19/07/2021 07:29 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - 19 tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Đà Nẵng tạm dừng tắm biển, bắt đầu từ trưa 15/7 và đây là lần cấm tắm biển thứ 3 trong hai tháng. Còn Hà Nội, thì từ 0h hôm nay, 19/7, dừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu; mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Đấy mới chỉ là những nét chính về cuộc chiến chống Covid-19 trong tuần qua. Nếu để ý trên các phương tiện thông tin đại chúng thì dễ dàng nhận thấy, hơn 1 năm trở lại đây, cụm từ “chuyển trạng thái” đã trở nên quen thuộc với người dân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Khái niệm “chuyển trạng thái” hiểu đơn giản là sự thay đổi tình trạng của sự vật hoặc của con người, nhằm cập nhật, thích ứng với điều kiện mới.
Con người và các loài trên trái đất luôn phải học cách thích nghi để sinh tồn. Tùy theo sự thay đổi của môi trường sống, hay hoàn cảnh xã hội có xảy ra thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh… mà con người phải rất nhanh chóng thực hiện các pha "chuyển trạng thái" cho cuộc sống của chính mình. Tất cả đều phải được tính toán, lên kịch bản từ trước, thậm chí phải chuẩn bị cả những phương án cao nhất để đối phó với tình huống xấu nhằm tránh rơi vào thế bị động.
Trong ký ức của người dân Hà Nội chắc hẳn sẽ không quên tiếng loa phường thông báo “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý. Máy bay địch cách thủ đô Hà Nội 100km…”. Khi những âm thanh đó vang lên, mọi người đều nhanh chóng “chuyển trạng thái”, học sinh thì tìm ngay đến hầm trú ẩn, bộ đội và dân quân tự vệ thì cầm súng lao lên các vọng gác, các vị trí tầm cao để sẵn sàng đón mục tiêu. Công nhân trong các nhà máy thì dừng hoạt động của máy móc thiết bị, chờ đến khi còi báo yên mới tiếp tục chạy máy…
Với chúng tôi thì những năm tháng sống trong quân ngũ, khó ai có thể quên được những hồi kẻng báo động trong đêm. Khi ấy, tất cả đều khẩn trương nhảy ra khỏi giường, nhanh chóng cho tất cả quân trang cá nhân vào ba lô, nhanh chóng ra tập hợp nhận lệnh chiến đấu hoặc hành quân di chuyển. Đấy cũng là cách rèn luyện, làm quen với các hình thức chuyển trạng thái từ bình thường sang sẵn sàng chiến đấu.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hơn 1 năm qua, rất nhiều địa phương, nhiều khu vực trên cả nước cũng đã trải qua những lần “chuyển trạng thái” để đối phó với tình hình dịch bệnh. Mọi người buộc phải thích ứng, làm quen với các trạng thái khác nhau tùy theo mức độ đe dọa của bệnh dịch. Từ “bình thường mới” cho đến giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16, 19, hay cao hơn là phong tỏa khu vực có nguy cơ lây nhiễm lớn…
Với quán cà phê nơi tôi hay ngồi buổi sáng, anh chủ quán cũng đã nhanh chóng chuyển đổi hình thức bán hàng. Từ cách sắp xếp lại bàn ghế, cho làm tấm vách ngăn mi-ca tháo ra lắp vào dễ dàng, chuẩn bị sẵn chai, cốc nhựa phục vụ khách mua mang về… Khi được phép thì mở cửa bán hàng, lúc thành phố yêu cầu tạm dừng thì chuyển ngay sang phục vụ khách mua về nhanh chóng.
Tại TP.HCM, cũng đã có không ít nhà thuốc, cửa hàng mỹ phẩm, cửa hàng bán đồ trẻ em… tạm “chuyển trạng thái” sang bán rau đó sao?
Rèn luyện và học cách chuyển trạng thái trong cuộc sống là một kỹ năng cần thiết cho chúng ta. Mục đích không gì khác ngoài việc làm sao nhanh chóng thích nghi với thực tế, hạn chế những thiệt hại không cần thiết.
Để có được thói quen này, buộc mỗi cá nhân phải rèn luyện cách sống có tổ chức, có kỷ luật; luôn ở tư thế sẵn sàng thay đổi sinh hoạt của bản thân cho phù hợp với các tình huống mới. Cứ nhìn vào các địa phương trong cả nước thời gian vừa qua, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy việc chuyển trạng thái kịp thời có giá trị như thế nào đối với mỗi người và đối với cả cộng đồng trong việc đối phó với dịch bệnh.
Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất