30/05/2022 06:54 GMT+7
Chỉ qua 3 cuộc đấu giá tranh nho nhỏ trên mạng xã hội mà có tới hơn 50 tác phẩm, vật phẩm gửi đến ủng hộ gần như vô điều kiện, bán hơn 66%, thu về gần 300 triệu đồng. Đó là kết quả bước đầu của chương trình đấu giá nghệ thuật Vì mái trường cho em do báo Thể thao và Văn hoá (TTXVN) phát động. 7 vật phẩm tiêu biểu sẽ “lên sàn” đấu giá trực tiếp tại Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn, tối 31/5 tại số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Các cuộc đấu giá tranh hay rộng ra là việc mua bán nghệ thuật nói chung chỉ có thể thành công nếu thói quen tiêu thụ nghệ thuật được hình thành, trình độ “thưởng tranh” của công chúng được nâng cao. Làm thế nào để có được thói quen lịch lãm này?
Ông Đặng Thái Hoàng là kiến trúc sư và còn là nhà nghệ thuật học. Ông viết sách về nghệ thuật trừu tượng với nhiều lời bàn sâu rộng. Một hôm đến phòng làm việc của tôi chơi, ông bảo: Tôi có bộ sưu tập 200 bức tranh trong nhiều năm, nay muốn nhờ anh đến chọn hộ vì tôi nghe nói anh là người thẩm định tinh tường. Bữa đó tôi không đi được.
Lần thứ 2, ông đến đột ngột vào lúc tôi chuẩn bị họp với giám đốc về kế hoạch xuất bản nên cũng lỡ.
Ông không vui, trách tôi khó tính. Tôi cũng không thanh minh, dù đã làm ông thất vọng. Nhưng còn chút thời gian, tôi nói với ông: Anh ạ, 200 tranh anh đem về đều là những bức tranh đẹp đấy, chắc chắn vậy. Anh nhìn tôi nghi ngờ, tôi phải nói luôn: Đó là những tranh anh thấy đẹp, anh thích anh mới đem về, đúng không? Nó hoàn toàn đẹp với anh! Anh phải tin vào trực giác của mình chứ.
Ông lẳng lặng ngồi nghe, chưa có phản ứng gì. Tôi nói luôn: Nhất định em sẽ đến xem và có thể có ý kiến nếu anh muốn nghe tham khảo. Nhưng em nói trước thế này: Nếu em chọn được 80 bức trong số tranh của anh thì đó không phải tranh đẹp nhất của anh đâu, mà chỉ là bộ sưu tập em thích trong số tranh anh có.
Nếu có người thứ 2, họ có thể chọn số lượng nhiều hơn nhưng trong đó sẽ có những tranh mới và những tranh em chọn có khi bị loại ra. Điều đó không lạ vì đó là bộ sưu tập dưới mắt nhìn của người ấy.
Tất cả là do cảm thụ nghệ thuật của mỗi người đều khác nhau. Có người thích tranh về cấu trúc, có người đơn giản thích màu, có người lại thích hình mà không để ý đến cái khác. Hoặc có người thích ưu tư về những hoài niệm lại chọn tranh theo hướng ấy. Cho nên nghề làm curator (thẩm định và lựa chọn tranh) là vô cùng khó nhọc. Làm thỏa mãn cho mọi đối tượng không bao giờ là chuyện dễ dàng.
Nghe hồi lâu, rồi ông ra về.
Hôm sau ông điện thoại cho tôi, rằng tôi nói thế là đúng.
***
Nhiều người bạn vẫn nói với tôi: Xem tranh khó lắm, không thể hiểu được.
Đúng! Thẩm tranh chẳng dễ dàng gì, nhiều khi đối với cả người làm chuyên môn về mỹ thuật. Có thể thấy khá nhiều trường hợp người nghiên cứu chuyên ngành nghệ thuật chỉ phát biểu chung chung mà không thể phân tích trọn vẹn một bức tranh.
Thẩm định là đọc bức tranh đó giống như người ta đọc sách. Có thể chỉ nhận ra phần nào, nhưng chẳng bao giờ hết, mà cũng mỗi người mỗi nhận thức, mỗi cảm xúc khác nhau và phát hiện khác nhau! Tranh lại càng không giống như sách. Sách dù có đa nghĩa, nhưng còn giới hạn, chứ tranh thì hình ảnh thật mà vẫn trừu tượng, chứ không như những gì ta nhìn thấy. Ngay trong tranh dân gian Đông Hồ cũng có nhiều tranh như thế.
Trong văn học có những tác phẩm mà nhiều năm sau, hoặc thế kỷ sau người ta vẫn phát hiện thêm cái mới mà trước đó chưa ai tìm ra, thì trong tranh cũng có như thế. Những tác phẩm nghệ thuật lớn của những tác giả danh tiếng lại càng như thế.
Nghệ thuật chẳng có cái gì dễ hiểu. Cái nghề học 5 năm hoặc dài hơn nữa, mình xem sản phẩm họ có vài phút mà đòi hiểu thì là chuyện không tưởng. Kể cả có học có hỏi có nghiên cứu cũng chưa chắc bóc tách được hết. Nghệ thuật hội họa chỉ để cảm mà thôi. Cảm được, yêu thích được, đã là thành công trong thưởng thức.
Đỗ Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất