Chào tuần mới: Nỗi nhớ xe buýt

20/09/2021 06:43 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang xây dựng bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19, nhằm chuẩn bị cho việc hoạt động trở lại loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ngay sau khi được phép.

Chào tuần mới: Xe buýt công cộng - cần và đủ

Chào tuần mới: Xe buýt công cộng - cần và đủ

Công an huyện Ứng Hòa, Hà Nội mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Gây rối trật tự công cộng và Cố ý gây thương tích” của nhóm đối tượng hành hung một nữ phụ xe buýt hôm 20/10.

Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, một số tỉnh thành trong cả nước phải tạm dừng các hoạt động dịch vụ công cộng như xe buýt tại các thành phố, khu đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, TP.HCM...

Sự thiếu vắng loại hình dịch vụ này trên các tuyến phố quá lâu khiến chúng ta chợt thấy bâng khuâng giống như nhớ về thời kỳ "bình thường" hay "bình thường mới" chưa xa.

Có một thời, người ta nhận ra sự khác biệt giữa các thành phố lớn với các đô thị nhỏ chính là những chiếc xe buýt.

Bản thân tôi cũng là người đi xe buýt từ khá sớm. Nhớ khi ấy, trong nhà chỉ có mỗi chiếc xe đạp bố mẹ dùng làm phương tiện đi làm cho nên mấy chị em muốn đi chơi đâu xa thì chỉ còn cách đi bộ. Thật may mắn là nơi gia đình tôi sinh sống chỉ cách bến xe buýt tuyến Hàng Vôi - Cầu Đuống khoảng 500m.

Chú thích ảnh
Xe buýt tại Hà Nội. Nguồn: TTXVN

Vì thế, từ năm học lớp 3, vào các ngày lễ lớn, dịp Tết cổ truyền, nếu muốn sang Hồ Gươm chơi hay cùng bạn bè đi công viên Thống Nhất xem xiếc, tôi chỉ cần cuốc bộ ra bến xe buýt. Từ khu bến đỗ tại phố Hàng Vôi (sau này chuyển xuống khu Bác Cổ) cũng chỉ đi bộ thêm chục phút là ra đến khu vực Hồ Gươm, tha hồ lang thang mua sách, xem các trò chơi dân gian, ngắm phố phường và chờ xem cụ Rùa nổi!

Thành phố dần dần phát triển theo xu thế chung. Tàu điện bị dỡ bỏ. Các loại phương tiện giao thông cá nhân phát triển mạnh, từ xe máy cho tới xế hộp… Thời gian gần đây, xe buýt cũng đã phát triển tới hàng trăm tuyến, đan xen như mắc cửi trên các tuyến phố ở Thủ đô, hàng ngày đưa đón hàng trăm ngàn lượt khách...

Thủ đô Hà Nội tới đây dự kiến sẽ dần nới lỏng việc giãn cách, tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Do có tính kết nối mạng lưới liên tuyến hoạt động, nên xe buýt cần có không gian rộng để thực hiện lộ trình. Vì vậy, các tiêu chí đảm bảo để cho xe buýt có thể chạy liên vùng và thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch là những ưu tiên hàng đầu.

Theo Sở GTVT Hà Nội, sẽ có 3 tiêu chí được lựa chọn để xe buýt có thể hoạt động, gồm: Thẻ xanh; tần suất hoạt động và lộ trình chạy liên tuyến. Sở GTVT yêu cầu tất cả xe lái, phụ xe khi trở lại hoạt động phải có “thẻ xanh Covid-19”. Sau thời điểm 21/9, căn cứ tình hình thực tế công tác phòng chống dịch, Sở GTVT sẽ đưa ra phương án xe buýt hoạt động 50% công suất (trên xe không chở quá 50% hành khách theo số ghế), sau 15 ngày sẽ có tính toán để điều chỉnh.

Các tuyến xe buýt chạy liên vùng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp để tránh những vùng đỏ. Đối với hành khách có nhu cầu di chuyển bằng xe buýt, Sở GTVT Hà Nội khuyến cáo cần thực hiện nghiêm túc thông điệp “5K”; khai báo y tế điện tử; hạn chế nói chuyện, ăn uống trên suốt chuyến đi và chủ động khai báo nếu xuất hiện các triệu chứng như ho, sốt, khó thở.

Khi xe buýt công cộng được hoạt động trở lại, thì cũng có nghĩa là những tín hiệu về trạng thái “bình thường mới” đang dần trở lại với cuộc sống của chúng ta, theo những mức độ khác nhau. Chúng ta mong rằng sự chuẩn bị của Sở GTVT Hà Nội sẽ sớm có đủ điều kiện để được triển khai trong thực tế, bởi nói gì thì nói, xe buýt vẫn luôn là phương tiện vận chuyển hành khách công cộng đắc dụng và phù hợp với xu thế phát triển của đô thị hiện đại, văn minh.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm