18/10/2022 19:46 GMT+7 | Tin tức 24h
Theo giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu hiện đã rất tồi tệ và tình hình có thể sẽ chưa thay đổi vào mùa Xuân tới.
Quá trình châu lục này chuyển dịch khỏi nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga tỏ ra không hề dễ dàng, dù đã tám tháng trôi qua kể từ khi xung đột tại Ukraine (U-crai-na) bùng phát.
* Hiện trạng lạc quan, triển vọng mờ mịt
Năm ngoái, châu Âu đã nhập khẩu 99 tỷ euro (117 tỷ USD tính theo tỷ giá năm 2021) năng lượng từ Nga, trong đó bao gồm 40% lượng khí đốt tự nhiên và 30% lượng dầu thô mà châu lục này tiêu thụ. Kết quả là trong ngắn hạn, một cuộc khủng hoảng năng lượng đã lan ra trên khắp lục địa, với giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục và hóa đơn điện nước ở nhiều nơi tăng gấp ba lần.
Chính phủ các nước đã thành công trong việc lấp đầy các kho dự trữ khí đốt tự nhiên dưới lòng đất để chuẩn bị cho những tháng mùa Đông lạnh giá sắp tới - thời điểm nhu cầu năng lượng ở mức cao nhất. Hôm 14/10, Đức đã đạt được một cột mốc quan trọng khi lấp đầy 95% kho dự trữ khí đốt của mình trước thời hạn hơn hai tuần, trong khi các kho chứa khí đốt trên toàn Liên minh châu Âu (EU) hiện đã đầy gần 92%, vượt xa mục tiêu trước đó là đạt mức lấp đầy 80% vào ngày 1/11.
Nhưng các kho dự trữ đầy khí đốt đó chỉ có thể làm dịu đi sự khan hiếm vào mùa Đông năm nay và chúng sẽ không đầy mãi. Các chuyên gia cảnh báo rằng các kho chứa khí đốt ở châu Âu chỉ được thiết kế để duy trì trong vài tháng, bất kể đó sẽ là mùa Đông lạnh giá hay ôn hòa. Và khi đối mặt với một loạt bất lợi gồm nguồn cung từ Nga ngày càng hạn chế, không có dự án khí đốt tự nhiên mới nào đi vào hoạt động trong năm tới cũng như sự cạnh tranh gia tăng từ các thị trường châu Á, cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu có vẻ sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều vào mùa Đông 2023 - 2024.
Củng cố dự báo này, bà Tatiana Mitrova, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, nhận định nhiều khả năng tất cả khí đốt từ các kho chứa dưới lòng đất của châu Âu sẽ được sử dụng hết vào cuối mùa Xuân, trong khi không có nguồn cung tiềm năng bổ sung đáng kể nào vào năm 2023 cho châu lục này.
* Không có nguồn cung mới
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực hết mình để giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga, bao gồm cả lệnh cấm trên toàn EU đối với hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga. Lệnh cấm này dự kiến bắt đầu vào tháng 12 tới.
Nhưng cho đến gần đây, châu Âu vẫn nhận được một lượng lớn khí đốt tự nhiên từ Nga, chủ yếu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream). Phần lớn trong số khí đốt này được chuyển hướng để lấp đầy các kho dự trữ của lục địa. Nguồn cung qua hệ thống đường ống đó cuối cùng đã dừng lại vào cuối tháng Tám, khi các công ty năng lượng của Nga tạm thời cắt nguồn cung để bảo trì hệ thống.
Mọi hy vọng vào đường ống Dòng chảy phương Bắc có thể tiếp tục vận hàng trước mùa Đông năm sau đã tiêu tan vào cuối tháng Chín, khi đường ống bị hư hỏng và bắt đầu rò rỉ hàng trăm nghìn tấn khí methane ra Biển Bắc. Không có nguồn khí tự nhiên nào được vận chuyển trong đường ống vào thời điểm xảy ra sự cố, nhưng các nhà khai thác đến nay vẫn bị hạn chế tiếp cận địa điểm và tiến hành sửa chữa.
Bà Mitrova cho hay sau sự cố của hệ thống Dòng chảy phương Bắc, khó có khả năng khôi phục nguồn cung qua đường ống này về mức như trước đây, ngay cả khi về lý thuyết có thể có một cuộc dàn xếp giữa Nga, Ukraine và phương Tây.
Các đường ống khác nối Nga với châu Âu vẫn đang hoạt động, mặc dù gần đây đã có những cảnh báo rằng chúng có thể sẽ cùng số phận “khóa van” như Dòng chảy phương Bắc. Đường ống dẫn TurkSteam (chạy từ Nga đến Nam Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ) vẫn hoạt động, mặc dù nhà điều hành phía Nga vào tháng Chín đã ám chỉ rằng công việc bảo trì và giao hàng có thể bị đình chỉ. Ngoài ra, một số phần của đường ống này cũng đi thẳng qua Ukraine, khiến khả năng cung cấp khí đốt cho châu Âu của chúng có thể dễ dàng bị gián đoạn bởi chiến tranh.
Ông Ryhana Rasidi, nhà phân tích khí đốt tại công ty tư vấn năng lượng Kpler, nói rằng nếu dòng chảy qua Ukraine và TurkStream cũng bị cắt, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ trầm trọng hơn trong thời gian tới và mùa Đông tới.
Sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga khiến châu Âu có ít lựa chọn để bổ sung nguồn dự trữ trước mùa Đông năm sau. Châu lục này đã chuyển sang nhập khẩu khối lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Trung Đông. Song các nhà sản xuất lớn này đều nói rõ sẽ không có dự án sản xuất khí đốt tự nhiên mới nào khởi công vào năm tới, đồng nghĩa là nguồn cung sẽ tiếp tục eo hẹp.
* Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong năm tới
Đáng lo ngại hơn, tình trạng thiếu hụt khí đốt có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn đối với châu Âu vào năm tới, vì sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các quốc gia cũng muốn đảm bảo nhu cầu năng lượng của họ.
Trong giai đoạn nỗ lực lấp đầy kho dự trữ khí cho mùa Đông năm nay, châu Âu đã được hưởng lợi từ sự sụt giảm mạnh về nhu cầu năng lượng ở các thị trường châu Á.
Năm 2021, Trung Quốc là nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới khi mua một lượng lớn từ các nước bao gồm cả Mỹ và Qatar (Ca-ta). Nhưng sang năm 2022, công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie ước tính nhập khẩu LNG của Trung Quốc đã giảm 14%, phần lớn là do suy thoái kinh tế, các lệnh hạn chế đi lại do dịch COVID-19 và mùa Đông ấm hơn dự kiến.
Các chuyên gia cho rằng sự phục hồi trong nhu cầu khí đốt tự nhiên từ Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào sự khởi sắc tăng trưởng kinh tế của nước này và khả năng xảy ra một mùa Đông lạnh giá vào năm tới. Do đó, châu Âu chắc chắn sẽ theo dõi các dự báo thời tiết cho khu vực Đông Á với mức độ sát sao như đối với lục địa của họ.
Chuyên gia Mitrova cho biết rất khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra với tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc, nhưng khả năng khá cao là nước này sẽ phục hồi phần nào đà tăng trưởng kinh tế và dẫn đến nhu cầu LNG cao hơn.
Theo dự báo gần đây của Morgan Stanley, nhu cầu LNG của Trung Quốc có thể phục hồi 14% trong giai đoạn 2023 - 2024, khi tình trạng ngừng hoạt động trở nên ít phổ biến hơn và đà phục hồi kinh tế ở nước này tăng tốc. Khi đó, châu Âu sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn từ thị trường tỷ dân để đảm bảo được nguồn cung năng lượng cho nhu cầu của khu vực.
* Các biện pháp điều chỉnh dài hạn
Khi không có nguồn cung mới nào trong thời gian tới và tình hình cạnh tranh khốc liệt hơn đối với nguồn cung hiện có, triển vọng mùa Đông 2023 - 2024 đang ngày càng trở nên ảm đạm đối với châu Âu.
Lý tưởng nhất là châu Âu tìm được thêm nhiều nguồn năng lượng không phải nhiên liệu hóa thạch, bao gồm năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân vốn chưa thể đáp ứng được nhu cầu trong năm nay. Ví dụ: thủy điện - nguồn năng lượng tái tạo hàng đầu của châu Âu - đã bị thiếu hụt trong năm 2022 sau một loạt các đợt hạn hán khốc liệt trong mùa Hè. Đối với năng lượng hạt nhân, châu Âu trước đây dựa vào công suất lớn của Pháp như một nguồn năng lượng ổn định. Nhưng các cuộc đình công của công nhân và hoạt động bảo trì bắt buộc đã khiến nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động.
Theo bà Mitrova, các nhà máy hạt nhân của Pháp sẽ hoạt động trở lại vào năm tới, song điều đó chưa được đảm bảo hoàn. Ngoài ra, sẽ phải mất nhiều năm trước khi bất kỳ khoản đầu tư mới nào vào điện hạt nhân sẽ bắt đầu mang lại hiệu quả. Trong giai đoạn đó, công suất của năng lượng tái tạo có thể bù đắp cho công suất khí đốt bao nhiêu sẽ phụ thuộc phần lớn vào thời tiết mùa Hè tới.
Với tình trạng bất ổn về nguồn cung năng lượng dường như sẽ thành bình thường mới trong tương lai gần ở châu Âu, các chuyên gia cho rằng việc giảm nhu cầu năng lượng có thể sẽ trở thành một thói quen của các nước trong khu vực.
Chuyên gia Rasidi nói rằng lựa chọn tốt nhất của châu Âu để xử lý tình huống này là kiểm soát mức tiêu thụ nội địa, thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng cần thiết.
Các quốc gia châu Âu đã sử dụng biện pháp phân bổ năng lượng trong năm nay, bao gồm các yêu cầu bắt buộc cắt giảm tiêu thụ điện năng. Nhưng việc giảm sử dụng năng lượng có thể chỉ là cách lâu dài để đối phó với hóa đơn điện nước cao và nguồn cung hạn chế.
Bà Mitrova nói rằng đây là một cơ hội quan trọng để châu Âu thực sự định hình lại nhu cầu năng lượng của mình, đồng thời đánh giá lại cách họ đang tiêu thụ năng lượng.
EU đã nhấn mạnh việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch cũng như sử dụng hiệu quả năng lượng ở cả quy mô hộ gia đình lẫn ngành công nghiệp là những phần quan trọng trong chính sách năng lượng của khối. Trong những tháng gần đây, khối này đã cùng hợp lực để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.
H.Thủy (Theo Fortune)/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất