'Xé lẻ, nhận thầu' dễ sinh 'thảm họa dịch thuật'

15/05/2013 09:13 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Không phải vì tôi cũng là một người làm nghề dịch sách mà muốn lên tiếng bênh vực dịch giả. Tuy nhiên nguyên nhân dẫn tới thảm họa dịch thuật xuất phát từ nhiều phía, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chúng ta cần nhìn nhận điều này một cách toàn diện, công bằng.

Về nguyên nhân khách quan: Người dịch bị o ép thời gian, bị ép tiến độ cho kịp lịch xuất bản của đơn vị xuất bản, dẫn tới một bản dịch chưa hoàn chỉnh. Người dịch chỉ có 2 - 3 tháng dịch cho một cuốn sách. Trong khi với một cuốn sách khó dịch, lẽ ra phải cần ít nhất 6 tháng chẳng hạn, mới có thể hoàn thành tốt. Thậm chí người dịch có khả năng phải chia sẻ một tác phẩm dịch đó với 2 - 3 người dịch khác do đơn vị xuất bản xé lẻ tác phẩm dịch, chia cho nhiều người cùng dịch. Chưa kể người biên tập có trình độ kém hơn người dịch, đã hiểu sai ý và sửa sai phần dịch đúng của người dịch; hoặc người biên tập quá tin tưởng vào tên tuổi và uy tín của người dịch, không biên tập kĩ. 



Dịch giả Nguyễn Lệ Chi và nhà văn Bùi Anh Tấn trong một lần hai bên hợp tác chuyển ngữ tác phẩm ra tiếng nước ngoài

Về nguyên nhân chủ quan: Người dịch quá chủ quan, dịch lướt không chú ý kĩ từng chữ, dễ dẫn tới hiểu lầm và dịch sai ý. Người dịch sau khi đã nổi tiếng, có danh, được nhiều đơn vị xuất bản mời dịch, biết rõ không đủ sức lực và thời gian nhưng do tham công tiếc việc, vẫn nhận. Thường thì những người dịch dạng này sẽ “nhận thầu” tác phẩm cần dịch, rồi tổ chức chia lại cho một nhóm khác dịch, dẫn tới sơ sảy về chất lượng dịch. Người dịch mới vào nghề nôn nóng muốn khẳng định, háo danh, muốn chạy đua về số lượng tác phẩm nên nhận công việc quá sức, dẫn tới bản dịch còn non, đuối hoặc sai sót.

Do Chibooks chỉ tập trung xuất bản tác phẩm văn học nước ngoài nên đặc biệt chú trọng vào khâu dịch thuật. Việc tuyển chọn dịch giả chắc tay ngay từ khâu đầu, trung thành với nguyên tắc dịch không xé lẻ tác phẩm, mỗi tác phẩm chỉ một người dịch. Thường xuyên hợp tác chặt chẽ với người dịch, tạo điều kiện thêm thời gian nếu bản dịch chưa xong, không o ép người dịch về tiến độ thời gian để tạo tâm lý thoải mái. Người biên tập sau khi nhận bản thảo dịch sẽ dò đọc lại từng dòng so với bản gốc. Nếu phát hiện ra sai sót, thiếu hụt so với bản gốc sẽ lập tức chỉnh sửa, yêu cầu người dịch bổ sung hoặc sửa chỗ dịch sai của người dịch. Việc biên tập đi biên tập lại nhiều lần sẽ giúp hạn chế được những hạt sạn đáng tiếc về dịch thuật.

Hoàng Nhân ghi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm