01/02/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa bước sang năm Âm lịch 2022 - năm Nhâm Dần - với một Giao thừa đặc biệt: Không pháo hoa, hạn chế các hoạt động vui chơi giải trí, trong khi nhiều lễ hội xuân mới vào những ngày tới cũng sẽ phải tạm dừng.
Chẳng lạ, khi đây là cái Tết nguyên đán thứ hai diễn ra vào thời điểm “cơn bão” Covid-19 đang càn quét thế giới. Trận bão đại dịch ấy nguy hiểm ở sự giấu mặt âm ỉ và dai dẳng, luôn có thể bùng lên và tạo ra thảm họa bất cứ khi nào - khi mà ở thời điểm này, biến thể Omicron với nhiều ẩn sổ khác nhau, vẫn đang tiếp tục đe dọa nhiều quốc gia.
Hết Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân - 2 năm qua, chu kỳ ấy cũng gắn liền với vòng quay chóng mặt của nhân loại trong cuộc chiến cùng Covid-19. Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, khi đang cùng thế giới đứng chung một chiến hào.
Bây giờ, theo tâm thức mặc định của Á Đông, chúng ta và bước vào Tết - cột mốc thời gian chuyển giao mang tính tâm linh để người ta có thể “xóa cũ, làm mới”, với nguyện ước hướng về những điều mới mẻ, tốt đẹp phía trước và gạt bỏ mọi muộn phiền lại sau lưng.
Bên cạnh ước vọng riêng về một năm mới tốt đẹp của mỗi người, đó còn là ước vọng chung của cả cộng đồng về một năm 2022 với những khởi sắc mới sau đại dịch.
Chẳng có gì viển vông - khi nhiều nhà sử học đã chỉ rõ: Trong quá khứ, thế giới đã từng trải qua những những trang sử đầy u ám về bệnh dịch, để rồi mỗi lần ấy, nhân loại lại có bước chuyển mình mạnh mẽ. Bởi, đó cũng chính là cú hích để con người từ vượt lên mình, từ học cách sáng suốt, thông minh thêm để tiến tới văn minh và vượt qua trở ngại.
Và, cái Tết Nguyên đán của dân tộc chính là một điểm tựa tinh thần đặc biệt, để mỗi người trong chúng ta bắt đầu một năm mới với những kì vọng như thế. Giống như, một năm đáng buồn vừa qua lại không hề đáng quên, khi cuộc chiến cùng dịch bệnh cũng chính là thời điểm để cộng đồng chiêm nghiệm về những giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam.
Giống như, từ một thế kỷ trước, học giả Nguyễn Văn Huyên đã từng viết: “Trong khi đột nhiên kéo mọi người ra khỏi cuộc sống đơn điệu, Tết vừa khiến cho họ khẳng định sức mạnh tinh thần của gia đình, vừa làm trẻ lại sự hiệp đồng xã hội gắn bó “trăm nhà” với nhau có lẽ đã tồn tại từ hàng ngàn năm ở xứ sở này.
Tết, với người Việt, là hạnh phúc của sự sum vầy, là con cháu hướng về tổ tiên với mâm cơm cúng và nén hương thơm, là sự tri ân nhớ về sức mạnh của cội nguồn, dòng tộc. Và, trong thời điểm đẹp nhất của năm, khi vạn vật sinh sôi, thiên nhiên giao hòa, sự nâng đỡ từ giá trị đặc biệt ấy đủ khiến chúng ta có thêm những thanh thản và tự tin để bắt đầu vòng quay mới cho một năm sắp tới.
Vậy, tại sao lại không dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp và lạc quan trong những ngày đầu năm này. Để cộng đồng cùng xích lại gần nhau hơn, trong bối cảnh cả thế giới cũng đang cùng chung một mong mỏi, một hi vọng cho năm 2022 yên bình và vượt qua dịch bệnh.
Chào Xuân 2022. Chúng ta đang đứng trước một năm mới, để thử thách những giấc mơ của chính mình.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất