ sơ đề cử Di sản thế giới năm 2001 (cùng với múa Thái), nhưng không thành công. Đến nay, dù đã có rất nhiều nỗ lực sưu tầm khôi phục Chèo tàu, nhưng do bị thất truyền đã quá lâu, lệ thánh lại 25 năm mới mở hội một lần, nên mọi việc vẫn còn đang dang dở. Ngay tại quê hương của Chèo tàu, các nghệ nhân gắn bó với Chèo tàu nhất vẫn ngày ngày khắc khoải đi tìm Chèo tàu đích thực.

Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ nhiệm CLB hát Chèo tàu Tân Hội cũng là một cái tàu - một trong 2 người nữ đứng ở hai đầu tàu để lĩnh xướng cho con tàu hát. Không hiểu bà “công to việc nhớn” gì mà gọi điện tới lần thứ 13 chúng tôi vẫn chỉ gặp ông Tiến, chồng bà. Ông nói qua điện thoại: “Bà ấy, hôm nay, mắc đi nộp lãi ngân hàng rồi. Hôm khác gọi lại”. Cuối cùng, chúng tôi đích thân đến Ngân hàng Nông nghiệp huyện Đan Phượng mới gặp được đương kim chủ nhiệm CLB hát Chèo tàu xã Tân Hội, kiêm cái tàu Nguyễn Thị Thu.

cái tàu “360 triệu hồng cầu văn nghệ”
 
Theo bà Thu về đến cổng làng, chúng tôi được bà mời vào quán nước trà gần đó. Bà sôi nổi và cũng nhanh gọn như ông Nhật khi cho chúng tôi biết lý do bà đến với Chèo tàu: “Con người tôi có 360 triệu hồng cầu thì có đến 360 triệu máu văn nghệ rồi. Thời còn “đương xuân”,nhà tôi ở gần nhà cụ Tiến Thị Lục, một nghệ nhân hát Chèo tàu giỏi của làng (nay đã mất). Ban đầu cũng chỉ học mót thôi, nhưng sau lần mở hội năm 1998, làm chủ nhiệm CLB năm 2002 tôi mới bắt đầu tập chung vào “chuyên môn”. Cụ Lục vui lắm. Cụ chỉ bảo, uốn nắn cho tôi từng ly từng tý. Phải nói rằng, ngày đó, thầy cũng như trò, ai cũng móc hết ruột gan mình ra để dạy, để học nên hát mới “có nghề” được. Nếu không quyết tâm, tôi nói thật, chả bao giờ tôi biết đến điệu chèo cổ này đâu”.


Quang cảnh hát chèo tàu

Để chứng minh cho “máu văn nghệ” của mình, bà Thu hớp một ngụm nước trà, hắng giọng rồi đĩnh đạc ca một bài Chèo tàu mới nhất vừa sưu tầm được. “Tay cầm dao mác, thanh nan/ Lên chùa thanh vắng ta đan cái xời/Không may xời đổ toi rơi/ Cho cua bò mất anh thời về không/ Lậy trời hây hẩy gió đông/Cho cua bò lại bõ công anh đan xời. (Lên Chùa).

Định ca “khuyến mãi” cho khách nghe thêm một bài, chợt bà Thu khựng lại, ngửa mặt nhìn lên trời rồi túm lấy tay cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi lật ra xem giờ. Bà thốt lên: “Quá Ngọ mất rồi. Chết thật. Tôi lại phải đi dự tiệc. Có gì hôm khác cô chú quay lại được không?”

Chưa kịp nài nỉ bà, bỗng một ông lọc cọc xe đạp lò dò tới, ông Đông Sinh Nhật, một người chuyên nghiên cứu, cố vấn cho Chèo tàu ở làng. Bà Thu túm luôn ghi đông xe, giữ ông Nhật lại: “Đây đây, bác Nhật đây. Chèo tàu thì chỉ có bác Nhật đây là tỏng tòng tong nhất, có gì cô chú cứ hỏi bác, bác sẽ cung cấp. Còn tôi, cứ biết Chèo tàu đã là máu rồi nên không bỏ đâu. Thế nhá, tạm biệt.”

Ông Nhật không kịp phản ứng gì bà Thu đã quáng quàng đạp xe đi. Vừa đạp xe bà vừa hát một đoạn trong bài Lý giao duyên và quay lại nhìn ông Nhật nháy mắt một cái trước khi quành xe vào lối rẽ...

Vừa cạo da lợn vừa hát Chèo tàu

Còn lại một mình, ông Nhật nói nhỏ với chúng tôi về cái “nháy mắt ” của bà Thu: “Bà ấy nháy mắt với tôi ý đừng nói với các vị là bà ấy đi làm chứ chả phải cỗ bàn gì đâu”.

Hỏi ông Nhật, bà Thu làm gì? Chần chừ giây lát, ông “tiết lộ” bà Thu đi cạo da lợn. Theo lời chỉ dẫn đến nơi bà Thu đang hành nghề, chúng tôi lặng lẽ ra khỏi làng tới cánh đồng Dinh. Giữa cánh đồng này là lăng Văn Sơn, nơi thờ Văn Dĩ Thành, là thực địa của hội hát Chèo tàu xa xưa. Tại đây, trong hội hát Chèo tàu, người ta sẽ dựng lên một tòa dinh thự bằng tre nứa rất lớn để đón đoàn hát rước vào. Qua lăng Văn Sơn khoảng hơn 5 chục thước mét là xưởng sơ chế da lợn có bà cái tàu đang liếc dao lọc mỡ, cạo lông trong đó.

Không cần hỏi thăm ai chúng tôi cũng biết bà Thu đang làm việc trong xưởng nhờ điệu Chèo tàu bà đang cất lên vọng ra từ một góc nào đó.

Không nỡ làm kinh động đến phút thăng hoa của bà cái tàu đang say trong điệu hát, chúng tôi nhón chân mạo phạm thâm nhập nhà xưởng từ cửa sau, ngay cạnh chỗ bà Thu ngồi. Vừa qua bậu cửa, chúng tôi chạm mặt một lão thợ rán mỡ bốc mùi tóp cháy đang ngẩn tò te nghe bà Thu hát. Để ý thấy mắt lim dim, tay phải chống điếu cày xuống nền xi măng, tay trái cầm chiếc bật lửa dứ dứ gần thân điếu. Sau mỗi lần bà Thu ngắt nhịp, chuyển lời lão lại gõ chiếc bật lửa đánh “cạch” một tiếng vào thân điếu, miệng giả tiếng phách “tom chát tom”. Bà Thu dừng dao, không phải vì phát hiện ra chúng tôi mà quát vào mặt lão cầm điếu cày: “Có thôi đi không! Nói cho mà biết nhá, xênh phách kiểu đó là của ca trù. Định biến Chèo tàu thành ca trù phỏng?” Có tiếng “đồng nghiệp” ở thớt đối diện với bà lên tiếng: “Mặc xác nó đi chị ơi! Chị hát tiếp cho chúng em nghe đi”. Bà Thu lại vớ dao, vừa cạo lông, lọc mỡ vừa hát. Tiếng hát của bà cái tàu có khác, trong và ngân.

Bà dứt lời, mấy chục cái đầu đang cắm cúi cạo da lợn đồng loạt ngẩng lên, hướng về phía bà vì mạch thưởng thức bị cắt đứt. Không ai trong đám nhân công vỗ tay mà chỉ có lão rán mỡ lợn người Phú Thọ sặc khói thuốc lào vì bị bà Thu ngắt mạch “sung sướng” khi dừng hát. Thấy chúng tôi đứng như trời trồng ngay bên đống da lợn bốc mùi lờm lợm, bà Thu thoáng chút ngượng ngùng, vừa cầm mảng da lợn trắng ởn dơ lên vừa nói: “Có người bảo làm chủ nhiệm CLB Chèo tàu, hưởng “lương nhà nước” rồi còn nai lưng lọc mỡ với cạo lông lợn chắc phen này giàu nứt đố, đổ vách. Tôi buồn lắm. Có được một đồng nào từ cái chức ấy đâu mà người ta đồn cho... mỏi miệng cơ chứ. Đây với lăng Văn Sơn chỉ cách mấy bước chân, tôi thề, nếu nói sai các thần sẽ vật tôi chết, rằng tôi năng kiếm tiền vì lo cho bệnh tật của chồng, cho bữa ăn hàng ngày. Còn Chèo tàu, tôi đang phát điên lên vì không biết làm thế nào cho đúng với vốn cổ của nó đây. Nhưng mà, gì thì gì tôi cũng phải sống đã, rồi mới hát...”

Hát Chèo tàu là một loại hình diễn xướng dân gian lớn, có khi kéo dài đến bảy ngày bảy đêm ở đất Tổng Gối xưa (nay là xã Tân Hội, Ðan Phượng, Hà Nội). Từ “tàu” ở đây không có nghĩa là xuất phát từ nước Tàu (Trung Quốc) mà có nghĩa là “con thuyền”. Khi vào hội, người dân đóng những con thuyền và những con voi lớn bằng gỗ (vì thế hát Chèo tàu còn có tên là hát Tàu Tượng), người tham gia diễn xướng được phân vào các “vai” cái tàu (người chỉ huy tàu), con tàu, và quản tượng... đứng trên thuyền, trên voi để hát theo những làn điệu cổ... Trọng tâm của lễ hội là cuộc hát rước, tế lễ ở lăng Văn Sơn - nơi thờ Văn Dĩ Thành, tương truyền là danh tướng thời Trần. Giá trị của hát Chèo tàu chính là ở nghi thức diễn xướng kỳ lạ và các lời ca, điệu hát độc đáo...

Hội hát Chèo tàu cuối cùng diễn ra ở tổng Gối cách đây đã 86 năm (Nhâm Tuất 1922). Lần “tái tổ chức hội hát Chèo tàu” vào năm 1998 chỉ được các cụ trong làng xem như là cái mốc, đánh dấu cho sự trở lại chứ chưa đủ tầm đạt đến độ chuẩn về cách thức tổ chức cũng như nội dung so với hội hát Chèo tàu cổ.

Đón xem tiếp kỳ sau: Nghệ nhân Chèo tàu vẫn khắc khoải đi tìm... Chèo tàu

Yên Khương - Huy Thông

Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam. Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm