Chèo ma!

07/07/2009 10:22 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH) - Xưa nay, nhắc đến chèo cổ, người ta nghĩ ngay đến những làng chèo nổi tiếng trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ như làng Thiết Trụ (Hưng Yên), làng Thất Gian (Bắc Ninh), làng Đặng, làng Quang Sán, làng Nhân Nhuế (Nam Định) và đặc biệt nổi tiếng là làng Khuốc (Thái Bình) mà TT&VH đã giới thiệu. Nhưng ít ai biết còn có một loại chèo rất lạ, chỉ phổ biến ở Mường Muốt (xã Cẩm Thành, Cẩm Thủy, Thanh Hóa)

Chèo ma còn lại một người sắp ra... ma!

Chúng tôi về Mường Muốt, một trong những cái nôi của chèo ma, cách thành phố Thanh Hóa gần 100km về phía Tây. Qua hỏi thăm, chúng tôi được người dân chỉ đường đến nhà cụ Cao Ngọc Rạng, nghệ nhân hát chèo ma lừng lẫy một thời khắp sáu Mường (Cẩm Thủy lên Bá Thước, Điền Lư, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Lang Chánh).


Cụ Cao Ngọc Rạng - nghệ nhân cuối cùng đang diễn lại chèo ma
 (cây gậy ông cầm chính là dụng cụ để “chèo”)

Nhà cụ Rạng ở cuối làng Muốt. Sau một hồi trao đổi, cụ kêu con dâu dậy, nhen lửa cho chúng tôi sưởi ấm rồi bằng giọng khò khè như thể đang mắc bệnh hen, cụ tự bông đùa: “À, chính xác ta là Cao Ngọc Rạng, dân tộc Mường, 86 tuổi, “chủ chòm” kiêm trai chèo ma duy nhất còn sót lại ở làng Muốt đây, hỏi gì về chèo ma thì hỏi thôi, thâu đêm tới sáng cũng được. Nhớ đến đâu nói đến đó cho nghe thôi”.

Cụ Rạng học chèo ma với ông mo Bùi Văn Phúc ở Bá Thước, cách Mường Muốt chừng ngày rưỡi đi bộ, từ khi lên 10 tuổi. “Lệ phí nhập học” là hai trâu, một bò. Cụ kể: “Ta phải tự dắt hai con trâu, một con bò ngược lên Bá Thước xin ông Phúc cho học chèo ma. Dắt trâu, bò đến sân nhà ông Phúc ta phải tự lấy dao làm thịt trâu, thịt bò mời ông Phúc ăn, xin ông Phúc học. Nhà ông Phúc tối như hang, như hốc, muỗi nhiều như ong, muỗi nhiều như kiến nhưng ông Phúc không bị cắn, không bị đốt. Ban đầu ta thấy sợ, định thôi không học, định bụng bỏ về, nhưng ông Phúc quệt tay vào ông đầu rau, lấy ám khói đen gạch một dấu thập vào giữa trán ta rồi lẩm nhẩm gì đó. Ta đoán chắc là ông đang làm bùa. Từ đó, ta ngồi im như tượng, ngồi lặng như đá mà muỗi không bay chạm vào người, yên tâm học hành đến nơi đến chốn, sau ba tháng thì thuộc, sau sáu tháng thì thành, nhạc chơi thông, chơi thạo, 10 mái diễn đạt, diễn tường....”

Theo mo Phúc đi “lưu diễn” khắp các xứ Mường như Cẩm Thủy, Bá Thước, Điền Lư, Thạch Thành, Lang Chánh, Ngọc Lặc... được dăm năm thì cụ Rạng xin về. Năm 17 tuổi, cụ thành lập phường chèo ma làng Muốt, gồm 12 trai chèo. Giống như múa trống bồng của người Triều Khúc, phường chèo ma chỉ có nam chèo chứ không có nữ. Tất cả các vai nữ trong chèo ma đều do các nam chèo giả gái vào vai. Cụ kể : “Nhà nào có người chết, “đúng với quy luật” đều sắm sanh lễ vật đến cầu phường chèo ma của ta. Ngày phường chèo còn, mỗi bận ta đi hát, mỗi lần ta đi diễn, tiền thưởng địu về hàng đống, tiền thưởng cõng về gù lưng, giàu không thua gì nhà Lang, nhà Đạo... (người cai trị, có quyền thế nhất trong một Mường)”.

Nhưng đến năm 1984 không những phường chèo tan rã mà bản thảo chép tay 10 “mái” chèo ma (10 làn điệu chèo) và những tích trò cười nổi tiếng cùng toàn bộ trang phục, đạo cụ như lốt hổ, mặt nạ, lẫn cồng chiêng, trống cơm, trống bẹt, tù và vốn là nhạc cụ chơi đệm cho chèo ma đã bị ra tro trong một vụ hỏa hoạn. Sau này, phần bị cho là hủ tục, phần do các nghệ nhân chủ chốt đều khuất núi, muốn dựng lại cũng không biết lấy đâu ra trang phục, đạo cụ nên chèo ma cũng không được đả động đến trong bất kì một đám tang ở xứ Mường này !

10 “mái” chèo ma còn nhớ 6

Những làn điệu chèo được hát thâu đêm suốt sáng, kéo dài hết ngày này qua ngày khác, có thể “tái diễn” hàng chục ngày, diễn chèo mà như “diễn xiếc” trước linh cữu người chết chỉ để nhằm một mục đích là…làm vui cho đám ma!

