07/08/2023 08:43 GMT+7 | Văn hoá
Diễn ra trong tuần qua, câu chuyện trên hành trình về nhà của bệnh nhân L.V.H. đang được dư luận đón nhận với rất nhiều xúc động và cảm phục.
41 tuổi, đang làm việc tại miền Nam, H. gặp tai nạn giao thông nặng, hôn mê sâu và được chẩn đoán chết não. Em gái lên kế hoạch đưa anh về quê nhà tại Nghệ An để người thân nhìn mặt lần cuối. Nhưng trên chuyến xe cấp cứu chạy từ TP.HCM về quê, cô nhớ lại: Anh trai mình sinh thời là người hiền hậu, muốn sống vì mọi người và dành những gì tốt đẹp nhất cho mọi người.
Ý tưởng hiến mô, tạng của H. để cứu sống nhiều người khác được em gái anh trao đổi cùng gia đình và lập tức nhận được sự ủng hộ. Như chia sẻ, đó cũng là một cách để người thân tiếp tục nhớ và tự hào về H., khi một phần cơ thể của anh mang lại sự sống và tiếp tục tồn tại cùng những con người khác trong cuộc đời.
Liên lạc với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, gia đình H. nhận được chỉ dẫn và hỗ trợ rất chi tiết. Để rồi, vì muốn đảm bảo sức khỏe của mô, tạng, họ tiếp tục có lựa chọn xúc động thứ hai: Dừng lại ở Bệnh viện Trung ương Huế để làm thủ tục hiến tặng, thay vì đưa H. về quê lần cuối.
Rất nhanh, chỉ trong vòng hơn 1 ngày sau đó, thận, gan, giác mạc của H. đã được ghép cho các bệnh nhân khác nhau và đều nhận về những kết quả rất khả quan sau các ca phẫu thuật...
***
Hiến tạng và ghép tạng không phải là điều mới ở Việt Nam, nhất là trong những năm gần đây. Có điều, mỗi câu chuyện ở đó vẫn luôn có những sắc màu riêng, để cộng đồng đón nhận trong sự xúc động nghẹn ngào.
Đơn cử, vào đầu năm 2018, rất nhiều nước mắt của độc giả đã tuôn rơi trước 2 ca hiến tạng liên tiếp. Ở trường hợp đầu, gia đình một thiếu tá quân đội gặp nạn khi làm nhiệm vụ đã hiến tặng vô điều kiện mô tạng của anh - để rồi trái tim, thận, phổi và giác mạc của anh lập tức được san sẻ tới nhiều địa phương và mang lại niềm vui cho 6 người khác.
Còn ở trường hợp thứ 2, sau khi qua đời vì ung thư, giác mạc của một bé gái tên Hải An (7 tuổi) cũng được ghép cho 2 bệnh nhân - với việc người mẹ đã trao đổi và được sự đồng ý của em trong những ngày cuối đời.
Còn gần hơn, chỉ ít ngày trước, cũng tại Bệnh viện Trung ương Huế, một trái tim được hiến tặng từ Hà Nội đã vào đây theo đường hàng không để hoàn thành một ca ghép tim. Để chờ trái tim được phẫu thuật lấy ra từ Hà Nội (và chuyển vào Huế cùng chuyến bay), toàn bộ hành khách trên đó - cũng như phía hãng hàng không - đã sẵn lòng khởi hành chậm hơn dự kiến.
Hoặc, mới chỉ đầu năm 2023 này, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), người mẹ của một bệnh nhân chết não đã hiến tất cả tạng của con trai mình - để rồi trái tim và máu của anh lập tức được chuyển ra Hà Nội, còn 2 thận, 2 giác mạc và da lập tức được ghép cho 5 bệnh nhân phía Nam.
Còn bây giờ, câu chuyện về quyết định "quay xe" trên đường về nhà của L.V.H lại khiến chúng ta thêm một lần xúc động. Thẳng thắn, đặt bên cạnh nghĩa cử ấy, bất cứ lời tôn vinh nào cũng là nhỏ bé vì không thể chứa đựng nổi trong lớp vỏ ngôn từ.
Bởi ai cũng biết: Chướng ngại lớn nhất trong câu chuyện hiến mô, tạng nằm ở cảm xúc, cũng như nếp nghĩ truyền thống của thân nhân người tặng. Và theo một cách nào đó, khi vượt lên định kiến để sự ra đi của người thân không trở nên vô nghĩa, những ca hiến tạng - vốn ngày một nhiều hơn trong nhịp sống hiện đại - cũng chính là những hạt mầm đang được gieo thêm về tình thương yêu và sự nhân văn của cuộc đời...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất