Vậy là như thường lệ, một mùa thi đại học lại qua đi. Vẫn những cảnh sĩ tử cùng người thân hối hả lai kinh rồi lại dắt díu trở về sau vài ngày “chinh chiến với đời”.
Rồi lại sẽ có những niềm vui vượt vũ môn, những nụ cười như mếu của các anh khóa hỏng thi. Có lẽ thi cử muôn đời vẫn vậy.
Nhưng mùa thi năm nay, dường như đã lóe lên những dấu hiệu đổi mới trong cung cách ra đề, cũng như tư duy cải cách dù chưa rõ rệt từ phía những nhà làm giáo dục.
Đó là đề thi văn với hai câu (một cho khối C, một cho khối D: Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu” hay “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”.
Có thể nói đây là hai đề thi rất mở, rất hay, bởi vừa tạo điều kiện cho thí sinh thả sức bày tỏ quan điểm và lập luận bảo vệ quan điểm của mình, vừa mang tính thời sự rất cao.
Đâu đó vẫn có những tranh cãi rằng bắt học sinh tuổi teen phải phân biệt “kẻ cơ hội” và “người chân chính” là chưa phù hợp, rồi những fan cuồng nào đó cho rằng mình bị chửi xéo lên mạng “ném đá”… Nhưng nói như Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Bùi Văn Ga, việc ra đề mở gắn liền vấn đề xã hội để tránh học sinh học vẹt.
Việc đúng hay sai của ý kiến trong đề thi sẽ có những ý kiến bình luận trái chiều. Hoàn toàn học sinh có thể bình luận lại. Bộ khuyến khích những bài không giống đáp án và có tính sáng tạo.
Sự sáng tạo và đổi mới trong cách ra đề còn thể hiện ở nhiều môn thi khác mà tiêu biểu là môn Địa lý, với câu hỏi liên quan chủ đề Trường Sa- Hoàng Sa được nhiều thì sinh cho là khá lý thú và thời sự, dù Bộ Giáo dục-Đào tạo nói câu này được chọn ngẫu nhiên.
Theo nhiều thầy cô giáo, hầu hết các đề bài năm nay có tính phân hóa học sinh khá cao, tạo thuận lợi cho các trường trong việc lựa chọn thí sinh phù hợp với yêu cầu của mình. Môn Sinh học được nói có nhiều câu hay và mới so với năm 2011, không gây nhàm chán và chủ quan cho thí sinh.
Ngay cả ở môn Lịch sử, một môn học được xem là thuộc lòng là chính, đề thi cũng đòi hỏi thí sinh phải có khả năng khái quát cao, nắm vững kiến thức toàn chương trình. Học tủ hoặc học vẹt sẽ khó đạt điểm trung bình.
Trên đây là vài nét mới đáng mừng trong chuyện thi cử ở ta năm nay. Nhưng vẫn cón đấy những “nét mới” ngẫm ra thấy hơi kỳ cục. Đó là chuyện chỉ ít ngày sau vụ tai tiếng Đồi Ngô (Bắc Giang) và cận kề kỳ thi đại học, Bộ Giáo dục-Đào tạo vội “cho phép thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi”.
Nhưng phải nói thẳng, đây là chuyện “làm màu” của bộ, bởi hầu hết các thí sinh, như thực tế mùa thi năm nay, chỉ quan tâm tới việc làm bài, chẳng ai dư hơi mà chăm chăm chống tiêu cực. Bởi đó không phải việc của học sinh mà là nhiệm vụ của các nhà quản lý giáo dục.
Theo Tiền phong