Khác với chèo Bắc bộ hát ở sân đình, hát chèo ma chỉ diễn ra khi có đám tang người “chết đúng qui luật” (thọ từ 70 tuổi trở lên) và chỉ hát trước linh cữu người chết. Nội dung chèo ma rất dài, gồm 10 “mái” và những tích trò cười được chia thành hai phần: chèo buồn (hát kể “tầng chay năm tháng” với lời lẽ rất buồn về công ơn cha mẹ, giờ cha mẹ mất đi, con cái trả hiếu bằng cách mời phường chèo đến hát tiễn cha mẹ (đã mất) về cõi Mường Trời) và chèo vui (ca, vũ, âm điệu) với hai tầng ý nghĩa: báo hiếu và gây cười.

Liệu có gì gần gũi giữa 10 mái và hát thập ân ? Đáp laị thắc mắc của chúng tôi, cụ Rạng cố diễn đạt bằng tiếng Kinh cho tôi hiểu: “Xưa kia tôi chỉ được học 10 mái chèo ma thôi, nhưng sau nhiều Mường thêm thắt vào đâu hai mái nữa nên thành 12. Trong 10 mái chèo ma tôi được học, hầu như mái nào cũng kể về công ơn cha mẹ... Còn nó có phải là hát thập ân kiểu Mường hay không thì còn phải nhờ các con các cháu nghiên cứu đã”. Xong, cụ hát một đoạn với nội dung “chia của hồi môn” bằng giọng phều phào: “... Trưởng nam lại đây cho gần/ Cho cha nhắn nhủ lời này cho con/ Của nhà chia ra làm ba/ Con cả thì thì ít, con ba thì nhiều/ Phần lương (thực) chia ra cho đều/ Đừng cho con ít, con nhiều mà thương... Ta sắt, ta rà, ta sắt”

Chúng tôi xin cụ Rạng kể tên 10 mái chèo ma (10 làn điệu chèo mà cụ được học) để ghi lại nhưng sau mọi biểu hiện lục lọi trí nhớ cả tiếng đồng hồ, cùng với sự trợ giúp là gọi điện thoại cho một trai chèo đang làm công nhân tại Bình Dương cụ cũng chỉ có thể kể tên được sáu mái là: chèo ngồi, chèo đứng (dựng chèo), chèo đưa, chèo đón, chèo lên trời, chèo ăn cơm, đưa vua, mừng vua... còn những mái còn lại cụ “khất nợ”, khi nào “cái đầu ta nó nhớ ra, ta khắc bảo con cháu nó “bấm a lô ra kể cho”.

Cụ Rạng tiếp tục đưa chúng tôi vào huyền tích li kì xoay quanh tục hát chèo ma: “Ngày xưa, chèo cho nhà nghèo thì chí ít cũng có xâu thịt, mo cơm mang về, còn chèo cho nhà giàu như nhà Lang, nhà Đạo thì tiền thưởng nhiều vô kể, bắc bếp nấu tiền đúc điếu đồng hút thuốc phiện cũng không hết. Nhà Lang, nhà Đạo, khi bố mẹ, ông bà chết, trong nhà có bao nhiêu con cái, râu, rể là bấy nhiêu đứa dắt trâu đến mời phường chèo. Người nào là chủ đi mời thì dọc đường sẽ bị “hát hỏi”: “Anh đi đâu/ Cái đầu thi trọc/ Cái tóc chẳng còn/ Nước mắt nhỏ non..?”, sẽ phải hát thưa lại: “Đi tìm là tìm nhà ông khố / Nhà có cha già mất đi/ Mất đi từng năm, mất đi từng tháng/ Rước thử vào nhà táng cho sáng cửa sáng nhà/ Nhưng không sáng cửa sáng nhà phải ra nhờ ông khố hát..”. Đến nhà ông khố, bày biện lễ vật đầy đủ theo như câu hát: “Rước phường phải có mười quan/ Có vải để buộc trống cơm hát chèo...” thì ông khố sẽ gióng tù và gọi các trai chèo tập trung lên đường theo gia quyến về “làm vui cho đám ma”. Cũng theo cụ Rạng, một đám tang trước đây thường tổ chức chèo ma ba ngày, ba đêm. Nhà Lang, nhà Đạo thì có thể bỏ tiền ra làm ma dài ngày. Cụ thể là, sau khi chôn cất người chết xong, gia chủ về nhà dựng lại một bộ khung xương người bằng cây dâu, liệm vào quan tài, đặt ở gian giữa, tiếp tục nhờ phường chèo hát và diễn trò, mời phần hồn người quá cố về làm ma thêm 7 ngày, 7 đêm nữa ! Tiền thưởng vãi đầy chiếu, ngập đầy mâm, tràn đầy mẹt. Người đến xem đông nghịt, chật kín gian trong, đầy ắp sân ngoài, trẻ con hôi tiền thưởng, dùng lạt xâu lại đeo lằn cổ, ngoắc rách tai cũng không hết. Đám ma mà vui như đám hội là vì thế...Giờ đây, vì phường chèo ma không còn để làm vui cho gia quyến và khách khứa đến phúng viếng nên dù là đám tang của nhà giàu hay nhà nghèo, đều buồn và thê thảm như nhau !

Đón xem tiếp kỳ sau: Đất chèo ma phải "làm ma" cho chèo  

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm