13/01/2025 07:25 GMT+7 | Văn hoá
Cuối tuần trước, lễ khánh thành dự án chỉnh trang tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) vừa diễn ra tại Hà Nội.
Và điểm nhấn khiến nhiều người có mặt thích thú là sự xuất hiện của… "chúa Chổm", nhân vật gắn với truyền thuyết về ngõ Cấm Chỉ (tên gốc của ngõ Hàng Bông).
Tất nhiên, "chúa Chổm" ở đây là "chúa Chổm" được diễn xướng bởi người thật, với đầy đủ lễ phục cung đình trong một lễ rước tượng trưng. Đi dọc tuyến phố, phiếu (voucher) đồ ăn được "chúa Chổm" phát tặng các du khách đang có mặt.
Những ai quan tâm tới lịch sử Hà Nội hẳn đều biết giai thoại về ngõ Cấm Chỉ, nằm trên đường dẫn vào cửa Đại Hưng phía Đông Nam kinh thành Thăng Long xưa.
Tương truyền, khi còn hàn vi, chúa Chổm (vua Lê Trang Tông) vẫn thường đánh chén và ghi sổ nợ tại khu vực này. Do vậy, tới lúc ông được lập làm vua đầu tiên của vương triều Lê Trung Hưng, các chủ quán tại đây được miễn thuế một năm, đồng thời cái tên "Cấm Chỉ" được đặt ra, để nghiêm cấm việc… chỉ trỏ vào vua mà đòi nợ như vốn có.
Và khi Cấm Chỉ gắn với một tên ngõ ở phía Đông Nam của Hà Nội cũ, đương nhiên truyền thuyết về Chúa Chổm cũng trở thành một phần lịch sử của cái tên này - để rồi dẫn tới màn diễn xướng thú vị như vừa qua. Thậm chí, như những gì được chia sẻ, phần cổng chào của khu phố ẩm thực mới tôn tạo cũng được thiết kế với cảm hứng lấy từ cửa Đại Hưng gần Cấm Chỉ xưa, với hệ thống đèn lồng chiều sáng.
Ở một góc độ khác, bức tượng "phở gánh" đặt phía đầu phố Tống Duy Tân - được chiếu sáng tập trung vào buổi tối - cũng là một điểm nhấn quan trọng cho không gian này. Là sản phẩm của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và nhà điêu khắc Trần Quốc Thịnh, tượng khắc họa một người đàn ông với đôi quang gánh đựng nồi nước dùng, bếp than và các nguyên liệu làm phở - một hình ảnh quen thuộc từ những hàng phở gánh tại Hà Nội đầu thế kỷ XX.
Đáng nói, bức tượng đồng này được thiết kế với chiều cao 1,6 mét - tương đương kích thước người thật - kèm phần đế được đặt chìm trên nền gạch lát đường, nghĩa là không có phần bệ tượng như nhiều trường hợp khác. Như chia sẻ của Thế Sơn, cách tiếp cận ấy không chỉ giúp người xem dễ "check-in" mà còn tạo cảm giác gần gũi và kết nối với khán giả, từ đó mở ra những suy nghĩ về nguồn gốc và lịch sử văn hóa ẩm thực của Hà Nội xưa.
***
Cũng cần nhắc lại, phố ẩm thực Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông của Hà Nội được thiết lập từ năm 2002, nghĩa là đã có hơn 20 năm tồn tại. Sẽ rất khó để đánh giá chính xác về sự thành công (hoặc thất bại) của mô hình này, khi nó cần được đặt trong bối cảnh của một Hà Nội liên tục phát triển với các nhu cầu khác nhau, trong đó có ẩm thực.
Nhưng chắc chắn, ở vào thời điểm này, một không gian ẩm thực như vậy cần được chỉnh trang và bổ sung thêm những gam màu mới để tạo nét riêng - khi Hà Nội đã và đang có rất nhiều không gian ẩm thực được quy hoạch cũng như tự phát, mà trường hợp bán đảo Ngũ Xã (hồ Trúc Bạch) và khu phố cổ là những ví dụ điển hình.
Đặt trong sự tương quan ấy, rõ ràng cách tiếp cận về chiều sâu di sản văn hóa vốn có của không gian này - cũng như việc kết nối với quá khứ của Hà Nội bằng một tác phẩm nghệ thuật đương đại - là những tư duy tích cực và thú vị. Phần còn lại, sau mở đầu ấn tượng ấy, sẽ là sự chờ đợi về bản sắc và những giá trị riêng của khu vực này, để Hà Nội thật sự có một khu phố ẩm thực theo đúng nghĩa…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất