Chạy ra tiền và chuyện 'kinh tế thể thao'

22/02/2024 07:06 GMT+7 | Thể thao

Chạy bộ, hay marathon đang là trend của thể thao hiện nay, nhất là ở khâu thu hút tài trợ. Từ một môn thể thao có hơi hướng phong trào mà trước đây vẫn quen với tên gọi "việt dã", thì nay chạy bộ đã nâng tầm thành môn thi đấu chuyên nghiệp, thậm chí đã có những yếu tố nhà nghề như VĐV bỏ tiền túi tham gia để "săn" giải thưởng hay các nhà tổ chức bán vật phẩm thi đấu  để có doanh thu. Đó chính là "kinh tế thể thao".

Phong trào nơi nơi tổ chức, người người thi chạy marathon ở Việt Nam hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề, nhưng chuyện đó từ từ bàn sau, điều quan trọng là các cuộc thi chạy bộ đang là nơi "hút" những nguồn tài trợ hấp dẫn nhất, đa phần là các thương hiệu ngân hàng.

Những đơn vị tổ chức thì "nhìn thấy" được nguồn thu từ việc bán áo bib cho VĐV đăng ký tham gia. Nghĩa là việc tạo ra dòng tiền trong hoạt động thể thao chuyên nghiệp đã được vận hành một cách thuận lợi dù phong trào tổ chức giải marathon cũng chỉ vài năm gần đây.

Năm 2012, khi Công ty VPF mới ra đời, V-League thời điểm đó gần như là nơi duy nhất trong thể thao mà các ngân hàng đổ tiền tài trợ. Nhưng thời gian trôi qua, những nhà tài trợ hấp dẫn nhất giờ chuyển qua marathon, còn bóng đá chuyên nghiệp thì hiện vẫn còn luẩn quẩn trong bài toán làm ra tiền từ bóng đá.

Chúng ta có thể thấy câu chuyện này trong trường hợp của đội Khánh Hòa, nơi vừa có scandal nợ lương, thưởng cầu thủ. Qua đó, nguồn tiền "nuôi" đội bóng chủ yếu đến từ một quỹ hỗ trợ của các doanh nghiệp địa phương, không thấy có những khoản thu nào khác để bù đắp cho chi phí hoạt động trong trường hợp quỹ tài chính này không nhận được tiền từ các doanh nghiệp. Nói cách khác, khái niệm "kinh tế thể thao" là điều tương đối xa xỉ trong bóng đá chuyên nghiệp của chúng ta.

Vấn đề là marathon lại làm được. Có thành công hay không, hoặc lâu dài đến đâu thì chưa biết, nhưng điều quan trọng là cách thức vận hành nguồn thu khá rõ ràng và gần gũi với "kinh tế thể thao".

Chạy ra tiền và chuyện “kinh tế thể thao” - Ảnh 1.

Chạy bộ từ một môn thể thao có hơi hướng phong trào giờ đây đã trở thành một ngành “công nghiệp thể thao” hái ra tiền. Ảnh: Hoàng Linh

Đây cũng là lý do mà trong định hướng phát triển thể thao thành tích của của Cục TDTT thời gian tới, việc thúc đẩy "kinh tế thể thao" sẽ là nhiệm vụ trọng tâm. Yêu cầu về thành tích của thể thao đỉnh cao ngày một lớn nhưng nguồn ngân sách đầu tư thì có hạn. Mà trong thể thao, thiếu tiền thì khó làm được việc gì.

Nhưng hãy trở lại với câu chuyện của bóng đá. Môn thể thao có nhiều khán giả nhất, phổ biến nhất, nhiều người tham gia chơi nhất, thì vẫn không thể tạo ra được nguồn thu lớn và dài hạn. Điều tối thiểu nhất trong hoạt động kinh doanh bóng đá, là nguồn tiền từ người hâm mộ, thì vẫn không khác xưa là mấy. Tức là chủ yếu đến từ tiền bán vé, vốn ngày càng giảm do nhu cầu đến sân xem bóng đá không còn lớn như trước đây do sự phát triển của truyền hình và mạng Internet.

Sẽ có ý kiến cho rằng, không có tiền từ khán giả thì đã có tiền từ tài trợ, quảng cáo. Nhưng các nguồn thu này không hẳn đã giống nhau.

Việc người hâm mộ bỏ tiền mua vé, săn vật phẩm "độc quyền" của CLB, đăng ký thẻ thành viên… mới mang đến các giá trị cốt lõi cho "kinh tế thể thao". Bởi nếu khai thác được dòng tiền từ người hâm mộ mới nói đến việc thu được tiền bản quyền truyền hình. Không thể cứ lấy mãi nguồn tiền từ túi doanh nghiệp, bởi như đã thấy, xu hướng tài trợ quảng cáo có thể thay đổi theo thời gian và thị hiếu của công chúng.

Ở góc độ khác, chính việc làm cho người hâm mộ bỏ tiền, mới thúc đẩy bóng đá chuyên nghiệp. Các cầu thủ ra sân thi đấu sẽ phải có trách nhiệm hơn, thay vì chỉ phục vụ cho "giá trị thương hiệu" của nhà tài trợ có một ý nghĩa rất chung chung, ngắn hạn. Và chẳng có ai giám sát được thái độ, tinh thần thi đấu của cầu thủ, CLB bằng chính những người bỏ tiền trực tiếp qua từng trận đấu, từng món vật phẩm.

Kinh tế thể thao có thể chiếm đến 1-3% GDP ở những quốc gia phát triển, và họ đã làm việc này từ rất lâu trong khi tại Việt Nam, đâu chỉ có bóng đá mà còn nhiều môn có tính phổ biến cao lâu nay vẫn cứ loay hoay việc tìm nguồn tiền phát triển. Chạy đã làm ra tiền, các môn khác phải "chạy ra tiền" bằng cách gì? 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm